Thời gian gần đây, nhiều người đã trở thành nạn nhân của các cuộc lừa đảo tài chính sử dụng Deepfake và có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo (AI).
Các đối tượng lừa đảo sử dụng AI để tạo sẵn một đoạn video giả mạo gương mặt và giọng nói của chủ tài khoản Facebook (Deepfake) để lừa đảo tài chính người dùng.
Theo các chuyên gia, mức độ phức tạp của các kịch bản lừa đảo khi kết hợp giữa Deepfake và GPT sẽ ngày càng cao, khiến việc nhận diện lừa đảo sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Trên thế giới đã ghi nhận được không ít những trường hợp nạn nhân của phương thức Deepfake, nhiều người đã bị lừa từ hàng chục ngàn cho đến hàng triệu USD. Chỉ tính riêng trong năm 2022, các đối tượng lừa đảo sử dụng phương thức deepfake bằng giọng nói chiếm đoạt tài sản ước tính để lên tới khoảng 11 triệu USD.
Ở Việt Nam, các chiêu trò lừa đảo bằng deepfake đã bắt đầu xuất hiện ngày càng tinh vi, với nhiều nạn nhân trên cả nước. Tình trạng này nghiêm trọng đến mức, chính quyền ở một số địa phương đã phải phát đi cảnh báo về những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ deepfake tới người dân.
Do hình thức lừa đảo của các đối tượng ngày càng tinh vi, người dân cần lưu ý, ngay cả khi bạn thực hiện một cuộc gọi video và thấy mặt người thân hay bạn bè, nghe đúng giọng nói của họ thì cũng không hẳn bạn đang nói chuyện với chính người đó.
Để ngăn chặn tình trạng lừa đảo bằng hình thức trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã liên tục đưa ra những cảnh báo.
Cụ thể, người dùng cần đặc biệt nâng cao cảnh giác, không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân như: CCCD, tài khoản ngân hàng, mã OTP…cho bất kỳ đối tượng nào.
Tuyệt đối không chuyển tiền cho người khác khi chưa kiểm chứng lại thông tin, ngay cả khi đúng tên chủ tài khoản. Khi có yêu cầu vay hoặc chuyển tiền vào tài khoản, nhất định người dùng phải xác thực lại thông tin bằng cách gọi điện thoại hay liên lạc bằng các kênh khác để xác nhận lại.
Được biết, mới đây, một nạn nhân tên H. tại Hà Nội đã sập bẫy của đối tượng lừa đảo bằng hình thức sử dụng AI để tạo sẵn một đoạn video giả mạo gương mặt và giọng nói của chủ tài khoản Facebook (Deepfake).
H. kể lại, sau khi trò chuyện với bạn qua Messenger, người bạn của H. đã chào và kết thúc câu chuyện. Tuy nhiên, ngay sau đó lại đột nhiên quay lại nhắn tin, hỏi vay tiền và đề nghị chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng.
Dù tên tài khoản được đối tượng lừa đảo cung cấp trùng khớp với tên của bạn mình đang trò chuyện, nhưng H. vẫn yêu cầu gọi video để xác thực lại. Người bạn đồng ý ngay và cuộc gọi chỉ kéo dài vài giây, người bạn giải thích là do sóng internet yếu.
Lúc này đối tượng lừa đảo đã tạo sự tin tưởng hoàn toàn cho H.. H chuyển tiền và chỉ sau khi chuyển tiền thành công, H. mới biết mình đã mắc bẫy của hacker.
Không chỉ H. mà nhiều nạn nhân khác là bạn bè, người thân của người bạn H. cũng bị lừa theo cách tương tự. Số tiền kẻ xấu lừa được từ tài khoản Facebook đó lên tới hàng chục triệu đồng.
Theo các chuyên gia của Bkav, trong trường hợp của H., các đối tượng xấu đã kiểm soát được tài khoản Facebook nhưng không lập tức chiếm đoạt hoàn toàn mà âm thầm theo dõi, chờ cơ hội giả làm nạn nhân để hỏi vay tiền bạn bè, người thân của họ.
Các đối tượng sử dụng AI để tạo sẵn một đoạn video giả mạo gương mặt và giọng nói của chủ tài khoản Facebook (Deepfake). Khi được yêu cầu gọi điện video call để chứng thực, đối tượng đồng ý nhận cuộc gọi nhưng sau đó nhanh chóng ngắt kết nối để tránh bị phát hiện.