Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Khám phá vẻ đẹp của miền biên viễn phía Tây Cao Bằng

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Trước đây nhắc đến Bảo Lạc, miền biên viễn phía Tây của Cao Bằng là nhắc đến sự xa xôi, cách trở, đời sống người dân thiếu thốn trăm bề.

Thế nhưng, có đi mới thấy, Bảo Lạc hôm nay đã có nhiều đổi thay, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc. Giữa núi đồi trùng điệp xuất hiện ngày một nhiều những ngôi nhà khang trang, tất cả như một bức tranh xuân no ấm, an bình.

Vùng đất của những đặc sản

Khám phá vẻ đẹp của miền biên viễn phía Tây Cao Bằng - 1
 Không nằm trong Tứ đại đỉnh đèo nhưng Khau Cốc Chà (15 tầng) vẫn thách thức những ai yêu thích chinh phục cung đường phía Đông Bắc Việt Nam (Ảnh: Giang Nam).

Tôi chọn lên Cao Bằng đón xuân khi trót mê mẩn với những điệu hát Then bên cây đàn tính da diết mà ngọt ngào. Và rồi tôi chọn Bảo Lạc, một trong những địa phương xa nhất của tỉnh Cao Bằng để “phượt”.

Kỳ thực, ban đầu dự định này cũng khiến tôi đôi phần ái ngại bởi không ít lần được nghe về sự nhọc nhằn khi đến nơi đây. Đại loại, từ thị trấn muốn đến trung tâm các xã phải đi cả ngày trời. Mùa đông rét buốt, băng giá, mùa hè nắng cháy bỏng, mưa lũ gây sạt lở, làng bản có thể bị cô lập cả tuần. 

Thế nhưng có đi mới biết, Bảo Lạc bây giờ đã khác. Dù nằm cách thành phố hơn 130km, nhưng đi ô tô cũng chỉ khoảng 4 tiếng đồng hồ là đã đến thị trấn huyện Bảo Lạc. Kỳ thực, cảm giác ngồi trên xe bon bon chạy trên quốc lộ 34 được cải tạo, nâng cấp đến Bảo Lạc tạo một trải nghiệm thú vị. 

Qua huyện Nguyên Bình đến xã Đình Phùng thuộc địa phận Bảo Lạc, không gian dường như mở ra với những thung lũng thoai thoải chạy dọc theo tuyến đường chính.

Màu xanh của núi đồi ngút tầm mắt xen giữa những rừng trúc đang mùa thu hoạch. Những chòm xóm với mái ngói rêu phong của nhà sàn cổ nằm giữa những khoảnh ruộng bậc thang ở triền đồi thoải tạo cảm giác thanh bình.

Bảo Lạc đẹp nhưng cũng đầy huyền bí. Sông Gâm là dòng sông lớn nhất huyện Bảo Lạc. Sông Gâm có nhiều loài cá ngon và quý hiếm mà nhân dân thường gọi “ngũ quý hà thủy”, gồm các loại cá như: anh vũ (cá mõm lợn), lăng, bống, dầm xanh; đặc biệt là cá chiên - loài cá nằm trong Sách đỏ.

Theo các cao niên ven dòng sông, cá chiên là loài hung dữ, thường sống ở vùng nước chảy xiết, đằm mình trong những hang ngầm dưới đáy khúc sông lớn. Thịt cá chiên thơm ngọt, vàng ươm như ướp nghệ, thân không có xương dăm. Hơn nữa, loài cá này cũng nổi tiếng với bộ lòng to, dày như dạ dày lợn, là món đặc sản mà nhiều người mong được nếm thử một lần.

Với người dân nơi đây, sông là nguồn sống bồi đắp cho sự trù phú của bản làng, sông mang đến biết bao sản vật quý giá để bồi tụ, làm nên mùa xuân.

Khám phá vẻ đẹp của miền biên viễn phía Tây Cao Bằng - 2
Du khách tại Bảo Lạc Homestay, Khu I, thị trấn Bảo Lạc (Ảnh: Giang Nam).

Qua những bản làng đẹp miên man dọc sông Gâm, tôi lạc bước đến xã Xuân Trường - nơi được xem như thủ phủ của cây mận máu. Anh Tô Văn Kiên, xóm Thiêng Lầu - một trong những người có nhiều kinh nghiệm trồng cây đặc sản này cho biết, vùng đất phía Đông của huyện Bảo Lạc đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ.

Bởi vậy, nơi này thích hợp trồng các loại mận như mận thép, tam hoa và đặc biệt là mận máu. Loại mận này khác lạ ở chỗ, khi chín có màu đỏ sẫm bắt mắt, vỏ nhẵn bóng, to bằng đầu ngón chân cái, ăn có vị ngọt đậm, mọng nước, hàm lượng vitamin rất cao.

Mận máu được bán với giá từ 80.000 - 90.000 đồng/kg, thời điểm đầu hoặc cuối vụ có giá từ 100.000 - 150.000 đồng/kg. Mỗi cây mận máu trung bình cho thu hoạch khoảng 20 - 30kg.

