Tham dự cuộc họp có: Ông Võ Hồng Hải, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Hà Tĩnh, Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh; Nguyễn Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn hồ đập Bộ NN&PTNT.
Tại buổi họp báo, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh cùng các nhà khoa học chuyên ngành Thủy lợi đã trả lời các câu hỏi của các phóng viên, về nguyên nhân dẫn đến sự cố lũ lụt chưa từng có xảy ra tại Hà Tĩnh vừa qua, đặc biệt tại địa bàn các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP. Hà Tĩnh.
Trong quá trình vận hành xả lũ hồ Kẻ Gỗ, cơ quan quản lý đã thực hiện đúng quy trình. Nguyên nhân gây ra lũ lớn là do mưa lớn bất thường kéo dài trong nhiều ngày, kết hợp với triều cường, trong lúc đó các công trình hạ tầng như giao thông, nhà cửa... miền hạ du được kết cấu dày đặc cản trở việc tiêu lũ.
Theo ông Nguyễn Anh Tú: "Tỉnh Hà Tĩnh vẫn chỉ đạo các cơ quan đơn vị quản lý hồ Kẻ Gỗ vận hành hồ đập theo đúng quy trình, đảm bảo 3 yếu tố an toàn đặt ra: An toàn hồ đập, an toàn hạ du, an toàn trữ lượng nước để phụ vụ sản xuất.
Dựa vào ảnh vệ tinh đây là cơn lũ lịch sử tương đương 200 năm 1 lần, đợt mưa lớn dài ngày vừa qua có phạm vi ngập lụt 50.000 ha, nhưng hồ Kẻ Gỗ đã góp phần điều tiết với mức độ giảm thiểu xuống 18.000ha. Công tác điều hành xả lũ hoàn toàn nằm trong ngưỡng an toàn. Sau đợt lũ này, Bộ NN&PTNT cũng sẽ tặng tỉnh Hà Tĩnh thiết bị vận hành cho hồ Kẻ Gỗ, để gúp các nhà quản lý hồ Kẻ Gỗ vận hành một cách hiệu quả hơn".
Trả lời câu hỏi của PV. báo Dân sinh về nội dung tại sao trong lũ lại để cho nhiều vùng ngập nặng bị cô lập thông tin, trong đó loại trừ mất liên lạc từ các nhà mạng do mất điện và những sự cố thiết bị viễn thông khác thì việc thông tin cần thiết trên truyền thanh, loa, đài, kẻng báo động... không được phát huy khiến người dân vùng lũ không cập nhật được thông tin mưa lũ, đặc biệt là thông tin xả tràn Kẻ Gỗ với lưu lượng bao nhiêu, xả vào thời điểm nào để chủ động sơ tán, di dời vật chất, tài sản kịp thời, giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất.
Ông Nguyễn Công Thành, Giám đốc Sở TT&TT Hà Tĩnh cho biết: "Ngành TT&TT Hà Tĩnh đã nỗ lực hết mình, cung cấp các văn bản chỉ đạo, cập nhật thông tin; chỉ đạo các doanh nghiệp huy động tối đa phương tiện máy móc thiết bị viễn thông, dùng máy phát điện... Tuy nhiên, mưa lũ đã làm 39 trạm BTS phát sóng bị ngập; hầu hết các vùng ngập sâu bị mất điện, các thiết bị thông tin cá nhân không phát huy được tác dụng, hoặc nếu phát huy được phần nào thì mất nguồn, do không sạc được, dẫn đến tình trạng bị cô lập thông tin kéo dài, gây thiệt hại lớn cho người dân.
Sau đợt lũ này ngành TT&TT cũng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, xây dựng hệ thống liên lạc sẵn sáng đối phó với tình huống thiên tai nguy cấp".
Cơn lũ từ ngày 18/10 đến 21/10 vừa qua đã gây thiệt hại tại địa bàn Hà Tĩnh rất nặng nề, làm chết 6 người; làm ngập lụt 118 phường, xã, thị trấn, ảnh hưởng trực tiếp đến 42.456 hộ dân/ 151.288 người; 40 trạm Y tế và 1 Bệnh viện bị ngập nặng; nhiều công trình giao thông bị hư hỏng nặng; hàng trăm doanh nghiệp bị lũ ngập làm hư hỏng máy móc, thiết bị, vật tư, phương tiện, thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.
Đến nay chưa thống kê hết mức độ thiệt hại cụ thể, nhưng hậu quả để lại của trận lũ trên gây ra có thể hơn gấp nhiều lần so với các cơn lũ khác từng diễn ra tại tỉnh Hà Tĩnh. Một trong những nguyên nhân gây ra tổn thất lớn đó phải kể đến mặt hạn chế từ thông tin.