Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Thích nghi với nền kinh tế số: Những người "Nông dân số"

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Nếu như trước đây khi nói về người nông dân là hình ảnh “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời” thì giờ đây những người “nông dân số” đã chủ động thực hiện chuyển đổi số.

(Kỳ 2)

Nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và trở thành những ông chủ trên chính mảnh đất quê hương mình.

Gà ngủ “phòng lạnh”

“Hiển gà” là biệt danh người thôn Đông Cao, xã Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội đặt cho anh Ngô Trọng Hiển. Hiện nay, với quy mô nuôi 10.000 con gà đẻ trứng, 60.000 con gà thịt, hàng vạn gà giống đã cho anh Hiển thu nhập hàng tỷ đồng/năm.

Thích nghi với nền kinh tế số: Những người "Nông dân số" - 1
Chị Nguyễn Thị Mơ ở Mộc Châu, Sơn La livestream bán các sản phẩm nông sản địa phương.

Chia sẻ về mô hình nuôi gà trong phòng lạnh, anh Hiển chia sẻ, đầu năm 2002, với nguồn vốn chỉ vỏn vẹn 7 triệu đồng anh đã đầu tư nuôi khoảng 100 con gà. Nhưng khi gà lớn đến ngày có thể xuất chuồng thì lăn ra chết hàng loạt vì dịch. 

Lúc ấy, cả gia đình, người thân đều khuyên anh đổi hướng làm ăn, nhưng anh vẫn không chùn bước. Anh tiếp tục nghĩ cách xoay xở và theo đuổi đến cùng con đường mà mình đã chọn. Để có thêm kiến thức nghề chăn nuôi, anh đi học bổ túc về sơ cấp thú y, nghiền ngẫm các kinh nghiệm chăn nuôi truyền thống kết hợp với tìm hiểu và học kỹ về quy trình tiêm vaccine chống dịch cho gà từ các công ty thuốc.

Sau những thất bại và đúc kết ra nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, trang trại của anh Hiển tiếp tục được mở rộng, phát triển lên 500 con, rồi lứa sau tiếp tục nhân đàn lên 1.000 con, 2.000 con… Hiện quy mô nuôi lên đến 10.000 con gà đẻ trứng, 60.000 con gà thịt, hàng vạn gà giống.

Trang trại chăn nuôi gà của anh được xây dựng khang trang, bài bản. Với tổng diện tích khoảng 40.000m2, anh Hiển bố trí các khu ấp trứng, khu nuôi gà bố mẹ, khu nuôi gà thương phẩm riêng biệt. Các chuồng nuôi được đầu tư hệ thống giàn lạnh làm mát, uống nước tự động, lò ấp trứng có công suất 4 vạn trứng/mẻ.

Để thịt gà thơm ngon hơn, ngoài việc thả gà ra môi trường tự nhiên, không gian vận động rộng, anh Hiển còn phối trộn thêm ngô hạt, khô đậu tương, cám gạo, chế phẩm sinh học theo tỷ lệ nhất định để làm thức ăn sinh học cho đàn gà và đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra, anh còn kết hợp trồng cây ăn quả tạo sân chơi và không gian cho đàn gà...

Tương tự, ông Lê Hữu Giang (thôn Ngô Đồng, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội) cũng là một trong số những nông dân đi đầu, mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm nông nghiệp truyền thống.

Hiện ông Giang đang sở hữu trang trại nuôi gà đẻ lấy trứng với tổng đàn hơn 20.000 con. Ông đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm thay đổi phương thức sản xuất, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế thị trường.

Toàn bộ hệ thống chuồng nuôi được ông đầu tư một cách bài bản, có hệ thống thông gió, dàn lạnh, chuồng nhốt, máng ăn, uống... Các công đoạn từ thức ăn, nước uống… của hàng chục ngàn con gà gần như tự động hoàn toàn. Nếu như cho ăn thủ công cần đến 3 - 4 tiếng thì hiện nay hệ thống tự động đã “giải phóng” sức lao động rút xuống còn 1 tiếng rưỡi, không cần nhân công.

Mỗi chuồng nuôi được đánh số, cập nhật theo dõi qua sổ nhật ký điện tử nên lượng thức ăn, sức khỏe của vật nuôi được giám sát. Đặc biệt ông đã kết nối thành công thiết bị điện, máy đo nhiệt độ, độ ẩm với chiếc điện thoại thông minh. Bất kỳ sự cố nào về điện như mất điện đột ngột hay nhiệt độ cao sẽ được báo về điện thoại ngay lập tức.

Nhờ đó, ông đã tiết kiệm được nhiều thời gian trong quy trình chăm sóc gà mái đẻ, hạn chế thấp nhất rủi ro gà bị ngạt khí. 

Với quy mô sản xuất, chăn nuôi và ấp nở trứng gia cầm như hiện nay, trung bình mỗi ngày trang trại gà của ông xuất bán ra thị trường khoảng vài ngàn quả trứng. Gà đẻ ngày nào đều có đại lý đến trực tiếp mua, mang về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.

