Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Làm gì để đón “nền kinh tế bạc”?

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Việt Nam đang chuyển đổi nhanh chóng từ thời kỳ dân số vàng sang xã hội già hơn, khi tỷ lệ sinh giảm đáng kể trong thời gian dài.

Sự già hóa dân số đặt ra nhiều thách thức về kinh tế, xã hội nhưng cũng là cơ hội vàng để Việt Nam phát triển nền kinh tế bạc.

Việt Nam bước sang xã hội già vào năm 2036

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), từ năm 2011, Việt Nam bắt đầu quá trình già hóa dân số.

Dự kiến vào năm 2036, Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20% hoặc tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 14%; đến năm 2049, Việt Nam trở thành xã hội siêu già với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 25% hoặc tỷ lệ người từ 65 trở lên chiếm trên 20% tổng dân số. 

Theo dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam là 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069.  

cham soc sk.jpg
Cần nhân rộng mô hình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Điểm cơ bản tạo ra các thách thức đối với Việt Nam là nước ta chỉ có khoảng 20 năm để chuyển từ xã hội già hóa dân số sang xã hội dân số già, trong khi Pháp là 115 năm, Thụy Điển 89 năm, Mỹ 69 năm...

Như vậy, trong khi các nước có hàng trăm năm hoặc hơn nửa thế kỷ để từng bước thay đổi chính sách, ứng phó với sự già hóa, thì Việt Nam chỉ có khoảng 1/4 thế kỷ. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải có các chính sách thích ứng tức thời, vừa trực diện vào những tác động của già hóa dân số, vừa mang tính dài hơi.

Thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho thấy tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm.

Người cao tuổi đối mặt với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc bệnh mạn tính như mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, thoái hóa khớp, ung thư...

Về khả năng chi tiêu, người cao tuổi thường có nguồn thu từ lương hưu, tiết kiệm và đầu tư; khả năng chi tiêu của họ phụ thuộc vào mức độ ổn định và kế hoạch tài chính cá nhân. Về thói quen tiêu dùng, những năm gần đây đã có sự chuyển dịch trong hành vi tiêu dùng của người cao tuổi, với xu hướng tăng chi tiêu cho sức khỏe, du lịch, giáo dục và giải trí.

Cần chuẩn bị gì?

TS Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) khẳng định, sự già hóa dân số, những đặc điểm riêng của nhóm đối tượng người cao tuổi đặt ra nhiều thách thức về kinh tế, xã hội nhưng cũng là cơ hội vàng để Việt Nam phát triển nền kinh tế bạc.

“Trên cơ sở điều kiện thực tế của Việt Nam và kinh nghiệm của một số nước, ở giai đoạn hiện nay, Việt Nam nên bắt tay ngay vào nghiên cứu, đưa ra tầm nhìn, xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể để kích hoạt và phát triển nền kinh tế bạc” TS Đoàn Văn Bình nhấn mạnh.

Đưa ra các đề xuất chính sách gợi mở cho Việt Nam để đón đầu nền kinh tế bạc, TS Bình cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu kinh nghiệm thế giới, đưa ra tầm nhìn, nhận thức về nền kinh tế bạc. Để phát triển toàn diện nền kinh tế bạc tại Việt Nam, trước hết cần có tầm nhìn, nhận thức chính xác, đầy đủ về nhu cầu, động lực, định hướng của nền kinh tế bạc.

“Sự trỗi dậy của nền kinh tế bạc phản ánh sự đánh giá lại của xã hội đối với người cao tuổi. Xã hội không còn coi họ là gánh nặng kinh tế mà thay vào đó ghi nhận sự đóng góp của họ cho xã hội và tiềm năng của họ với tư cách là người tiêu dùng” TS Bình khẳng định.

Tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi; phát triển mạnh hệ thống chuyên ngành Lão khoa trong các cơ sở y tế. Khuyến khích phát triển cơ sở chăm sóc người cao tuổi; cung cấp các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, giải trí của người cao tuổi.

Tiếp tục xây dựng các chính sách tổng hợp hướng tới việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, phát huy vai trò của họ trong xã hội và khai thác các tiềm năng kinh tế từ nhóm này.

Cần xác định vai trò của nền kinh tế bạc trong tổng thể nền kinh tế quốc dân, xây dựng chiến lược trong đó có Chiến lược quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2030 - 2050, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để kích hoạt và phát triển nền kinh tế bạc.

Cần hoàn thiện và xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế, định mức dự toán cho các sản phẩm và dịch vụ phục vụ người cao tuổi, chú ý các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế công trình và phương tiện công cộng như vỉa hè, lối đi, phương tiện giao thông, nhà ở, bãi biển, công viên… phù hợp, thân thiện với người cao tuổi, người tàn tật.

Cần quy hoạch xây dựng các trung tâm điều dưỡng, dưỡng lão khắp cả nước như quy hoạch trường học, cơ sở y tế để đảm bảo khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc của người cao tuổi; phát triển hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.

Chính phủ có thể cung cấp vốn và hỗ trợ kỹ thuật cho các công ty khởi nghiệp tập trung vào việc phát triển công nghệ dành riêng cho người cao tuổi, như các nền tảng chăm sóc sức khỏe trực tuyến hoặc hệ thống học trực tuyến; nhận chuyển nhượng các phát minh, sáng chế trong lĩnh vực phục vụ người cao tuổi.

Nghiên cứu ban hành chính sách, pháp luật về bảo hiểm, phúc lợi xã hội chăm sóc dưỡng lão; hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế với người cao tuổi; có chính sách ưu đãi thuế, phí với các ngành sản xuất sản phẩm, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động là người cao tuổi...

“Nền kinh tế bạc” đề cập đến các sản phẩm và dịch vụ được thiết kế để phục vụ những người từ trung niên trở lên, với đặc điểm chung là mái tóc bạc.

Tại nhiều quốc gia, khi dân số già hóa và số lượng người cao tuổi không ngừng tăng đã tác động đến nhiều lĩnh vực của kinh tế: Giải trí, giao thông, thực phẩm, an ninh, y tế, nhà ở, bảo hiểm, dịch vụ kỹ thuật số...

Rất nhiều lĩnh vực, ngoài giá trị xã hội, còn tạo ra cơ hội đầu tư, khởi nghiệp và tạo việc làm.

 

Phương Anh

Báo Lao động và Xã hội số 94

Tin liên quan
Tiềm năng từ nền kinh tế “bạc”

Tiềm năng từ nền kinh tế “bạc”

(LĐXH) - Có thể nói sự già hóa dân số không chỉ là những thách thức mà điều này cũng là "cơ hội vàng" để Việt Nam phát triển nền kinh tế "bạc".