Với kinh nghiệm trồng mận máu lâu năm, anh Kiên chia sẻ, sau khi thu hoạch, gia đình tiến hành làm cỏ, bón phân cho cây. Sau Tết Nguyên đán, lại tiếp tục phát quang xung quanh gốc mận, bón phân đợt hai và cắt tỉa một số cành già, cành bị sâu bệnh để tăng khả năng quang hợp, giúp cây nhanh chóng phục hồi.

Nỗ lực nâng cao đời sống người dân

Tôi ấn tượng mãi với việc chinh phục thành công dốc Khau Cốc Trà - nơi có khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ bậc nhất Bảo Lạc. Con đường đèo 15 tầng nằm trên Quốc lộ 4A, như dải lụa khổng lồ uốn quanh vách núi.

Phía xa, lác đác trên đường những chiếc ô tô, xe máy di chuyển trông vô cùng thú vị. Nhìn cao hơn nữa là những dải mây trắng bồng bềnh sáng lấp lánh giữa trời xanh, xung quanh nghe đâu đó tiếng chim hót ríu rít và tiếng kêu của đàn dê núi. 

Khám phá vẻ đẹp của miền biên viễn phía Tây Cao Bằng - 3
Một góc Bảo Lạc vào xuân.

Tôi chợt nhận ra rằng, ngoài việc đến Bảo Lạc không còn xa xôi thì với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã làm huyện vùng cao đổi thay. Dải biên giới của Bảo Lạc từ các xã Cốc Pàng, Thượng Hà, Cô Ba đến Khánh Xuân, Xuân Trường ít nhiều có sự chuyển biến đậm nét. Các tuyến giao thông đến những vùng khó khăn tiếp tục được Nhà nước đầu tư xây dựng.

Nhắc đến những lợi thế và tiềm năng hiện hữu của Bảo Lạc, ông Lã Hoài Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bảo Lạc cho biết, dải đất biên viễn này là “cô thiếu nữ ngủ trong rừng” và cần phải đánh thức.

Bí thư Huyện ủy Bảo Lạc chia sẻ: Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế tổng hợp vô cùng quan trọng, huyện xây dựng Đề án “Phát triển dịch vụ - du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bảo Lạc” giai đoạn 2021 - 2025.

Đặc biệt, những năm gần đây, huyện tăng cường kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, giới thiệu và quảng bá rộng hơn tiềm năng, lợi thế địa phương. 

Theo lời ông Lã Hoài Nam, Bảo Lạc có nhiều tiềm năng khi là điểm kết nối Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) với Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Bảo Lạc còn tiếp giáp với các điểm di tích lịch sử cách mạng, các khu du lịch trong và ngoài tỉnh, có thể kết nối tour, tuyến du lịch như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, huyện Hà Quảng (Cao Bằng), Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, hồ Ba Bể (Bắc Kạn)… là điều kiện thuận lợi để Bảo Lạc khai thác và phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ gắn với phát triển du lịch.

Nhờ nắm bắt đúng, trúng những định hướng nên huyện có không ít mô hình homestay thu hút khách du lịch. Xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc là ví dụ. Trước đây, 50% hộ trong xóm là hộ nghèo, cận nghèo.

Nhưng từ khi bà con biết dựng homestay, đón khách du lịch bằng phong tục đặc sắc của đồng bào Lô Lô thì cái nghèo dần biến mất. Nhiều hộ có thu nhập 150 - 300 triệu đồng/năm, hộ kinh doanh nhỏ cũng thu nhập 30 - 50 triệu đồng/năm. Trong tương lai huyện sẽ tập trung tập huấn kỹ năng đón tiếp du khách cho người dân bản địa, nâng cao chất lượng phục vụ.

Trở lại với việc phát triển cây đặc sản mận máu, theo tìm hiểu để bảo tồn, gìn giữ nguồn gen cây mận đặc sản và từng bước nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm mận máu Cao Bằng, năm 2018, dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống mận máu đặc sản cho năng suất, chất lượng cao tại huyện Bảo Lạc” đã được đưa vào triển khai.

Mục tiêu của dự án là phát triển, mở rộng diện tích trồng mận máu đặc sản trên đất dốc nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất tự nhiên, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập và làm giàu cho người dân.

Đến nay, dự án đã thực hiện điều tra, khảo sát thực trạng sản xuất giống mận máu đặc sản tại một số xã của huyện Bảo Lạc; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng vườn ươm nhân giống cây mận máu quy mô 1.000m2; phát triển và mở rộng diện tích trồng mới 15ha; xây dựng mô hình thâm canh 0,5ha cây mận máu tại 2 xã Khánh Xuân, Phan Thanh; đào tạo kỹ thuật và tổ chức tập huấn cho người dân. 

Anh Tô Văn Kiên cho biết, thời gian tới anh và bà con trong vùng sẽ đẩy mạnh phát triển diện tích trồng mận máu ở Xuân Trường. Như vậy, chỉ 5 năm nữa vùng đất này sẽ đổi khác.

Rời Bảo Lạc trong ánh mắt, nụ cười đong đầy niềm hân hoan của người dân, tôi chợt thấy một mùa xuân ấm no, đầy sức sống đang đến gần với nhiều hứa hẹn về sự vươn lên của dải đất vùng biên viễn.

Giang Nam

Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ

Tin liên quan