Khan hiếm kịch bản, thiếu đội ngũ kế cận
Ông có thể cho biết rõ hơn về sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống hiện nay?
- NSƯT Bùi Như Lai: Năm 2024, sân khấu thực sự sôi nổi, được đánh dấu bằng những kỳ liên hoan sân khấu, ca múa nhạc.

Đặc biệt, sân khấu biểu diễn cũng như nhu cầu giải trí, thưởng thức của khán giả cũng nhu cầu thực hiện công tác giải trí, giáo dục có dấu ấn rất lớn, vừa là thành tích về giải thưởng của các nghệ sĩ, vừa là dấu ấn của các gameshow chuyển qua biểu diễn trực tiếp như chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” đã tạo ra tiếng vang lớn, không chỉ về hình ảnh mà còn doanh thu, doanh số.
Từ đó, những người làm nghệ thuật bắt đầu hình dung trong tương lai không xa, lĩnh vực giải trí của Việt Nam ở nhiều loại hình khác nhau có những bước tiến lớn, tiệm cận với thế giới. Đây là tín hiệu đáng mừng.
Còn các nhà hát vẫn khó khăn. Khó khăn lớn nhất là sức hấp dẫn của nghệ thuật sân khấu, khán giả trẻ tuổi dành ít thời gian cho nghệ thuật sân khấu… Thực tế để nghệ sĩ sống được bằng tiền bán vé là khá khó khăn. Câu chuyện này không phải giờ mới nói mà đã tồn tại gần 20 năm nay.
Khó khăn bắt nguồn từ khan hiếm kịch bản, đội ngũ biên kịch cũng như lực lượng kế cận, thưa ông?
- Việc tạo nên tác phẩm mới cho một ê kíp mới cũng nhiều hạn chế. Sau thế hệ Lưu Quang Vũ, chúng ta rất hiếm người viết kịch. Chúng ta có nhà văn Chu Lai, Nguyễn Huy Thiệp là những người lấn sân và khẳng định được tên tuổi trong viết kịch.
Nhưng Nguyễn Huy Thiệp đã mất, còn nhà văn Chu Lai cũng lâu rồi không có tác phẩm kịch, chỉ có tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết của ông.
Điều này đã bộc lộ hạn chế, hổng trong lực lượng kế cận. Đây là câu chuyện rất lớn, Bộ VH-TT&DL và các lãnh đạo ngành văn hóa đều đã nhìn ra vấn đề nhưng làm thế nào để tạo nên sức hấp dẫn cho thế hệ trẻ tham gia, dấn thân làm công tác biên kịch thì đang là bài toán khó.

Công tác đạo diễn cũng vậy, chúng ta từng có thế hệ hoàng kim, thế hệ vàng của sân khấu Việt Nam như Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền… những giờ chỉ còn thế hệ NSND Lê Hùng cũng đã trên 70 tuổi, thế hệ sau chưa để lại dấu ấn mạnh mẽ trong công tác đạo diễn cũng như tạo ảnh hưởng hay đủ sức để đưa sân khấu trở lại thời hoàng kim.
Điều này không phải chuyện riêng của sân khấu kịch nói mà còn là sân khấu cải lương, chèo… Câu chuyện ở đây là thu nhập - vấn đề quan trọng với người trẻ, người trưởng thành.
Trong khi thu nhập rất thấp, nghề biên kịch cũng như đạo diễn đều cực kỳ rủi ro mà sản phẩm tinh thần đưa ra liệu có được khán giả chấp nhận? Với cả thế hệ khán giả đang “ngủ đông”, chúng ta phải làm thế nào để “đánh thức” được cả khán giả và các ê kíp sáng tạo?
Vấn đề này không phải ngày một, ngày hai mà giải quyết được. Đây là vấn đề của quốc gia, của người đứng đầu của ngành VH-TT&DL.
Nhiều ý kiến cho rằng sân khấu kịch thiếu vắng đề tài đương đại? Vậy đây có phải là lý do khán giả không mặn mà với sân khấu?
- Khán giả kém mặn mà với sân khấu không chỉ riêng về đề tài. Nhìn ra các nước trong khu vực, sân khấu truyền thống vẫn làm truyền thống. Ví dụ ở Nhật Bản, khán giả có thể ngồi xem “Kịch nô” 6 tiếng đồng hồ mà không chán. Hay ở Trung Quốc, kinh kịch hay vũ đạo truyền thống vẫn rất đông người xem.
Thái Lan chỉ có loại hình múa quốc gia nhưng được tuyển chọn rất kỹ và biến nó trở thành đặc sản cao cấp, chỉ biểu diễn trong những sự kiện lớn cấp thành phố, quốc gia chứ không đại trà.
