Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Kho tàng “sống” gìn giữ văn hóa dân gian

Trần Huyền
Trần Huyền

Dù tuổi đã cao nhưng các nghệ nhân vẫn ngày đêm miệt mài gìn giữ và truyền bá văn hóa cổ cho thế hệ trẻ, với mong muốn lưu giữ cho con cháu sau này những nét đẹp văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc để không bị mai một bởi thời gian.

Nặng lòng với văn hóa truyền thống

Người dân thôn Kon Sờ Lạc 2 (xã Đắk Ruồng, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) yêu quý và kính trọng nghệ nhân Y Gar (64 tuổi). Bà không chỉ là người có uy tín tại địa phương mà còn rất tâm huyết trong gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na (nhánh Jơ Lâng).

nghe1.jpg

Nghệ nhân Y Gar từng là giáo viên dạy song ngữ Ba Na - Tiếng Việt nhiều năm. Sau khi nghỉ hưu, bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn.

Theo bà Y Gar, bên cạnh những nét tương đồng, văn hóa truyền thống, người Ba Na nhánh Jơ Lâng vẫn có nhiều điểm khác so với người Ba Na nói chung. Nhưng qua thời gian dài, nhiều nét văn hóa đã mai một và dần mất.

Dễ nhận thấy nhất đó là váy áo thổ cẩm của người Jơ Lâng nguyên gốc có màu trắng chủ đạo và sự khác biệt ở một số họa tiết. Hoặc về các điệu múa, ca hát, người Jơ Lâng trước đây chuộng điệu múa Tơ Tơn - Keh Koh.

Theo đó, điệu Tơ Tơn - Keh Koh có sự sôi động và đòi hỏi người biểu diễn phải thực hiện nhiều động tác phức tạp hơn. Chính điều đó đã tạo ra nét đặc trưng cho văn hóa Jơ Lâng. 

Bên cạnh truyền dạy và gìn giữ những nét đẹp của văn hóa Ba Na, bà Y Gar đang tìm tòi, nghiên cứu để phục dựng, kế thừa một số nét đẹp văn hóa đã dần mai một.

“Tôi luôn có ước nguyện là khôi phục một số nét văn hóa độc đáo của người Jơ Lâng xưa. Điều đó sẽ tạo thêm sự đa dạng, phong phú cho kho tàng văn hóa của dân tộc mình”, bà Y Gar chia sẻ.

nghe2.jpg

Là cán bộ mặt trận, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, bà  Y Gar luôn gắn những hoạt động, phong trào với bảo tồn văn hóa trên địa bàn; qua đó, khuyến khích bà con gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, vận động các gia đình dạy con em học những điệu múa, ca hát truyền thống, tập luyện cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc. 

Những việc làm của nghệ nhân Y Gar đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, nhất là đối với thế hệ trẻ, giúp lớp trẻ hiểu rõ được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Chị Y Nga, Trưởng thôn Kon Sờ Lạc 2 cho biết: “Bà Y Gar là nghệ nhân đa tài, am hiểu nhiều nét văn hóa của dân tộc như ẩm thực, ca hát, dệt thổ cẩm. Với sự nhiệt tình của bà, dân làng càng thêm trân trọng và cố gắng gìn giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”.

“Kho tàng” văn hóa của dân tộc Thái

Nghệ nhân Vàng Văn Thức (bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên) có công lớn trong việc gìn giữ loại hình nghệ thuật hát Then của dân tộc Thái vùng Tây Bắc.

Ông được mọi người kính trọng gọi là "Mo Thức". Từ nhiều năm nay, mỗi khi gia đình nào cần cúng giải hạn, cầu mùa, cúng cưới hỏi hay làm lễ cấp sắc... mo Thức đều lặn lội đến tận nơi để “hành lễ".

nghe3.jpg

Trong cộng đồng dân tộc Thái trắng, thầy Mo hay các ông Then, bà Then rất được tin tưởng, tôn trọng. Họ được cho là người đại diện nhà trời, đầu thai xuống trần cứu nhân, độ thế. Dân bản tin tưởng cũng vì họ là những người thông tuệ. Nhưng bản thân “Mo Thức” không cho là như vậy.

Ông quan niệm mang lại niềm vui, chia sẻ những mất mát, rủi ro với mọi người và gìn giữ tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc mình, cộng đồng mình là trách nhiệm, là niềm hạnh phúc. 

“Bản thân mình đã được cha ông hướng dẫn, truyền dạy thì phải thực hiện cho tốt, chứ đâu phải chỉ vì một danh xưng”, Mo Thức cho biết. Với ông, hát Then ngày xưa không phải để biểu diễn mà chỉ dùng trong hành lễ. Hát Then chỉ được truyền miệng, chỉ các thầy Mo có thể hát được.

