Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Số hóa làng nghề góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Chuyển đổi số là xu thế tất yếu để các làng nghề phát triển hiệu quả, bền vững.

Việc sử dụng mạng xã hội, xây dựng website, tham gia vào sàn giao dịch thương mại điện tử… đã mở ra “cánh cửa” để làng nghề quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình.

Làng nghề bắt nhịp “cuộc sống” số

Số hóa làng nghề góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm - 1
Người dân làng gốm Bát Tràng livestream tương tác trực tiếp với khách hàng.

Hơn 20 năm trước, nghề may bắt đầu xuất hiện ở làng Táo (xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Năm 2019, đại dịch Covid-19 xuất hiện khiến thị trường gần như đóng băng, hàng sản xuất ra không tiêu thụ được, nghề may ở làng Táo tưởng chừng phải đóng cửa.

Nhưng trong “cái khó ló cái khôn”, nhiều chủ xưởng may chuyển từ bán hàng trực tiếp sang mở rộng thị trường kênh thương mại điện tử, vì thế sản phẩm không chỉ bán trong nước mà còn xuất sang nhiều quốc gia trên thế giới.

Hội trưởng Hội Cắt may làng Táo Nguyễn Văn Quỳnh cho biết: “Trước đây, tôi chỉ bán hàng cho đầu mối tại chợ truyền thống nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi tìm hiểu về sàn thương mại điện tử và lựa chọn kinh doanh bằng hình thức bán hàng trực tuyến.

Từ bỡ ngỡ ban đầu, đến nay sản phẩm may mặc của cơ sở đã có mặt trên nhiều sàn thương mại. Kinh doanh trực tuyến không tốn chi phí, mức độ quảng bá sản phẩm rộng rãi, vì vậy sản phẩm tiêu thụ tốt”.

Tương tự, nhờ thương mại điện tử, làng nghề Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội những năm gần đây có những bước tiến xa. Từ không gian mạng, các hộ sản xuất có thể cập nhật hình ảnh sản phẩm, kết hợp giao hàng tận nơi, từ đó mang lại lợi ích kép cho cả người mua và người bán.

Mới đây, nền tảng Google Arts & Culture - bách khoa toàn thư về văn hóa và nghệ thuật toàn cầu chứng kiến sự góp mặt của Bát Tràng Museum. Đây cũng là bảo tàng đầu tiên tại Việt Nam được xuất hiện trên nền tảng nghệ thuật số hóa của Google.

Bát Tràng Museum giới thiệu nhiều câu chuyện văn hóa về nghề và người của làng gốm có tuổi đời 700 năm, bằng ngôn ngữ Việt - Anh trên nền tảng Google Arts & Culture, để câu chuyện về nghề truyền thống vươn xa hơn.

Anh Trần Quý Dương, chủ xưởng Gốm Phúc Gia Tiên cho biết, sau khi xây dựng kênh bán hàng online qua kênh Facebook, Zalo… đã thu hút hàng triệu người tiêu dùng. Nhờ đó, mỗi sản phẩm ra mắt đều được đông đảo người tiêu dùng, người buôn bán ở các địa phương biết đến nhanh chóng…

Cùng với việc ứng dụng công nghệ, nhiều gia đình tại làng nghề thêu truyền thống xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.

Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự, làng nghề thêu tay Thắng Lợi cho biết, cùng với việc sản phẩm được bày bán tại nhà và cửa hàng giới thiệu sản phẩm, thời gian qua, nhiều bạn trẻ đã mở kênh bán hàng trên nền tảng mạng xã hội thu hút rất đông người tiêu dùng, qua đó, sản phẩm được quảng bá và giới thiệu rộng rãi, giá trị sản phẩm theo đó cũng được nâng lên.

Tận dụng “mỏ vàng” thương mại điện tử

Theo thống kê của Metric, người Việt đã chi khoảng 156.000 tỷ đồng mua sắm trên 5 sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tik Tok Shop) trong 6 tháng đầu năm 2024. Đặc biệt, trung bình một người tiêu dùng có khoảng 4 lần/tháng, 8 giờ/tuần mua sắm online.

Mỗi người mua hàng ít nhất trên 2 sàn thương mại điện tử, cao hơn nhiều lần so với số lần đi siêu thị. Điều này được cho là đang giúp các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, OCOP mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh nếu biết nắm bắt sự bùng nổ của thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc quan hệ chính phủ TikTok shop cho rằng, thủ công mỹ nghệ, ngành nghề truyền thống tưởng không phù hợp khi bán trên TikTok nhưng thực chất nó không chỉ phù hợp mà còn là “mỏ vàng” cho những đơn vị thuộc lĩnh vực này.

Bởi nghệ nhân, thành viên HTX, người lao động trong ngành nghề này đều có ba nhu cầu chính đó là danh tiếng, quyền lực, lợi ích. Cả ba vấn đề này TikTok đều có thể hỗ trợ được. Chỉ cần thành viên HTX làm video và video đó lên xu hướng thì sẽ lan tỏa, từ đó mang lại nguồn lợi không nhỏ cho HTX, doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Agritrade) cho biết, người tiêu dùng thường có 2 quyết định khi mua sắm. Đó là trước khi tới hội chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng… đã lên danh sách mặt hàng cần mua, mức tài chính có thể bỏ ra (chiếm 70%) hoặc sẽ quyết định mua sản phẩm ngay tại chỗ khi bắt gặp (chiếm 30%).

Do đó, theo ông Tiến, việc chuyển mình trong hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm OCOP là xu thế tất yếu. Nghệ nhân phải kể được câu chuyện về sản phẩm do mình tạo ra, giúp người tiêu dùng hiểu thấu đáo giá trị thực của sản phẩm. Từ đó đưa ra quyết định mua mà không phân vân việc mình đã chi một số tiền không nhỏ.

Tuy nhiên, nếu chỉ thuần túy duy trì cách quảng bá, trưng bày, giới thiệu thì hiệu quả không cao. Các nền tảng mạng xã hội có những bộ công cụ thông minh giúp lưu giữ toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm một cách sinh động.

“Một đoạn video công phu, tỉ mỉ với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng sống động sẽ giúp nghệ nhân kể câu chuyện của mình được với nhiều người một cách dễ dàng nhất mà không mất đi cảm xúc ban đầu.

Việc hình thành một kênh bán hàng mới sẽ giúp sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm OCOP có thêm cánh tay nối dài để đến gần hơn với người tiêu dùng, nhất là thế hệ trẻ”, ông Tiến nhấn mạnh.

Ngày 1/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 919/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025 (OCOP).

Chương trình OCOP với mục tiêu đạt được ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP vào năm 2025 là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng nhất của chương trình OCOP là tăng cường chuyển đổi số như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông;

Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp, đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương; triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP.

Phương Anh

Báo Lao động và Xã hội số 7

Tin liên quan
Thích nghi với nền kinh tế số

Thích nghi với nền kinh tế số

(LĐXH) - Nền kinh tế số được vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt đó là các giao dịch điện tử trên internet.
Năm 2025: Bùng nổ nhu cầu nhân lực số

Năm 2025: Bùng nổ nhu cầu nhân lực số

(LĐXH) - Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang phát triển mạnh mẽ ở tất cả các ngành, vì thế nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực này sẽ tăng mạnh...