Trở lại Việt Nam, người làm sân khấu truyền thống thực sự dũng cảm, đã thử mọi cách, thậm chí phá cách… nhưng cái phá cách khi bị phán xét và có được khán giả chấp nhận không lại là thách thức cho người làm nghề.
Bên cạnh đó, việc phổ cập giá trị văn hóa truyền thống đến thế hệ trẻ cũng khó khăn, nhất là học sinh, sinh viên. Việc phổ cập thế nào, đánh thức thế nào cần có chiến lược, kế hoạch cụ thể. Tôi mong Bộ GD&ĐT cũng như Bộ VH-TT&DL có những bước chuyển mạnh, đưa văn hóa truyền thống vào nhà trường.
Nuôi dưỡng tài năng, đam mê sân khấu cho thế hệ trẻ
Vậy các khoa kịch hát truyền thống của Trường Đại học Sân khấu điện ảnh có hút được học sinh không, thưa ông?
- Trường chúng tôi vẫn đầy sức hấp dẫn nhưng tùy chuyên ngành. Riêng đạo diễn sân khấu, diễn viên kịch điện ảnh, truyền hình, nhiếp ảnh… vẫn thu hút đông học sinh.
Nhưng kịch hát dân tộc lại là vấn đề, Quốc hội cũng từng bàn về vấn đề nghệ thuật tuồng, rối nước lâu nay không tuyển được diễn viên. Thời gian tới, nhà trường sẽ kết hợp với các nhà hát để cùng tìm nguồn và đào tạo thế hệ kế cận để duy trì, thực hiện sứ mệnh nuôi dưỡng và phát triển các tiềm lực văn hóa truyền thống.
Điều quan trọng là các sinh viên khi đã lựa chọn ngành kịch hát dân tộc cần có tính bền bỉ. Ngành nào, nghề nào cũng cần có sự bền bỉ, thành công hay thất bại phụ thuộc nhiều vào việc các bạn theo được đến đâu.
Nhưng vấn đề thu nhập của nghệ sĩ cũng là lý do để họ gắn bó với nghề?
- Đúng vậy, nếu các bạn trẻ tìm hiểu về sân khấu truyền thống sẽ thấy các nghệ sĩ ngoài việc biểu diễn vẫn làm thêm nghề phụ như bán hàng ăn, lái taxi, giao hàng để kiếm sống… Tất nhiên, họ sẽ sợ.
Nhưng các bạn phải nhìn rộng ra thế giới, ở châu Á, siêu sao Châu Nhuận Phát trước khi trở thành diễn viên đình đám từng phải làm nhiều ngành, nghề khác nhau để nuôi nghiệp diễn. Làm nghề nào để thành công cũng phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”.
“Có thực mới vực được đạo”, nếu vẫn giữ nguyên câu chuyện lương như vậy, nhất là với người làm nghệ thuật thì rất khó.
Nếu nhà nước hoặc các đơn vị quản lý nghệ thuật trả lương đủ để nghệ sĩ không phải làm thêm nghề phụ, để toàn tâm toàn ý xây dựng tác phẩm nghệ thuật hay dành vài tháng để luyện tập, đắm đuối với không gian ấy, với nhân vật ấy, câu chuyện ấy, tận hiến thì sẽ tôi tin tác phẩm ra đời sẽ chất lượng.
Để sân khấu có thể bứt phá, ngoài việc giải bài toán khó khăn trên vẫn cần nuôi dưỡng tài năng, đam mê của thế hệ trẻ, thưa ông?
- Đúng vậy, môi trường sống và làm việc, chính sách đãi ngộ của Nhà nước, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực trong các đơn vị nghệ thuật, sự công nhận của công chúng... là những yếu tố vô cùng quan trọng, có tác động quyết định tới sự thành bại của nghệ sĩ.
Về nuôi dưỡng tài năng, Bộ VH-TT&DL có riêng đề án đào tạo tài năng cho sinh viên nghệ thuật, sinh viên ở các lớp tài năng được học với chuyên gia nước ngoài, có học bổng, không phải đóng học phí… Bên cạnh đó, chúng tôi luôn ý thức cho sinh viên, giảng viên tham gia các kỳ liên hoan trong nước và thế giới, từ đó sẽ ươm mầm được tài năng sân khấu.
Hơn bao giờ hết, để tài năng phát triển đúng hướng rất cần sự đào tạo bài bản, cùng với đó, cá nhân phải tự thân khổ luyện, không ngừng rèn giũa mới có thể thành tài và đóng góp cho xã hội những sản phẩm nghệ thuật có giá trị…
Xin cảm ơn ông!
Huyền Minh (thực hiện)
Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