Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Hương Khê (Hà Tĩnh): Hiệu quả trong phòng chống lũ, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản

(Dân sinh) - Mưa lũ trên diện rộng xuất hiện 2 đợt liên tiếp trên địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) từ ngày 6/10 đến 10/10 và từ 15/10 đến 20/10. Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt công tác phòng chống lũ nên địa phương này đã hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản cho dân.

Hương Khê (Hà Tĩnh): Hiệu quả trong phòng chống lũ, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản  - Ảnh 1.

Nhà máy Thủy điện Hố Hô chủ động xả tràn trước lúc mưa lớn xuất hiện

Tại cuộc họp báo ngày 24/10 sau khi cơn mưa lũ chưa từng có xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh, ông Nguyễn Anh Tú- Phó Vụ trưởng Vụ an toàn hồ đập Bộ NN&PTNT cho biết, đây là cơn lũ lịch sử 200 mới xảy ra 1 lần. Nguyên nhân do mưa lớn bất thường, (tổng lượng mưa 1.384mm, cá biệt có những thời điểm, có nơi lượng mưa lên đến 1.435mm) kéo dài trong nhiều ngày liền, kết hợp với triều cường và tác động của cơ sở hạ tầng làm hạn chế tới việc tiêu thoát lũ...

Theo số liệu báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN Hà Tĩnh: Các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất gồm: Các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP. Hà Tĩnh. Tuy nhiên, huyện Hương Khê được coi là "rốn lũ" của Hà Tĩnh lại là địa phương thiệt hại thấp hơn nhiều do chủ động ứng phó kịp thời trong công tác phòng chống lũ lụt.

Hương Khê (Hà Tĩnh): Hiệu quả trong phòng chống lũ, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản  - Ảnh 2.

Nhà chòi tránh lũ của người dân xã Điền Mỹ huyện Hương Khê (Hà Tĩnh)

Rút kinh nghiệm từ thực tế (thường theo chu kì cứ 3 năm lũ lớn lại xảy ra 1 lần) tại địa phương, trước khi đợt mưa thứ 2 kéo dài trong 5 ngày liền (từ ngày 15/10 đến 20/10) trên địa bàn huyện Hương Khê, với lượng mưa đo được 433.8mm, đỉnh lũ trên sông Ngàn Sâu đạt 13.50 m (mức báo động 3), Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Hương Khê đã triển khai công tác phòng chống lũ thông qua các phương tiện truyền thông nhanh và kịp thời, trong đó đặc biệt hữu hiệu trên mạng lưới truyền thanh cơ sở.

Đồng thời, chỉ đạo đơn vị quản lí các công trình thủy lợi chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du; thực hiện triệt để phương châm 4 tại chỗ...

Hương Khê (Hà Tĩnh): Hiệu quả trong phòng chống lũ, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản  - Ảnh 3.

Thuyền và Phao chống lũ của người dân rốn lũ xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh)

Đặc biệt, chiều 16/10, nắm được tình hình mưa lũ kéo dài trong nhiều ngày liền và diễn biến rất phức tạp, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Hương Khê đã chủ động phối hợp với Ban quản lý Nhà máy Thủy điện Hố Hô, đề xuất phương án xả lũ sớm khi mực nước chưa vượt ngưỡng tràn (cao trình 57m).

Mặc dù thời điểm đó, đập Thủy điện Hố Hô đang cần tích nước, nhưng để chủ động trong công tác đảm bảo an toàn hồ đập và an toàn vùng hạ du trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, BQL Nhà máy Thủy điện Hố Hô đã nhanh chóng vận hành xả tràn với lưu lượng 900m3/s, sau đó liên tục điều chỉnh lưu lượng xả tùy theo diễn biến của mưa cho đến khi kết thúc.

Hương Khê (Hà Tĩnh): Hiệu quả trong phòng chống lũ, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản  - Ảnh 4.

Nhà phao chống lũ của hộ ông Nguyễn Văn Vinh, thôn Trung Tiến, xã Mỹ Điền, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh)

Nhờ chủ động trước trong việc xả lũ tại đập Thủy điện Hố Hô, nên trên địa bàn huyện Hương Khê đã giảm thiểu tối đa mức độ ngập lũ vùng hạ du trong suốt quá trình xảy ra mưa lớn.

