Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Gen Z “vào đời” thời điểm khó khăn, gồng mình làm nhiều nghề tay trái

Dân sinh
Dân sinh

(Dân sinh) - Bước vào thị trường lao động trong thời buổi đầy biến động, nghề tay trái trở thành xu thế của nhiều người trẻ (Gen Z), đây là cách dự phòng hiệu quả trước những rủi ro tài chính và công việc.

Tuy nhiên, không ít người cảm thấy quá sức và căng thẳng vì phải “gồng mình” làm song song nhiều việc. 

Gen Z “vào đời” thời điểm khó khăn, gồng mình làm nhiều nghề tay trái - 1
Lựa chọn thêm nghề tay trái giúp Thương Linh an tâm hơn về  nguồn thu nhập (Ảnh: Mai Phương Thảo)

 

Chi phí sinh hoạt tăng cao khiến "túi sạch sẽ" 

Gen Z đang vào đời trong thời điểm thị trường lao động khó khăn, đối mặt với làn sóng lạm phát của các nền kinh tế trên thế giới, giá thực phẩm và chỗ ở tăng cao, cùng những thách thức trong cách mạng lao động do AI mang lại khiến nhiều sinh viên mới ra trường bất an về tài chính.

Có thêm nghề tay trái là một cách mà những người trẻ tuổi cố gắng giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, thích nghi với tình hình mới. 

Theo chia sẻ của nhiều bạn trẻ, động lực để làm thêm nhiều nghề tay trái là để đạt được các kỹ năng và xây dựng các mối quan hệ mới. Tuy nhiên, tiền bạc vẫn là mối quan tâm đứng đầu trong tất cả những điều này. Tình trạng trên ngày càng phổ biến vì hầu hết đồng lương không đủ chi trả các hóa đơn hàng tháng. 

Nhiều lao động trẻ thừa nhận vì chi phí sinh hoạt tăng cao khiến "túi họ sạch sẽ" vào cuối tháng. Những áp lực về tài chính khiến nhiều người trẻ lao vào bán sức mình cho công việc.

“Công việc tay trái” phổ biến nhất là bán sản phẩm hoặc dịch vụ trực tuyến, sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội, giao đồ ăn, chạy xe ôm,... những người trẻ đang làm nhiều việc một lúc để trau dồi kỹ năng mới, kiếm thêm tiền và tự chủ kinh tế.

Thương Linh (Hà Nội) chia sẻ: “Mình tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm mầm non, vào nghề gần 4 năm. Mình từng quen với giờ giấc làm việc 8 tiếng/ngày. Cảm thấy chỉ cần làm như thế là đủ, thời gian còn lại để nghỉ ngơi, gặp mặt bạn bè. Nhưng vài năm gần đây giá cả tăng cao, nếu chỉ kiếm tiền từ 1 nghề sẽ không đủ ăn và rất thiếu cảm giác an toàn về tài chính nên mình đã làm thêm công việc kinh doanh online để kiếm thêm thu nhập”.

Theo đó, Linh lựa chọn việc này giờ giấc làm việc linh hoạt, chỉ 2-3 tiếng/ngày nên có thể kiếm thêm mà không gây ảnh hưởng đến việc chính.

Gen Z chăm chỉ làm thêm thêm nghề tay trái đã cho thấy khả năng thích ứng và linh hoạt trước tình hình thị trường lao động hiện tại. Không chỉ mang lại lợi ích tài chính mà còn giúp thế hệ Gen Z phát triển đa dạng kỹ năng, có cơ hội mở rộng các mối quan hệ, tiếp cận và học hỏi từ các ngành nghề khác nhau, từ đó tích lũy kinh nghiệm, nâng cao sự linh hoạt và tư duy sáng tạo của mình.

Tuy nhiên, bài toán quản lý công việc và cuộc sống luôn là vấn đề khiến nhiều người đau đầu. 

Thực tế, việc phân tán chất xám và thời gian quá nhiều cho các công việc khác nhau có thể gây ra mất tập trung, giảm hiệu suất làm việc và ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như cuộc sống cá nhân. 

Gen Z “vào đời” thời điểm khó khăn, gồng mình làm nhiều nghề tay trái - 2
Anh Tuấn thừa nhận phải chịu áp lực hơn rất nhiều khi làm nhiều công việc cùng lúc (Ảnh Mai Phương Thảo)

 

Ở góc nhìn của người làm 3 công việc 1 lúc, Anh Nguyễn Văn Tuấn (Hà Nội), một chuyên viên kinh doanh bất động sản cho biết: “Bây giờ hầu như ai cũng có nghề tay trái. Ít thì 1 việc, mà hơn thì có nhiều người nhận làm 2-3 công việc cùng lúc". 

"Mình bán bất động sản đã 3 năm nhưng do đặc thù nghề kinh doanh, nguồn thu nhập mỗi tháng mỗi khác, nên mình nhận làm thêm làm marketing, chạy quảng cáo cho một vài nơi, ngoài ra mình cũng đang làm sáng tạo nội dung kết hợp bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội”, anh Tấn thông tin thêm.

Dù mang lại mức thu nhập cao hơn nhưng anh Tuấn cũng phải thừa nhận việc làm thêm nhiều việc cùng lúc cũng rất áp lực.

“Công việc chính của mình thì không gò bó nhưng gần như phải làm 24/7 vì khi nào có khách hàng cần thì mình phải tư vấn ngay, cộng thêm những việc tay trái và phải tự học thêm kỹ năng làm việc nên mình thường xuyên phải thức khuya cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe”, anh Tuấn  nói. 

Gen Z “vào đời” thời điểm khó khăn, gồng mình làm nhiều nghề tay trái - 3
Nhiều Gen Z coi nghề tay trái như phần cần có trong con đường sự nghiệp (Ảnh minh hoạ)

 

Lựa chọn "nghề tay trái" thông minh hơn

Để tận dụng được lợi ích khi làm việc “đa nhiệm”, tránh những vấn đề về thể chất, tinh thần khi phải làm nhiều việc cùng lúc, Gen Z cần phải biết cách tổ chức và quản lý thời gian một cách hợp lý, đặt ra mục tiêu rõ ràng cho từng công việc.

Tạo ra sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc, dành thời gian thư giãn và giải trí giúp hệ thần kinh nghỉ ngơi, giảm nguy cơ bị quá tải.

Với kinh nghiệm đã làm nhiều công việc cùng lúc từ thời sinh viên, bạn Thu Thuỷ (Thanh Hoá) chia sẻ, cô đặt ra mục tiêu đạt được tự do tài chính và tự làm chủ cuộc sống nên mình đã làm trên 2 việc cùng lúc từ khi đi học, nhưng với mình, trước tiên phải phát huy hết khả năng của mình trong công việc chính để có thể thăng tiến trong tương lai.

"Nếu muốn kiếm thêm tiền từ việc phụ, phải biết lựa chọn công việc. Điển hình là các công việc thuộc kỹ năng sẵn có của bản thân, có liên quan đến chuyên ngành để vừa bổ trợ công việc chính, vừa không tốn quá nhiều thời gian tìm tòi nghiên cứu mà vẫn đảm bảo chất lượng các đầu việc”, Thuỷ nói.

Làm nhiều nghề tay trái có thể mang lại nhiều lợi ích cho Gen Z như phát triển kỹ năng, nắm bắt thị trường lao động và tăng khả năng kiếm tiền. Tuy nhiên, để tận dụng được lợi ích này, Gen Z cần phải biết cách sắp xếp khoa học, đánh giá đúng năng lực của bản thân để tránh những rủi ro tiềm ẩn về cuộc sống và công việc.

Mai Phương Thảo