Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ca mắc cúm tăng cục bộ nhưng chưa đột biến

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Theo Bộ Y tế, số ca mắc cúm đã có sự gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán 2025 song chưa có đột biến.

Người dân đổ xô đi tiêm vaccine cúm

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2025 đến nay, Việt Nam ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B, không có dấu hiệu thay đổi về độc lực.

Ca mắc cúm tăng cục bộ nhưng chưa đột biến - 1
Tỷ lệ người dân tiêm vaccine phòng cúm tăng cao trong những ngày gần đây.

Các bệnh viện lớn tại Hà Nội tiếp nhận nhiều ca cúm A nặng, đặc biệt là ở nhóm người cao tuổi, bệnh nền và hệ miễn dịch yếu. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị 8 bệnh nhân cúm, một trong số đó phải can thiệp ECMO.

Tương tự, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng ghi nhận số ca mắc cúm tăng đáng kể, trung bình 10 bệnh nhân cúm A đến khám mỗi tuần, gấp 6 lần so với tháng 12/2024.

Hệ thống y tế Medlatec cũng ghi nhận 3 trẻ em trong cùng một gia đình ở Hà Nội dương tính với cúm A. 2 bé gái bị biến chứng viêm phổi phải nhập viện điều trị tích cực suốt 7 ngày với thuốc kháng sinh và chăm sóc hỗ trợ, trong khi bé trai nhẹ hơn được hướng dẫn điều trị tại nhà. Sức khỏe của các bé đã ổn định sau quá trình điều trị.

Trong khi đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị 13 ca cúm nặng, bao gồm nhiều trường hợp nghiêm trọng.

Từ tháng 10/2024 đến nay, Bệnh viện Nhi Hà Nội đã thăm khám và điều trị cho hơn 1.500 trường hợp mắc cúm, trong đó hơn 200 trường hợp có biến chứng nặng phải nhập viện. Bệnh viện Xanh Pôn cũng đã tiếp nhận khoảng 500 ca mắc cúm từ đầu năm đến nay, trong đó có nhiều trường hợp nặng.

Tại Bệnh viện Giao thông Vận tải, Khoa Nội hô hấp và các bệnh truyền nhiễm đang điều trị khoảng 10 bệnh nhân cúm. Theo thống kê từ đầu năm, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 50 trường hợp cúm A. Những ca nhẹ được kê đơn và hướng dẫn tự điều trị tại nhà, trong khi các bệnh nhân có dấu hiệu nặng được điều trị nội trú.

Lo ngại dịch cúm bùng phát và mắc bệnh, những ngày gần đây nhiều người đã đi tiêm vaccine cúm. Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, nhu cầu tiêm vaccine phòng bệnh cúm tăng mạnh, các điểm tiêm đều đông lên, có những điểm tiêm tăng gấp đôi, gấp ba. 

Theo ông Khổng Minh Tuấn, ngày thường không ai để ý, không đi tiêm, đến lúc bắt đầu có dịch bệnh mới đổ xô đi tiêm có thể chậm, muộn trong phòng dịch. Người dân cần chủ động tiêm vaccine "định kỳ, đúng lịch, trước mùa có nguy cơ xảy ra dịch bệnh, tiêm đón đầu cho mùa dịch".

Bởi vaccine không thể có hiệu quả ngay sau khi tiêm. Tất cả các loại vaccine đều có kháng thể sau ít nhất 1 tuần, sau 2 tuần kháng thể tăng cao, đạt khả năng phòng dịch tối đa sau 1 tháng.

Thời tiết đông - xuân và các hoạt động lễ hội làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch

Bộ Y tế  cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia, trong khi các hội chứng cúm và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính cũng có dấu hiệu tăng nhanh     từ cuối năm 2024, đặc biệt tại khu vực  bắc bán cầu.

Bộ Y tế lưu ý, hiện nay, điều kiện thời tiết mùa đông - xuân với khí hậu ẩm thấp là môi trường thuận lợi cho vi rút phát triển và lây lan. Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại, giao thương và các hoạt động lễ hội đầu năm tăng cao làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách, trong đó: Đẩy mạnh công tác tiêm chủng, cần rà soát và tổ chức tiêm bù, tiêm vét vaccine sởi cho các đối tượng chưa tiêm hoặc chưa đủ mũi;

Đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để tăng cường miễn dịch cộng đồng; khuyến khích người dân chủ động tiêm vaccine phòng cúm và vaccine có thành phần sởi, rubella cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Cùng với đó, các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là cúm, sởi và các bệnh đường hô hấp cấp tính; giám sát nghiêm các trường hợp nghi ngờ tại bệnh viện, trường học, khu công nghiệp và cộng đồng; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp gia tăng ca bệnh.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh truyền thông tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt tại trường học, khu công nghiệp, địa điểm du lịch và nơi công cộng; khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc gần với người bệnh.

Về công tác phối hợp liên ngành, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở giáo dục, khu công nghiệp, trung tâm thương mại và các địa điểm công cộng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; giám sát sức khỏe học sinh, người lao động và phổ biến hướng dẫn phòng bệnh cá nhân.

“Bộ Y tế đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan và người dân chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, hạn chế tối đa các ca bệnh nặng và tử vong”, công văn của Bộ Y tế nêu rõ.

Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính, do vi rút Influenza lây nhiễm vào mũi, họng và phổi. Tại Việt Nam, cúm mùa thường lưu hành quanh năm nhưng có xu hướng tập trung vào mùa đông, xuân. Các chuyên gia cảnh báo, đỉnh điểm mùa cúm có thể rơi vào khoảng tháng 2, 4 và 9, 10 hàng năm. Cúm mùa thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày.

Tuy nhiên, bệnh có thể gây biến chứng hoặc tử vong ở nhóm người nguy cơ cao như người từ 65 tuổi trở lên, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền... với một số biến chứng như: Nhiễm trùng xoang và tai; viêm phế quản; viêm phổi; viêm cơ tim, viêm não, suy đa tạng…

Duy Anh

Báo Lao động và Xã hội số 18

Tin liên quan