Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hàn Quốc: “Gen Z” phản đối nhậu nhẹt sau giờ làm

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Các nhân viên công sở ở Hàn Quốc có truyền thống uống rượu và ăn nhậu sau giờ làm. Nhưng sự phản đối ngày càng dữ dội từ   thế hệ “Gen Z” có thể giúp thay đổi điều đó.

f14b007dde1ca7ea042396a6bf73047b.png
Hàn Quốc nổi tiếng về văn hóa ăn nhậu sau giờ làm.

Những cuộc tụ họp sau giờ làm được coi như nét đặc trưng trong văn hóa công sở ở Hàn Quốc. Nhân viên thường rủ nhau đi ăn uống sau khi tan làm hay đi chơi vào cuối tuần.

Báo Telegraph của Anh có bài viết cho rằng, cảnh tượng các nhân viên công sở ở Hàn Quốc thường xuyên lảo đảo sau bữa nhậu ở Seoul gợi nhớ lại những ngày của văn hóa công sở say xỉn ở Anh vào những năm 1990.

Văn hóa ăn nhậu sau giờ làm với đồng nghiệp thậm chí còn có một tên riêng, “hoesik” trong tiếng Hàn Quốc, được một số người sử dụng lao động tổ chức thường xuyên mỗi tháng một lần hoặc thậm chí hàng tuần. Đây được coi là hoạt động của nhiều công ty và là con đường để thăng tiến.

Trước đây, “hoesik” là hoạt động thúc đẩy tinh thần đoàn kết giữa cấp trên, cấp dưới và đồng nghiệp. Giờ đây, giới trẻ Gen Z có suy nghĩ khác. Họ bày tỏ lo lắng về các cuộc tụ tập sau giờ làm việc, thường bao gồm uống rượu và buộc phải ở lại cho đến khi sếp cho phép về. Giờ đây, những cảnh lộn xộn như vậy có thể sẽ giảm dần khi thế hệ trẻ ngày càng phản đối mạnh mẽ kiểu văn hóa say xỉn.

“Gabjil 119”, nhóm tìm cách nâng cao nhận thức về nạn bắt nạt ở nơi   làm việc cho biết, ngày nay văn hóa “hoesik” đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội ngày càng tăng từ lực lượng lao động trẻ, những người muốn trở về nhà sau giờ làm.

Một cuộc khảo sát năm 2021 đối với khoảng 1.000 người đã tiết lộ sự khác biệt rõ ràng về thế hệ giữa những người lao động ở độ tuổi 20 và độ tuổi 50 về “hoesik”.

“Những người ở độ tuổi 20 nghĩ rằng nếu không muốn thì không cần uống rượu; không cần đến các quán karaoke, quán bar uống rượu với sếp chỉ vì mục đích làm việc nhóm”, nhà nghiên cứu Bae Gayoung cho biết. Ngược lại, nhóm nhân viên lớn tuổi lại muốn tổ chức các buổi liên hoan ăn uống, sau đó lui tới các quán karaoke để xả stress sau khi đã say mèm.

Nhà nghiên cứu Bae cho biết, trong xã hội vốn coi trọng thứ bậc như Hàn Quốc, những bữa nhậu đã trở thành văn hóa, thậm chí bị biến tướng, ép nhân viên phải tham gia ngay cả khi không muốn.

Hành vi ép buộc như vậy không được pháp luật định nghĩa là bắt nạt tại nơi làm việc. Nhưng một hướng dẫn do Bộ Việc làm Hàn Quốc cung cấp nêu rõ, việc ép buộc đồng nghiệp uống rượu hoặc hút thuốc là một hình thức bắt nạt.

Một nghiên cứu do Đại học Quốc gia Gangneung - Wonju thực hiện dựa trên dữ liệu từ Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia năm 1998-2018 cho thấy, tổng lượng rượu tiêu thụ hàng ngày ở Hàn Quốc đã tăng 2 lần trong khoảng thời gian này.

Theo TS Che-Hong Chen, nhà sinh học phân tử và di truyền học tại Trường Y thuộc Đại học Stanford (Anh), văn hóa uống rượu ở Hàn Quốc thường bị mê hoặc từ các bộ phim truyền hình Hàn Quốc, khi các nhân vật ăn mừng tin vui hoặc trút giận đều luôn có điểm chung là sự xuất hiện của những chai rượu soju nằm rải rác trên bàn nhậu.

Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã có một dự án ngăn chặn việc uống rượu có hại, trong đó bao gồm sự kiện “uống rượu an toàn” diễn ra vào tháng 11/2023. Bộ này cho biết sẽ tiếp tục phát triển các “hướng dẫn uống rượu ít rủi ro” trong năm nay.

Thanh Thành (theo Telegraph)

  Báo Lao động Xã hội số 49