Theo NSND Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL), Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 được tổ chức nhằm phát hiện những tìm tòi, sáng tạo mới trong lao động nghệ thuật, tôn vinh tài năng sân khấu kịch nói.
Từ đó tìm ra giải pháp và phương thức hoạt động phù hợp thúc đẩy sự phát triển của sân khấu kịch, dựa trên chức năng nhiệm vụ, điều kiện thực tế của mỗi đơn vị nghệ thuật.
Đây cũng là dịp để các đơn vị nghệ thuật tìm kiếm, thu hút, bồi dưỡng lực lượng nghệ sĩ, diễn viên kế cận; cơ hội để nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng biểu diễn nghệ thuật.
Liên hoan năm nay có 20 đơn vị nghệ thuật kịch nói chuyên nghiệp tham gia 24 vở diễn. Đây đều là các đơn vị nghệ thuật kịch nói chuyên nghiệp trong và ngoài công lập; các đơn vị nghệ thuật trung ương và địa phương.
Các nghệ sĩ, diễn viên đóng vai chính, thứ chính trong các vở diễn tham gia liên hoan là những người được đào tạo chuyên môn, chuyên ngành hoặc đã tham gia biểu diễn nghệ thuật kịch nói liên tục từ 3 năm trở lên tại đơn vị nghệ thuật có tư cách pháp nhân.
Theo NSND Trần Ly Ly, các vở diễn tham gia liên hoan không hạn chế đề tài, đều được dàn dựng mới hoặc được phục dựng với đội ngũ sáng tạo mới từ năm 2017 đến nay; chưa tham gia các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp.
Đặc biệt, liên hoan lần này không sử dụng kịch bản sáng tác trước năm 2005 và kịch bản của nước ngoài.
Thời gian qua, sân khấu đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, sân khấu kịch Việt Nam có sự “tụt hậu” rất xa so với sân khấu thế giới.
Từ những hoạt động của giới làm nghề như liên hoan kịch nói toàn quốc, công chúng chờ đợi sự thay đổi của những người làm nghề chân chính, phát hiện, tôn vinh những kịch mục hay, mới lạ...
Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông, kịch nói đã có được một lực lượng nghệ sĩ tài hoa, nhiệt huyết với nghề, không chỉ góp phần sáng tạo tác phẩm kịch mà còn đóng góp không nhỏ cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, được nhiều thế hệ khán giả yêu mến, hâm mộ, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đóng vai trò quan trọng đối với nền sân khấu cách mạng nói riêng, nền văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng xu thế hiện nay, do yêu cầu mới và phát triển, nghệ thuật kịch nói đang đứng trước sự đòi hỏi ngày một nghiêm túc và khắt khe của khán giả.
Sân khấu nói chung và lĩnh vực kịch nói riêng cũng cần giải quyết nhiều vấn đề, thách thức lớn mà trước hết và quan trọng nhất là không ngừng sáng tạo nên những tác phẩm có ý nghĩa về nội dung, giá trị về nghệ thuật, để kịp thời phản ánh những yếu tố mới của hiện thực cuộc sống hôm nay, vừa đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận, thưởng thức của đông đảo khán giả.
Vũ Hà
Báo Lao động Xã hội số 69