Nhà nông livestream tìm đầu ra cho sản phẩm

Thích nghi với nền kinh tế số: Những người "Nông dân số" - 2
Ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi gà đã đem lại doanh thu tỷ đồng/năm cho anh Ngô Trọng Hiển.

Ngoài áp dụng khoa học kỹ thuật vào các công đoạn trồng trọt, chăn nuôi, những “nông dân số” sử dụng công nghệ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới khách hàng qua các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Chị Đặng Thị Thúy, chủ nhà vườn Thúy Mộc (huyện Gia Lâm) vừa cầm điện thoại livestream quá trình chăm sóc hoa cây cảnh vừa chỉ đạo xe chở sản phẩm tới khách hàng.

Chị Thúy cho biết, đông đảo khách hàng biết đến nhà vườn bởi những hình ảnh đẹp chị chia sẻ trên mạng xã hội. Không chỉ sử dụng thành thạo thiết bị thông minh, các phần mềm ứng dụng, các hiệu ứng hình ảnh, âm thanh bắt mắt, chị Thúy còn thành thạo nền tảng thương mại điện tử, kết nối các đơn vị vận chuyển…

Tương tự, Nguyễn Thị Mơ ở Mộc Châu, Sơn La đã tận dụng sức mạnh của livestream để thu về hơn 100 triệu đồng, kết nối được nhiều khách hàng trên cả nước, mở ra một hướng đi mới cho việc kinh doanh nông sản.

Sự thành công của chị Mơ đã truyền cảm hứng cho nhiều người nông dân khác, khơi dậy niềm tin vào sức mạnh của công nghệ số trong việc nâng cao thu nhập và mở rộng thị trường.

Còn chị Hoàng Thị Hoa, chủ hộ kinh doanh hoa quả sấy dẻo Cường Hoa, ở tiểu khu 30, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu đã tổ chức livestream trên facebook, các sản phẩm hoa quả sấy dẻo được nhiều người biết đến, đặt mua, doanh thu cao hơn.

Chị Hoàng Thị Hoa, chia sẻ: Khi mới làm còn bỡ ngỡ, nhưng dần cũng quen, sản phẩm được bán trực tiếp tới người tiêu dùng, truy xuất được nguồn gốc. Cơ sở bán hàng chịu trách nhiệm sản phẩm của mình. Tôi vẫn đang tiếp tục học cách làm video, chụp ảnh sản phẩm đẹp hơn, để sản phẩm hoa quả sấy dẻo được nhiều người biết đến và tăng doanh số bán hàng.

Ông Thiều Văn Son, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng, Hà Nội cho biết, cách đây 2 năm, nhiều hộ nông nghiệp vẫn dùng phương thức truyền thống là bán sản phẩm trực tiếp hoặc thông qua các kênh đại lý, chợ đầu mối, siêu thị, các cửa hàng nhỏ lẻ…

Chỉ một số lượng nhỏ người nông dân bán sản phẩm nông sản của mình qua các kênh mạng xã hội, còn sàn thương mại điện tử thì hầu như chưa tiếp cận được. Hiện người nông dân bắt đầu cung cấp sản phẩm của mình qua hình thức bán hàng qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, các trang web của hợp tác xã, cơ sở sản xuất.

Một số hộ đã nhanh chóng tiếp cận với các sàn thương mại điện tử như Shopee, Sendo, Tiki… Những mặt hàng nông sản như gạo, trứng, thịt, hoa quả, thậm chí là cả rau cũng được bán qua mạng. Từ việc lúng túng khi sử dụng mạng xã hội để bán sản phẩm nông nghiệp, người nông dân ngày càng thành thạo hơn với các thao tác trên điện thoại thông minh.

Hội Nông dân Việt Nam cho biết, đến nay có trên 5,3 triệu hộ sản xuất nông nghiệp đã được tạo tài khoản trên sàn thương mại điện tử (Postmart.vn và Voso.vn); 5,8 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số; tổng số sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử hơn 78.000 sản phẩm. 

Câu chuyện thành công của những buổi livestream bán hàng với con số ấn tượng như 72 tấn cam ở Nghệ An, 50 tấn vải ở Bắc Giang hay 23 tấn bí xanh ở Bắc Kạn đã minh chứng cho hiệu quả của mô hình này.

Không chỉ đơn thuần là kênh bán hàng, livestream còn mang đến cơ hội kết nối trực tiếp giữa người tiêu dùng và người sản xuất, giúp nông dân hiểu rõ hơn nhu cầu của thị trường và từ đó điều chỉnh sản xuất cho phù hợp.

Châu Anh

(Còn nữa)

Báo Lao động và Xã hội số 23

Tin liên quan
Thích nghi với nền kinh tế số

Thích nghi với nền kinh tế số

(LĐXH) - Nền kinh tế số được vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt đó là các giao dịch điện tử trên internet.
Năm 2025: Bùng nổ nhu cầu nhân lực số

Năm 2025: Bùng nổ nhu cầu nhân lực số

(LĐXH) - Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang phát triển mạnh mẽ ở tất cả các ngành, vì thế nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực này sẽ tăng mạnh...