Ông Nguyễn Văn Vinh, (56 tuổi) ở xóm Trung Tiến, xã Mỹ Điền là địa danh "khét tiếng" về lũ lụt ở huyện Hương Khê từng chứng kiến bao cơn lũ xảy ra trên địa bàn nói: "Là vùng rốn lũ, (bình thường lũ ở đây dâng cao tận nóc nhà) nên người dân chúng tôi rất lo lắng mỗi khi trời mưa to, nước sông Ngàn Sâu dâng cao, cộng thêm việc Nhà máy Thủy điện Hố Hô xả lũ bất thường khiến lũ lên nhanh, nhiều lúc trở tay không kịp.

Hương Khê (Hà Tĩnh): Hiệu quả trong phòng chống lũ, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản  - Ảnh 5.

Đoàn thanh niên Hương Khê gói bánh chưng ủng hộ dân vùng lũ Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP. Hà Tĩnh

Tuy nhiên, người dân xã Điền Mỹ chúng tôi được trang bị đầy đủ các kiến thức phòng tránh lũ. Nhiều hộ gia đình đã được hỗ trợ xây nhà chòi, nhà phao, sắm thuyền, bè, phao cứu sinh; thành lập các nhóm cứu hộ từ 7 đến 8 hộ gia đình hỗ trợ lẫn nhau; trước khi mưa lũ xuất hiện và diễn biến theo từng thời điểm đều được thông báo trên loa phát thanh kịp thời, nên người dân hoàn toàn chủ động trong việc sơ tán, di dời tài sản, trâu, bò... tập kết đến các vùng cao ở Cồn Hội, Đập Trang... đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản".

Hương Khê (Hà Tĩnh): Hiệu quả trong phòng chống lũ, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản  - Ảnh 6.

Học sinh Hương Khê quyên góp tiền ủng hộ các vùng lũ ngập nặng tại Quảng Bình và Hà Tĩnh

Ông Hoàng Xuân Tần, Bí thư xã Điền Mỹ cho biết: "Khi mưa lũ đến chính quyền địa phương khẩn trương triệu tập các cuộc họp trực tiếp, thông tin qua các Bí thư chi bộ, xóm trưởng, các chi hội, chi đoàn cập nhật thông tin liên tục qua hệ thống truyền thanh xã (gồm 16 cụm loa/11 thôn).

Để chủ động từ xa, hàng năm người dân được tham gia các khóa tập huấn, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai. Vì thế, đợt lũ vừa xảy ra, xã Điền Mỹ không có thiệt hại về người, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản của dân, các thiệt hại về giao thông, sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, lúa, hoa màu... thì bất khả kháng".

Hương Khê (Hà Tĩnh): Hiệu quả trong phòng chống lũ, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản  - Ảnh 7.

Đoàn thanh niên Hương Khê khắc phục hậu quả lũ lụt

Theo báo cáo số 341-UBND, ngày 20/10 của UBND huyện Hương Khê về thiệt hại do 2 cơn mưa lũ liên tiếp gây ra từ ngày 6/10 đến 10/10 và từ 15/10 đến 20/10: Làm chết 1 người; 366 hộ dân và 21 hội quán thôn bị ngập, nhiều tuyến đường trục chính, công trình thủy lợi, bờ sông bị xói lở; trên 800 ha bưởi Phúc Trạch, 700 ha ngô vụ đông, 113 ha rau bị mất trắng... thiệt hại ước tính trên 257 tỷ đồng. Đây là mức thiệt hại thấp nhất so với một số địa phương khác tại Hà Tĩnh, trước tình hình mưa lũ cùng đợt trên địa bàn.

Ngay sau khi lũ rút, Huyện ủy huyện Hương Khê đã nhanh chóng ra công điện số 04-CĐ/HU về việc tập trung lãnh đạo chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ và triển khai ứng phó bão số 8. Chỉ trong một thời gian ngắn, bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, các hoạt động ở huyện Hương Khê cơ bản đã đi vào ổn định.

Điều đáng ghi nhận là ngay trong lũ dữ, là địa phương vùng lũ nhưng Hương Khê đã kịp thời phát động phong trào "lá rách đùm lá rách hơn", tổ chức nấu hàng ngàn chiếc bánh chưng, mua sắm mỳ tôm, các nhu yếu phẩm... trực tiếp chia sẻ với đồng bào vùng bị ngập nặng tại Lệ Thủy (Quảng Bình); Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP. Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) vượt qua hoạn nạn.