Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Khi người cao tuổi cũng “nghiện” smartphone

Phóng viên
Phóng viên

(Dân sinh) - Không thể phủ nhận smartphone (điện thoại thông minh) giúp người già tìm thấy những niềm vui, khi không có con cháu bên cạnh. Tuy nhiên, khi người cao tuổi quá lạm dụng các thiết bị điện tử cũng có thể gây ra nhiều hệ lụy.

Nhiều rắc rối khi chìm đắm trong thế giới ảo

Ông N.H.L (62 tuổi, bố ruột anh N.H.T, ở Phú Thọ) là kỹ sư đã nghỉ hưu. Thấy bố ban ngày lủi thủi một mình vì vợ và các con đều đi làm, các cháu cũng đi học nên vợ chồng anh T đã sắm cho bố một chiếc điện thoại thông minh để bầu bạn và rắc rối cũng bắt nguồn từ đó.

nguoi gia dung dien thoai.jpg
Theo các nghiên cứu, lượng người cao tuổi ở châu Á sử dụng công nghệ ngày càng cao so với các khu vực khác (Ảnh: Nikkei Asia).

 

Chia sẻ với phóng viên, anh T cho biết: “Ban đầu, tôi lập các tài khoản mạng xã hội cho bố, nói chuyện được với những người bạn cũ nên bố vui lắm, không thì ông sẽ xem phim hài hoặc các video ngắn trên Youtube. Lâu dần tôi phát hiện sự bất thường khi kể cả trong bữa cơm tối với cả nhà ông cũng lăm lăm chiếc điện thoại trên tay, hỏi ra mới biết bố tôi xem livestream bán hàng”.

Cứ như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn tiếp xúc với điện thoại thông minh và mạng xã hội, ông L đã thành thạo việc đăng ảnh, bình luận, like, chia sẻ trên Facebook và Zalo, thậm chí mua hàng trên mạng ông cũng tự mày mò ra mà không cần con cháu hướng dẫn.

“Tôi đau đầu nhất việc bố tôi cứ mua các loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên mạng về. Nhiều đơn không hề rẻ nhưng toàn hàng kém chất lượng. Góp ý cho ông thì ông bảo tự tiêu tiền của mình, uống vào lợi hay hại tự ông chịu, không cần con cháu lo”, Anh T chia sẻ.

Cũng tương tự trường hợp của gia đình anh T, chị N.T.A đau đầu không kém khi mẹ chồng của chị là bà T.T.V (70 tuổi, ngụ ở Hà Đông, Hà Nội) xem điện thoại đến 1,2 giờ sáng mà không chịu đi ngủ.

Chị kể, bố chồng mất mấy năm trước rồi, chồng chị thì đi làm nhiệm vụ xa nhà lâu lâu mới về một lần. Cứ nghĩ mua điện thoại cho mẹ để mẹ giải trí thôi nhưng có những hôm 2 giờ sáng đi qua phòng bà vẫn thấy sáng đèn, tiếng điện thoại léo nhéo bên trong. 

“Tôi nói thì những ngày sau bà tắt điện phòng để lén dùng, bây giờ cứ đến 10 giờ tối là tôi thu điện thoại, sáng trước khi đi làm mới đưa chứ cứ thế này thị lực ngày càng kém”, Chị A cười như mếu chia sẻ

Bà V còn làm gia đình nhiều phen xấu hổ khi bà tham gia vào các cuộc tranh cãi trên mạng và bị họ hàng bắt gặp. Chưa kể, nhiều khi bà còn chia sẻ những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng và tin “sái cổ” vào nó, dù con cháu giải thích bà cũng không nghe.

Trường hợp của gia đình anh T hay gia đình chị A không hiếm trong xã hội hiện nay, khi mà càng nhiều người ở độ tuổi 60 trở lên, không phân biệt giới tính hay trình độ học vấn, phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị thông minh. 

Song song với thực trạng này, thời gian người lớn tuổi dành cho các hoạt động như đọc sách, tập thể dục, giao tiếp trực tiếp… ngày càng giảm đi. Về lâu dài, điều này có thể làm sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm lý của người cao tuổi bị ảnh hưởng.

ảnh 1.jpg
Đối với gia đình ông L, niềm vui từ chiếc điện thoại đã đi cùng với nhiều rắc rối (Ảnh: Hoàng Linh)

 

Sử dụng smartphone đúng và đủ để không gây hại

Lý giải vấn đề này, chuyên gia tâm lý Đoàn Thị Thanh của Trung tâm tham vấn, trị liệu tâm lý Mindcare cho hay người già “nghiện” smartphone là dấu hiệu của sự cô đơn. 

Thực tế cho thấy, với những người cao tuổi không còn đi làm, toàn bộ thời gian của họ đều ở nhà, con cháu đi làm nên rất dễ sinh ra cảm giác trống vắng khi không có người nói chuyện. 

Ngoài ra, người lớn tuổi cũng có nhu cầu giải trí, giao tiếp, tiếp nhận thông tin, bày tỏ quan điểm… và điện thoại thông minh có thể đáp ứng gần như toàn bộ nhu cầu đó nên dần dần công cụ này trở thành người bạn thân thiết của người già.

“Ai cũng có thể lạm dụng smartphone, đặc biệt với đối tượng có nhiều thời gian rảnh rỗi như người cao tuổi. Họ cũng thích thú, tò mò với những sự mới mẻ trên mạng nên nhanh chóng đắm chìm vào nó. Tâm lý FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ) cũng tồn tại ở nhiều người lớn tuổi, gây nên cảm giác bồn chồn, lo lắng, cảm xúc không ổn định khi phải xa rời chiếc điện thoại của mình.”

Không chỉ ảnh hưởng đến tâm lýmà sức khỏe thể chất của người già cũng dễ bị ảnh hưởng khi sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian dài, đặc biệt là các vấn đề về thị lực.

Ánh sáng xanh phát ra từ điện thoại có thể gây mỏi mắt, khô mắt, dùng điện thoại trong phòng tối lại càng nguy hiểm hơn đối với đối tượng người cao tuổi. 

Lạm dụng điện thoại thông minh cũng có thể gây nên các vấn đề khác như xương khớp đau nhức khi ngồi quá lâu, dễ tăng/giảm cân không kiểm soát, mất ngủ…

Hiện nay trên thế giới đã có nhiều dẫn chứng và cảnh báo rõ ràng về thời lượng sử dụng thiết bị điện tử ở trẻ em nhưng lại có rất ít khuyến cáo dành cho đối tượng người cao tuổi. Theo chia sẻ của chuyên gia Đoàn Thị Thanh, không khó để giúp người lớn tuổi sử dụng smartphone chừng mực nhưng cần phải kiên trì và phối hợp của cả gia đình.

Con cháu nên dành thời gian cho họ nhiều hơn vì nhu cầu giao tiếp, trao đổi thông tin là nhu cầu tất yếu của mỗi con người. 

Đồng thời cần cảnh báo cho người cao tuổi cách sử dụng các trang mạng xã hội thông minh và an toàn để tránh bị lừa đảo hoặc chia sẻ tin giả, tin sai lệch gây mất trật tự xã hội. Cân bằng cuộc sống thực tế và trên mạng của người cao tuổi bằng cách duy trì các hoạt động lành mạnh như tập thể dục, đọc sách, trồng cây… để giữ một tâm lý thoải mái, tích cực. 

Sử dụng điện thoại thông minh đúng và đủ để trở thành người bạn chứ không phải là một tác nhân gây hại cho người cao tuổi.

Hoàng Linh