Theo đó, cho phép công dân nước ngoài đến thăm 6 quốc gia bằng một thị thực duy nhất và di chuyển giữa các quốc gia này trong thời hạn thị thực.
Thu hút thêm nhiều khách quốc tế
Đánh giá về đề xuất thị thực chung này, TS Nuno F. Ribeiro, giảng viên cấp cao ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Khoa Kinh doanh của Đại học RMIT cho rằng, thị thực chung này sẽ cho phép công dân nước ngoài đến thăm 6 quốc gia bằng một thị thực duy nhất và di chuyển giữa các quốc gia này trong thời hạn thị thực.

Một lợi ích chính cho Việt Nam khi triển khai thị thực chung này là tiềm năng thúc đẩy du lịch. Thỏa thuận này dự kiến tăng số lượng khách du lịch quốc tế, đặc biệt là từ các thị trường có thu nhập cao và khoảng cách địa lý xa mà Việt Nam đang mong muốn thu hút như châu Âu và Bắc Mỹ.
Những du khách này có thể chọn đến thăm Việt Nam như một phần trong kế hoạch du lịch Đông Nam Á của họ.
Qua đó, khoản thu từ du khách sẽ tăng, mang lại lợi ích cho nền kinh tế và cán cân thanh toán của Việt Nam. Ngoài ra, thị thực chung có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn và thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần nâng cao tính năng động của ngành du lịch và nền kinh tế nói chung.
TS Ribeiro còn là Chủ tịch Tiểu ban du lịch và nhà hàng khách sạn của EuroCham Việt Nam - nhìn nhận lợi ích chính cho Việt Nam khi triển khai thị thực chung này là tiềm năng thúc đẩy du lịch.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sơn Thuỷ, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch duy nhất Đông Dương cho biết, chương trình thị thực này nếu thành hiện thực sẽ mang lại lợi ích rất rõ ràng cho cả doanh nghiệp lẫn khách du lịch trong khối ASEAN.
Thái Lan luôn là cửa ngõ mà nhiều khách du lịch quốc tế muốn tới. Do đó, nếu vào Thái Lan và được phép tự do đi các nước khác trong khối 6 nước này, du khách sẽ muốn đi thăm các nước khác do sự kết nối đường bộ khá tốt tại đây.
“Có rất nhiều thị trường mà khách muốn đi nhiều nước. Đơn cử, trong quá trình làm tôi thấy du khách các nước châu Âu, Úc, Ấn Độ, Mỹ đi từ nước này qua nước khác thường xuyên. Cùng với đó, kỳ nghỉ của họ kéo dài, 10 ngày, thậm chí 21 ngày, nên họ có nhu cầu đi nhiều nước cùng lúc”, ông Thủy cho biết thêm.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO) ước tính rằng việc đơn giản hóa quy trình cấp thị thực có thể giúp gia tăng đáng kể lượng du khách quốc tế đến ASEAN, cũng như doanh thu từ du lịch và số việc làm được tạo ra.
Nghiên cứu này dự báo lượt khách quốc tế tăng 3,0 - 5,1%, doanh thu du lịch tăng 2,8 - 4,7% và số việc làm tăng 1,6 - 3,1%.
Cơ hội cho du lịch Việt Nam
Theo thống kê, năm 2023, 6 quốc gia Đông Nam Á đón 70 triệu lượt khách quốc tế, trong đó Thái Lan và Malaysia chiếm hơn 50% về lượng khách và doanh thu (48 tỷ USD). Nếu thỏa thuận thị thực mới thành công, chỉ cần 50% số khách quốc tế đến Thái Lan và Malaysia ghé thăm Việt Nam, thì ngành du lịch Việt sẽ bội thu khách quốc tế.
Giảng viên cấp cao của Đại học RMIT cho rằng, Việt Nam cần thực hiện một số bước chuẩn bị để sẵn sàng tận dụng các cơ hội mà thị thực chung mang lại, bao gồm thiết lập các hiệp định song phương và đa phương với các nước ASEAN và các quốc gia khác.
Việt Nam và các nước thành viên khác cần xác định khung pháp lý, giải quyết các mối quan ngại chung về an ninh và giám sát, đồng thời đảm bảo tính tương thích của các chính sách thị thực.
Các quốc gia tham gia phải đồng ý với các quy tắc nhập cảnh chung dành cho du khách đến từ nước thứ ba và điều chỉnh đồng bộ các chính sách nhập cảnh dành cho du khách quốc tế đến nước họ. Họ cũng phải hài hòa hóa cơ sở hạ tầng công nghệ và bảo mật của mình.
Theo TS Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TPHCM, thị thực chung khi được thực hiện sẽ nâng cao sức cạnh tranh của khu vực, hình thành tour tuyến xuyên quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, Việt Nam và các nước có cơ hội đón được dòng khách có thời gian lưu trú và chi tiêu cao, đồng thời tạo tâm lý thoải mái cho du khách.
“Để làm được những điều này đòi hỏi sự đồng bộ dữ liệu thông tin du lịch với 5 nước còn lại. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam chuyển hóa dữ liệu, phù hợp với xu thế hiện nay. Vì vậy, trước tiên Việt Nam cần đẩy mạnh, nâng cao việc ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch để có thể đồng bộ hóa dữ liệu chung với các nước còn lại. Công nghệ Việt Nam vẫn đang ngoài cuộc so với 5 nước còn lại", TS Dương Đức Minh đề xuất thêm.
Nếu việc áp dụng thị thực chung trở thành hiện thực, Chủ tịch Tiểu ban du lịch và nhà hàng khách sạn của EuroCham Việt Nam khuyến nghị Việt Nam nên chuẩn bị cho tiềm năng lượng khách du lịch quốc tế sẽ tăng cao.
Điều này đồng nghĩa với việc cần nâng cấp cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông, tập trung vào phát triển mạng lưới kết nối các phương thức vận tải khác nhau và cùng một phương thức vận tải.
Châu Anh
Báo Lao động và Xã hội số 82