Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hải Dương: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,43% vào cuối năm 2025

Dân sinh
Dân sinh

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2025, Hải Dương phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,43% vào cuối năm 2025.

Tỉnh Hải Dương xác định, vốn vay ưu đãi là “cú huých” giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo. Chính sách tín dụng ưu đãi giúp người dân làm quen với việc vay và trả nợ ngân hàng, từ đó nâng cao kỹ năng quản lý vốn, tổ chức sản xuất, tự tin hơn trong hành trình vươn lên thoát nghèo.

Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hải Dương cho biết, giai đoạn 2020 – 2025, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 117.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng ưu đãi. Sau 5 năm, đến cuối tháng 3/2025, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 5.555 tỷ đồng, tăng 62% so với đầu năm 2020. UBND tỉnh đã bố trí chuyển ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh để cho vay với tổng số tiền 492 tỷ đồng, nâng số dư nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 633 tỷ đồng, tăng 10 lần so với đầu năm 2020.

Hải Dương: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,43% vào cuối năm 2025 - 1
Vốn ưu đãi đã giúp hàng nghìn hộ dân Hải Dương vượt qua ngưỡng nghèo.

Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hải Dương đang triển khai 12 chương trình tín dụng ưu đãi, tổng dư nợ 5.536 tỷ đồng, tăng 61,8% so với đầu năm 2020, với hơn 89.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ. 5 năm qua, đã có hơn 117.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách trên toàn tỉnh Hải Dương được vay vốn tín dụng ưu đãi. Qua đó góp phần giúp hơn 7.500 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hỗ trợ, tạo việc làm cho 28.000 lao động; giúp gần 1.900 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng 116.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, 870 căn nhà ở xã hội;..

Tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu, cuối năm 2025, có trên 80% số người có khả năng
lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập. 100% số hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh được tiếp cận với nguồn nước sạch, hợp vệ sinh và nhà tiêu hợp vệ sinh. 100% số hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi.

Phấn đấu 100% số người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu đều được hỗ trợ kết nối, tư vấn định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, tìm kiếm việc làm, trong đó tối thiểu 90% số người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu tìm kiếm việc làm được hỗ trợ kết nối việc làm thành công.

100% số người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; hỗ trợ thêm 20% mức đóng bảo hiểm y tế (ngoài 30% mức ngân sách nhà nước đã hỗ trợ) đối với người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình khi có nhu cầu tham gia. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 16 tuổi xuống dưới 18,5%. 100% số học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo được miễn giảm học phí, các khoản đóng góp theo quy định. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet đạt 35%.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh tập trung vào 11 nội dung hoạt động gồm, đẩy mạnh truyền thông về giảm nghèo. Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận tốt các dịch vụ về y tế. Hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận tốt các dịch vụ về giáo dục. Trợ giúp pháp lý cho người nghèo.

Hỗ trợ thu nhập hằng tháng và mức đóng bảo hiểm y tế đối với hộ nghèo, hộ thoát nghèo. Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá, tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, tổng hợp báo cáo, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng. Các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ kế hoạch cụ thể hóa các nội dung phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện.

ĐỨC THỌ

Tin liên quan
Hà Nam: Giảm nghèo đa chiều bền vững

Hà Nam: Giảm nghèo đa chiều bền vững

Trong giai đoạn 2021–2025, Hà Nam đã dành trên 500 tỷ đồng thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Phấn đấu cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo...