Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quảng Ninh: Trao “cần câu” giúp người dân thoát nghèo

Dân sinh
Dân sinh

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo 2021-2025, các hộ nghèo, cận nghèo ở Quảng Ninh đã được hỗ trợ sinh kế, vốn vay ưu đãi để cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 của Trung ương, năm 2023 toàn tỉnh Quảng Ninh không còn hộ nghèo, số hộ cận nghèo là 925 hộ, chiếm tỷ lệ 0,24% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh thông qua Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2023-2025. So với mức chuẩn nghèo của Chính phủ, tiêu chí thu nhập cao hơn khoảng 1,4 lần (tại khu vực thành thị ở Quảng Ninh là 2,6 triệu đồng/người/tháng, ở khu vực nông thôn là 2,1 triệu đồng/người/tháng). Nếu theo tiêu chí này, toàn tỉnh có 246 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,064% tổng số hộ dân toàn tỉnh và 3.063 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,797%. Toàn tỉnh có 7/13 địa phương không còn hộ nghèo, 6 địa phương còn lại có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%. Trong tổng số 13 huyện/thành phố, TP Hạ Long không còn hộ cận nghèo, 7 địa phương có tỷ lệ hộ cận nghèo dưới 1%, 5 địa phương có tỷ lệ hộ cận nghèo trên 1%. 

Quảng Ninh: Trao “cần câu” giúp người dân thoát nghèo - 1
Mô hình chăn nuôi gà giúp gia đình anh Trần Văn Hoan nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Để giúp người nghèo cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo, tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ sinh kế và vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội. Từ đó, giúp người nghèo nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Gia đình anh Trần Văn Hoan (thôn Bắc Lù, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên) là một trong những tấm gương vượt khó thoát nghèo. Gia đình anh Hoan từng là hộ nghèo của xã. Từ sự động viên và trợ lực của chính quyền địa phương thông qua vốn vay và sự hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, anh Hoan phát triển mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên hiệu quả. Từ vài trăm con gà ban đầu, giờ đây anh Hoan đã có một trang trại chăn nuôi với quy mô gần 10.000 con gà mỗi năm.  

Năm 2015, xã Hà Lâu còn tới 34% số hộ nghèo và cận nghèo. Với đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, nơi đây từng được xem là vùng “lõi nghèo” của huyện Tiên Yên và của tỉnh. Đến nay, Hà Lâu không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương, người dân ở đây nhiều gia đình đã khấm khá, giàu có lên, xây được nhà, mua được ô tô nhờ phát triển kinh tế đúng hướng qua mô hình nuôi gà Tiên Yên.

Năm 2024, gia đình ông Lục Văn Cẩu (thôn Tân Tiến, xã Tân Bình, huyện Đầm Hà) đã thoát nghèo nhờ chiếc “cần câu” vững chắc mà các cấp chính quyền và ngân hàng tạo điều kiện. Số tiền 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo đã giúp gia đình ông có thêm nguồn lực để phát triển sinh kế. Từ nguồn vốn ấy, ông Cẩu đã đầu tư chuồng trại chăn nuôi trâu thịt và gà, vịt thương phẩm. Ông Cẩu cho biết: “Nguồn vốn chính sách có ý nghĩa rất lớn với gia đình tôi. Sự quan tâm kịp thời của Nhà nước giúp gia đình tôi có thêm động lực để phát triển các mô hình kinh tế, cải thiện thu nhập nhờ đó thoát nghèo”.

Gia đình ông Nịnh A Dẩu, người dân tộc Dao ở thôn Thán Phún, xã Hải Sơn, TP Móng Cái đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho chính gia đình mình từ cây trà hoa vàng. Sau nhiều năm phát triển kinh tế từ nhiều mô hình nhưng không mang lại hiệu quả cao, ông Dẩu tìm tòi, học hỏi kỹ thuật từ sách vở, rồi lên tận các vùng miền khác để học trồng trà hoa vàng - một giống cây quý có giá trị dược liệu cao. “Trà hoa vàng là loài cây bản địa quý hiếm, trước đây mọc tự nhiên trong rừng nhưng bị khai thác cạn kiệt. Tôi nhận thấy cây có giá trị lớn nên bắt đầu tìm cách trồng cũng như hướng tới mục tiêu bảo tồn và nhân giống. Những năm đầu gặp rất nhiều khó khăn vì cây khó trồng, kỹ thuật chăm sóc còn hạn chế. Sau một thời gian học hỏi, tôi dần nắm được cách trồng và nhân giống thành công. Cây trà hoa vàng đã giúp tôi phát triển kinh tế thành công ngoài mong đợi ngay tại trên quê hương của mình”, ông Dẩu nói.

Từ vài trăm cây trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay ông Dẩu đã sở hữu hơn 3.000 cây trên diện tích hơn 1ha. Bình quân mỗi năm, ông thu được 700 - 800kg hoa tươi, sử dụng công nghệ sấy nhiệt để chế biến thành phẩm. Với khoảng 120kg hoa khô thu được mỗi năm, sản phẩm trà hoa vàng Thanh Lợi của gia đình ông đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao từ năm 2022 và mang lại thu nhập hơn 1,4 tỷ đồng/năm.

Không chỉ dừng lại ở con số, mô hình này đã tạo công ăn việc làm cho 5-6 lao động thời vụ với mức tiền công 300.000 đồng/ngày - một con số ý nghĩa đối với vùng cao còn nhiều thiếu thốn. Trên tất cả, ông Dẩu đã mở ra một hướng đi mới cho chính cộng đồng mình, nơi mà trước đây người dân chỉ quanh quẩn với những mô hình nông nghiệp truyền thống kém hiệu quả.

Từ sự hỗ trợ của chính quyền và nỗ lực của người dân đã giúp hộ nghèo thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Việc tiếp tục khơi dậy nội lực, đồng hành cùng chính sách hỗ trợ toàn diện sẽ là chìa khóa giúp người dân tự tin phát triển kinh tế.

ĐỨC THỌ

Tin liên quan
Hà Nam: Giảm nghèo đa chiều bền vững

Hà Nam: Giảm nghèo đa chiều bền vững

Trong giai đoạn 2021–2025, Hà Nam đã dành trên 500 tỷ đồng thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Phấn đấu cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo...