Bỏ sự ổn định đương đầu với thử thách
Với mong muốn được về gần hơn để chăm sóc gia đình và phát triển nghề tại quê hương của mình nên dù đã bám trụ hơn 2 năm tại một công ty ở Hà Nội với mức thu nhập ổn định, nhưng năm 2022, anh Đặng Xuân Trường (25 tuổi, Kim Bảng, Hà Nam) quyết định rời bỏ công việc nơi Thủ đô trở về quê hương để khởi nghiệp.

Từ niềm đam mê bonsai handmade, nhận thấy nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước về mặt hàng này có nhiều tiềm năng, Trường quyết định chọn khởi nghiệp từ sản xuất đồ phong thủy, trang trí bằng cách làm thủ công truyền thống sử dụng chất từ dây đồng và dây nhôm.
Sau 3 năm tìm tòi, nghiên cứu, đến nay Trường đã có cơ sở sản xuất của riêng mình, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
“Hiện tại, mình rất hài lòng với công việc này khi chuyển về làm việc tại quê hương, trong tương lai mình luôn mong muốn phát triển nghề bonsai handmade được lan tỏa hơn ở thị trường trong nước và ngoài nước, đồng thời tạo được nhu cầu việc làm giúp đỡ được những người khó khăn, yếu thế tại quê hương”, Trường chia sẻ.
Hiện sản phẩm của Trường bán chủ yếu trên các nền tảng thương mại điện tử, Facebook, Tiktok và Zalo cho các đối tượng khách hàng có thu nhập cao trong nước và cả thị trường quốc tế như Mỹ, Nhật Bản.
Bỏ phố lên rừng làm homestay “chữa lành”

Nguyễn Thị Phượng (sinh năm 2000, đến từ Hà Nội) hay còn được cộng đồng mạng biết đến với cái tên Phượng Đi Đâu với kênh TikTok hơn 500 nghìn người theo dõi. Cô từng có kinh nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch trong vòng 5 năm. Trong nhiều lần đến với Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang), Phượng bị vẻ đẹp hoang sơ, thuần tuý nơi đây “hớp hồn”.
Đến những năm 2021 thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra, kéo theo việc ngành du lịch bị đình trệ và Phượng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Sau khi dịch bệnh đi qua, cô gái trẻ quyết tâm muốn làm một điều gì đó để “chữa lành” bản thân.
Năm 2023, Phượng quyết định thuê một căn nhà trình tường (Nhà trình tường là những ngôi nhà được xây bằng đất theo kỹ thuật truyền lại lâu đời ở các bản dân tộc) ở Lô Lô Chải và cải tạo làm chốn nghỉ dưỡng.
Phượng cho biết, thực tế căn nhà thuê đã xuống cấp, ngoại trừ phần khung được giữ nguyên, cô phải cải tạo lại toàn bộ không gian, xây thêm nhà vệ sinh, làm bếp mới và sửa sang cả khoảng sân, dựng cổng.
Trong nhà, toàn bộ vách ngăn cũ được thay mới bằng gỗ để đảm bảo cách âm tốt và tăng tính thẩm mỹ. Phượng thuê hẳn thợ từ Hà Nội lên xử lý khu vực vách ngăn và trần, với chi phí hơn 200 triệu đồng.
Ngoài ra, Phượng còn ưu tiên thiết kế nhiều cửa sổ, vừa giúp không gian thêm thoáng đãng, đón được nhiều ánh sáng tự nhiên, vừa tạo những góc nhìn ra khung cảnh cột cờ Lũng Cú. Cô gen Z này cho biết, thời gian cải tạo các hạng mục và hoàn thiện ngôi nhà “mơ ước” là trong vòng 50 ngày. Chi phí cải tạo thực tế lên đến con số 2 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với dự trù ban đầu.
“Thời điểm hoàn thành xong nhà, mình chưa nghĩ ra được cái tên nào phù hợp. Nhưng sau đó, một cơ duyên đã đưa cái tên Mùn Chị đến với mình. Theo tiếng nói của bà con nơi đây, Mùn Chị có nghĩa là Lô Lô vì thế mình quyết định chọn cái tên này. Như một cách gợi nhắc về vùng đất Lô Lô Chải này…”, Phượng hào hứng chia sẻ về tên homestay của mình.
Về quê làm “nông dân số”
Nguyễn Thị Tường Thảo (29 tuổi, trú TP Đà Lạt), biệt danh “Thảo Mola” trên TikTok. Sở hữu hai tấm bằng đại học, Thảo từng làm việc tại một phòng thí nghiệm ở TPHCM với mức lương cao. Thế nhưng cô đã quyết định trở về Đà Lạt (quê nhà của mình) với mong muốn giúp đỡ gia đình và cộng đồng nông dân địa phương.
“Ban đầu, tôi xin vào làm tại Hợp tác xã (HTX) Vườn nhà Đà Lạt với mức lương 3 triệu đồng mỗi tháng. Mặc dù thấp hơn rất nhiều so với lương cũ, tôi vẫn chấp nhận vì muốn tìm kiếm một hướng đi mới, nơi mình có thể tạo ra giá trị thực sự”, Thảo chia sẻ.
Những ngày đầu tại HTX, Thảo nhận thấy mô hình kinh doanh còn quá truyền thống. Hầu hết các sản phẩm nông sản chỉ được bán thông qua các chợ hoặc dựa vào mối quan hệ quen biết.
Thảo đã mạnh dạn đề xuất đưa sản phẩm lên các nền tảng số và livestream để mở rộng thị trường. Tuy nhiên, ý tưởng của cô không được ban lãnh đạo đồng ý. Điều này không làm cô nản lòng, trái lại, Thảo đã tự lập một kênh TikTok để giới thiệu nông sản.
“Chỉ trong 15 phút livestream đầu tiên, tôi đã chốt gần 1.000 đơn hàng, khởi đầu ấn tượng cho hành trình kinh doanh. Nhờ chiến lược đúng đối tượng, kênh TikTok của tôi nhanh chóng đạt gần 300 nghìn lượt theo dõi và 2,5 triệu lượt thích, thu hút đông đảo khách hàng trung niên quan tâm đến nông sản an toàn.
Trong tháng 6/2023, nhờ các buổi livestream, tôi mang về doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng cho HTX”, Thảo cho biết.
Hiện mỗi tháng, Thảo livestream khoảng 20 ngày, tùy theo mùa vụ. Những sản phẩm như ớt, trái cây, rau xanh, chanh dây được bán với giá hợp lý, mang lại lợi nhuận không chỉ cho cô mà còn cho hàng chục hộ nông dân.
Cô không chỉ dừng lại ở việc bán hàng cho riêng mình, mà còn lan tỏa kinh nghiệm đến những nông dân khác tại các tỉnh, thành khác, giúp họ livestream và tiếp cận với công nghệ. Thảo không chỉ hỗ trợ bà con nông dân ở quê mà còn giúp người dân các tỉnh, thành khác như Trà Vinh phát triển nông sản.
Hiện áp lực dân số khiến cho chất lượng sống và cơ hội việc làm tại các thành phố lớn đang trở nên quá tải. Việc bỏ phố về quê hương để lập nghiệp của người trẻ đang trở thành một xu hướng. Ngoài khía cạnh kinh tế, nhiều giá trị sống đã thay đổi sau Covid-19. Nhu cầu tìm về với gia đình, có thêm cơ hội gần gũi với người thân hay xây dựng những mối quan hệ thực sự gần gũi đã trở lên mạnh mẽ hơn. Thêm nữa, sự phát triển của khoa học công nghệ cũng thu hút giới trẻ vào các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp bền vững, rút ngắn phần nào khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Không gian làng quê cũng giúp thanh lọc tâm hồn, tạo ra sức hấp dẫn so với áp lực căng thẳng, môi trường ô nhiễm ở thành phố. Nhiều người trẻ tuổi đã bỏ phố về quê để tìm kiếm những giá trị tinh thần, theo đuổi lối sống xanh và tối giản. |
Minh Châu
Báo Lao động và Xã hội số 18