Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng và sử dụng thuốc, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Những ngày gần đây, không ít người dân tìm mua thuốc Tamiflu (thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir) - thuốc kháng vi rút cúm A về dự trữ do sợ giá sẽ tăng, thuốc khan hiếm nếu dịch bùng phát. Cùng với đó trên các trang mạng xã hội, nhiều tài khoản, cửa hàng thuốc rao bán thuốc Tamiflu, thậm chí khuyến cáo người dân nên dự trữ 1 - 2 vỉ thuốc ở nhà để dự phòng khi mắc cúm A.
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir điều trị cúm vẫn đảm bảo về nguồn cung. Đối với thuốc Tamiflu, theo Bộ Y tế, thông tin từ công ty nhập khẩu cho thấy hiện số lượng thuốc tồn kho là hơn 10.000 hộp.
Trong nước cũng sản xuất và cung ứng thuốc chứa Oseltamivir, đang có trên 300.000 viên, giá bán buôn vẫn giữ nguyên.
Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cảnh báo không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng cần dùng loại thuốc đặc trị kháng vi rút.
Thuốc Tamiflu phải dùng đúng chỉ định, chỉ dùng trong những trường hợp cúm A và cúm A trên những cơ địa đặc biệt như bệnh nhân có nguy cơ tiến triển bệnh nặng (mắc các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc những bệnh nhân suy giảm miễn dịch…).
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, 80 - 90% trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi thì mới cần nhập viện điều trị. Không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng Tamiflu. Những trường hợp mắc cúm nếu nhẹ thì không cần thiết phải uống Tamiflu, bệnh sẽ tự khỏi.
Để đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị cúm, Cục Quản lý dược đề nghị các đơn vị trên tiếp tục triển khai các nội dung về đảm bảo nguồn cung thuốc cho các bệnh có thể xảy ra trong mùa đông - xuân.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn theo dõi sát tình hình dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm; tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng và sử dụng thuốc, đảm bảo thuốc được phân phối hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ, Bộ Y tế yêu cầu chủ động lập kế hoạch dự trữ và mua sắm thuốc điều trị cúm, đặc biệt là các thuốc kháng vi rút, đảm bảo sẵn sàng và cung ứng kịp thời thuốc điều trị bệnh cúm; sử dụng thuốc hợp lý, tránh lạm dụng thuốc kháng vi rút để hạn chế nguy cơ kháng thuốc.
Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc tăng cường nguồn cung, xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh cúm, khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh.
Duy Anh
Báo Lao động và Xã hội số 19