Nhằm góp phần giảm thiểu phương tiện cá nhân, qua đó hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực mở rộng mạng lưới, đầu tư đổi mới phương tiện, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, điều hành, giúp người dân tiếp cận dịch vụ vận tải hành khách công cộng dễ dàng hơn.
Đáp ứng khoảng 19,5% nhu cầu đi lại
Hà Nội có 153 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, trong đó 128 tuyến buýt trợ giá, 9 tuyến buýt không trợ giá,13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến city tour. Năm 2021 - 2024, Hà Nội có thêm 2 tuyến tàu điện, metro Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội kết nối với xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Tuy nhiên, sản lượng hành khách vẫn chưa như kỳ vọng.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường cho biết, tính tới ngày 25/9, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển trên 28,15 triệu lượt hành khách.
Hiện tuyến này có hơn 12.000 vé tháng và vào các khung giờ cao điểm, số lượng người đi bằng vé tháng đạt tới 80 - 85%. Tuyến Nhổn - ga Hà Nội từ ngày đầu chính thức vận hành phục vụ nhân dân (8/8) cho tới ngày 25/9 đã vận chuyển gần 1,3 triệu lượt hành khách.
Tuy nhiên, theo Tập đoàn Cung cấp dịch vụ bất động sản (Savills), so với các thành phố lớn trong khu vực, tỷ lệ sử dụng metro tại Hà Nội chỉ đạt 1% dân số, thấp hơn đáng kể so với Singapore (55%), Bangkok (15%) và Kuala Lumpur (10%).
Cùng với việc đưa vào vận hành, khai thác 2 tuyến tàu điện, phương tiện vận tải hành khách bằng xe buýt cũng ngày càng thu hút lượng lớn hành khách.
Thông tin về kết quả hoạt động vận tải hành khách công cộng của Thủ đô, ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội cho biết, sản lượng hành khách của xe buýt và đường sắt đô thị từ đầu năm đến nay đạt khoảng 300 triệu lượt, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Ước tính đến hết tháng 9, vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đáp ứng khoảng 19,5% tổng nhu cầu đi lại của người dân. Trong tỷ lệ này, lượng khách đi lại thường xuyên (học sinh, sinh viên, người đi làm, đối tượng ưu tiên - người cao tuổi) chiếm 70%.
Nhưng ông Tiến thẳng thắn nhìn nhận: “Tỷ lệ hành khách đi lại bằng phương tiện công cộng có sự chuyển biến song vẫn cách xa chỉ tiêu kỳ vọng của cấp có thẩm quyền và cơ quan quản lý. Bởi mục tiêu thành phố đặt ra đến năm 2024, vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng 22 - 25% nhu cầu đi lại. Con số này phải đạt tối thiểu 30% vào năm 2025. Đây là con số rất thách thức”.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến chỉ tiêu trên của TP Hà Nội không đạt bởi 4 nhóm chủ yếu sau: Đại dịch Covid-19 kéo dài từ 2020 đến gần cuối năm 2022 tác động nghiêm trọng đến vận tải hành khách công cộng.
Tiến độ đưa vào vận hành hệ thống đường sắt đô thị chưa đạt như kỳ vọng, đến nay mới chỉ có tuyến 2A và đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội được đưa vào khai thác.
Thành phố đang triển khai một số công trình trọng điểm, thời gian vận hành của xe buýt vì thế bị ảnh hưởng. Cơ sở hạ tầng giao thông, ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, thời gian đi lại của hành khách chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để xe buýt, metro Thủ đô thêm “hút” khách?
Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, một tỷ lệ rất lớn người dùng phương tiện công cộng là người cao tuổi. Lượng khách đó không giúp giảm mật độ trong giờ cao điểm. Do đó, vấn đề quan trọng là làm sao để tăng người sử dụng trong giờ cao điểm.
Theo ông Bình, TP Hà Nội đã dành nhiều ưu tiên cho phương tiện công cộng, mỗi năm trợ giá hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc trợ giá chỉ giúp về mặt tài chính cho hành khách chứ không giúp rút ngắn thời gian đi lại.
“Chúng ta chỉ rút ngắn được thời gian đi lại nếu dành làn đường riêng cho xe buýt công cộng như tuyến BRT. Rất nhiều khẩu hiệu ưu tiên giao thông công cộng, giảm thiểu phương tiện cá nhân được đưa ra nhưng nếu không có thêm những chính sách, hành động khác ưu tiên cho xe buýt ngoài trợ giá thì rất khó đạt mục tiêu. Do đó, quan trọng nhất vẫn là phải ưu tiên hạ tầng để rút ngắn thời gian đi lại”, ông Bình nói.
Đồng quan điểm, để thu hút được người dân tham gia phương tiện vận tải hành khách công cộng, theo ông Nghiêm Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội là rút ngắn thời gian đi lại cho người dân khi sử dụng dịch vụ.
“Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, thời gian tốc độ lữ hành của vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội ngày càng giảm, ước chừng mỗi năm giảm được 1km/giờ, tuy nhiên, tới đây cần tiếp tục giảm mạnh để đáp ứng nhu cầu cho người dân, tăng sự cạnh tranh với các phương tiện cá nhân.
Bên cạnh đó, chúng ta cần nâng cao chất lượng phục vụ của nhân viên trên xe đối với hành khách. Hiện nay, nhiều tuyến xe buýt, nhân viên có thái độ phục vụ rất tốt như Bảo Yến, Vinbus và đặc biệt Metro Hà Nội, được người dân đánh giá cao.
Đồng thời, chất lượng phương tiện cần được nâng cao; các doanh nghiệp đã tăng cường đầu tư, đổi mới phương tiện theo hướng hiện đại, tiện nghi”, ông Thắng nhấn mạnh.
Đánh giá về chất lượng vận tải hành khách công cộng hiện nay, ông Vũ Hồng Trường cho rằng, trước tiên chúng ta cần xác định rõ, vận tải hành khách công cộng đang đứng ở đâu. Tiếp đến là triển khai quyết liệt, đồng loạt các giải pháp, thay đổi nhận thức và phải có tư duy đột phá, mục tiêu về giao thông công cộng ở các đô thị lớn.
Theo ông Trường, Nhà nước có chính sách trợ giá cho vận chuyển hành khách công cộng để thu hút người dân sử dụng, nhất là vào giờ cao điểm để tránh ùn tắc. Ta đang tận dụng năng lực để giảm trợ giá, còn mục tiêu chính là cần người dân đi vào giờ cao điểm.
“Với sự đầu tư, cố gắng của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, kết quả thời gian qua cũng cần được ghi nhận, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm để vận tải hành khách có thể phát triển hơn trong thời gian tới”, ông Trường tin tưởng.
Phương Anh
Báo Lao động và Xã hội số 128