Thế nhưng ngày nay, hát Then không còn được duy trì trong các buổi lễ, tết nên cứ thế dần xa khỏi đời sống đồng bào dân tộc Thái trắng. Thậm chí, có thời kỳ, hát Then bị lãng quên.

nghe4.jpg

Ngoài khả năng hát và truyền dạy Then, nghệ nhân Vàng Văn Thức là một trong những người tham gia thực hành Then để xây dựng hồ sơ di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam”.

Đến nay, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bằng tài năng thẩm âm và tình yêu đặc biệt đối với văn hóa dân tộc Thái trắng, ông Thức còn học tập, nghiên cứu và chế tác thành công cây tính tẩu có hình dáng đẹp, âm sắc đạt chuẩn dựa trên kỹ thuật chế tác theo tiêu chuẩn lý tính, hóa tính và vật lý âm thanh. Bản thân ông có khả năng đệm tính tẩu và hát nhiều bài Then cổ.

nghe5.jpg

Tiếng đàn Ta lư tỏa khắp bản Pa Cô trên dãy Trường Sơn 

Bản sắc văn hóa người Pa Cô cũng đang dần mai một. Những người làm được đàn Ta lư, hát dân ca Pa Cô, chơi được nhạc cụ truyền thống thưa vắng dần. Quyết tâm không thể để người Pa Cô mất nguồn cội, Nghệ nhân ưu tú Karay Sức (thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đắkrông, tỉnh Quảng Trị) quyết tâm phục hồi, bảo tồn theo cách của riêng mình.

Năm 2004, tôi bắt đầu sưu tầm, lưu giữ hình ảnh, tư liệu, ghi chép về văn hóa Pa Cô”, ông Kray Sức cho biết.Ông Kray Sức đã rong ruổi khắp bản làng ở miền Tây tỉnh Quảng Trị để sưu tầm văn hóa người Pa Cô. Đi đến đâu, gặp ai, Kray Sức cũng chụp ảnh, tỉ mẩn ghi chép văn hóa, lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ… của người Pa Cô.

Có “kho báu” trong tay, không chia sẻ, quảng bá cho nhiều người biết thì cũng chẳng có ý nghĩa. Nghĩ vậy, Kray Sức quyết định trưng bày, triển lãm ảnh về văn hóa người Pa Cô. 

“Tôi đã phải bán con trâu quý nhất của gia đình để làm triển lãm ảnh văn hóa Pa Cô. Dân làng biết chuyện cho là tôi có vấn đề. Còn vợ, con, đương nhiên là phản đối. Tôi đã thuyết phục mọi người rằng, mình đã cất công sưu tầm thì phải triển lãm, giới thiệu cho nhiều người biết”, Kray Sức kể lại. 

nghe6.jpg

Ông đã tổ chức triển lãm 300 bức ảnh tại TP Đông Hà, thị trấn Krông Klang và các xã A Ngo, A Vao, Tà Rụt (huyện Đắkrông). Sức hút của cuộc triển lãm đã vượt xa sự tưởng tượng của Kray Sức. Người đến xem nườm nượp, ai cũng trầm trồ vì phát hiện nhiều điều độc lạ của văn hóa Pa Cô.

Những năm 2000, nhạc cụ như đàn Ta lư và cồng chiêng của người Pa Cô ở Quảng Trị còn rất ít. Sau nhiều năm tích cóp, ông tìm đến già làng Kôn Máy đặt hàng làm 10 cây đàn Ta lư rồi đem phát cho 9 thôn ở xã Tà Rụt, ông giữ cho mình 1 cây. Có đàn Ta lư, Kray Sức bắt đầu hành trình truyền bá niềm yêu thích nhạc cụ cho mọi người. Ông dành nhiều thời gian tìm đến từng bản làng, kêu gọi người dân đi học và trở thành thầy dạy đàn từ đó.

Bước chân Kray Sức in dấu khắp bản làng Pa Cô trên dãy Trường Sơn. Nhiều người dân bên dòng Đắkrông bắt đầu chơi được đàn Ta lư và hát được vài làn điệu dân ca dân tộc mình. Để làm phong phú thêm lời ca, điệu hát… ông cất công đi tìm những người biết thổi khèn, chơi cồng chiêng, quy tụ thành nhóm nhạc để truyền dạy dân ca Pa Cô.

Nơi nào người Pa Cô cần, Kray Sức sẽ có mặt, đem hết nhiệt huyết của mình truyền dạy văn hóa Pa Cô.

Đức Thọ

Tin liên quan