
Hiệu quả từ các mô hình cụ thể
Từ cuối năm 2022 đến nay, huyện Văn Lãng đã triển khai dự án "Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo" hiệu quả. Gia đình bà Lã Thị Loan (thôn Còn Ngòa, xã Thụy Hùng), một trong những hộ cận nghèo được lựa chọn tham gia dự án, đã được hỗ trợ 2 con bò sinh sản. Bà Loan chia sẻ: "Gia đình tôi thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, ngô nên quanh năm vẫn còn khó khăn. Từ khi biết gia đình được tham gia dự án, tôi đã chủ động xây dựng chuồng trại phù hợp và trồng thêm 2 sào cỏ voi để phục vụ chăn nuôi bò. Sau khi được hỗ trợ 2 con bò cái, gia đình đã mang đi phối giống, đến nay, 2 con bò phát triển rất tốt và đẻ thêm 2 con bê".
Trên địa bàn xã Thụy Hùng, đã có 12 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ bò sinh sản để có thêm sinh kế phát triển sản xuất, với tổng đàn 24 con và kinh phí 500 triệu đồng. UBND xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn để các hộ có thêm kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi. Nhờ đó, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi bò, giúp mô hình bước đầu mang lại sinh kế, từng bước tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Huyện Văn Lãng đã triển khai 17 mô hình đa dạng hóa sinh kế, chủ yếu là mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại các xã đặc biệt khó khăn, với 78 hộ tham gia, hiện đã cấp 163 con bò cho các hộ dân. Ngoài ra, còn có mô hình trồng cây dược liệu (cây thổ phục linh) với 18 hộ tham gia và mô hình trồng cây hồng vành khuyên với 26 hộ tham gia.
Tại huyện Bình Gia, một huyện nghèo miền núi của tỉnh, từ năm 2022 đến nay, đã triển khai 17 mô hình sản xuất tại 12 xã, với sự tham gia của 242 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tổng kinh phí hỗ trợ trên 8,3 tỷ đồng. Gia đình chị Lê Thị Thương (thôn Nà Dài, xã Tân Văn) được nhận hỗ trợ 17 con lợn giống. Sau hơn 1 năm chăm sóc, đàn lợn đã xuất bán được 2 lứa, với tổng thu nhập gần 60 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình chị tiếp tục mua lợn giống về tái đàn và đầu tư thêm 2 con lợn nái để chủ động con giống.
Từ năm 2022 đến nay, UBND huyện Bình Gia đã phân bổ gần 13,7 tỷ đồng cho 12 xã để tổ chức triển khai 29 dự án, trong đó có 17 dự án chăn nuôi lợn thịt, 6 dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò, 5 dự án hỗ trợ phát triển nuôi trâu nhốt chuồng và 1 dự án hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng, với tổng số hộ tham gia là 239 hộ.
Còn tại huyện Tràng Định, từ năm 2022 đến nay, đã triển khai thực hiện 29 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, với 267 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được thụ hưởng trong vòng 36 tháng.
Tăng cường công tác giảm nghèo bền vững
Để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Xây dựng kế hoạch giảm nghèo, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức trong công tác giảm nghèo bền vững. Công tác giảm nghèo được xác định là một nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và địa phương.
UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, đề ra mục tiêu cụ thể về giảm tỷ lệ hộ nghèo và các mục tiêu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho từng xã, phường, thị trấn.
Tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo đến các cấp, ngành, tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo. Các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân được vận động cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo; tiếp nhận và sử dụng hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tỉnh tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư công trình giao thông, cầu, nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh cho các hộ nghèo, cận nghèo tại địa bàn các huyện Bình Gia, Văn Quan để giảm chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, tăng khả năng tiếp cận với các nhu cầu xã hội cơ bản.
Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được lồng ghép với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, cùng với Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2030…
Thanh Hòa