Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mùa hoa sữa về thơm từng góc phố…

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Đông đến, góc phố ấy lại ngạt ngào mùi hoa sữa trong những đêm mưa cuối mùa.

Loài hoa từ xứ Bắc di cư vào phương Nam đầy nắng gió vẫn giữ vẹn nguyên sự nồng nàn, ngọt ngào, trinh nguyên như mối tình đầu…

Cách đây chừng 20 năm, những người Hà Nội xa xứ mỗi khi nhớ quê thường “kiếm cớ” đi qua đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) để ngắm nhìn cây hoa sữa hiếm hoi giữa Sài thành. Nhưng chẳng hiểu sao, cây hoa sữa ấy đã lớn, thân hình vạm vỡ nhưng suốt bao năm không hề trổ hoa. 

Mùa hoa sữa về thơm từng góc phố… - 1

Cuộc sống mưu sinh giữa thành phố xô bồ này dần khiến nhiều người tạm gác sang một bên nỗi nhớ cồn cào mùi hương hoa thân quen thuở ấu thơ, để rồi có lúc lại bùng lên mãnh liệt khi gặp lại mùi hương ấy trên góc phố nhỏ ở TP Thủ Đức - đường Xuân Thủy, phường Thảo Điền.

Như để bù trừ cho những lãng quên một thời vất vả ngược xuôi của người xa xứ, cây hoa sữa ấy mỗi mùa đông không chỉ trổ hoa, tỏa hương một lần. Hễ có đợt gió mùa đông bắc từ phương Bắc còn rơi rớt lại chút ít ở vùng đất phương Nam, khi tiết trời se se trở lạnh, nó lại trổ những chùm hoa trắng muốt, lại tỏa hương ngào ngạt.

Chỉ trong hai tháng 11 và 12 âm lịch, cây hoa ấy trổ hoa tới 4 - 5 lần. Đến nỗi, một chị người gốc Hà Nội bán xôi xéo ở trước ngôi nhà có cây hoa sữa cũng phải ngạc nhiên. “Cứ mỗi lần hoa nở, tôi lại nhớ nhà da diết, chỉ muốn bỏ tất cả đề chạy ùa về với kỷ niệm tuổi thơ”, chị thổn thức…

Con đường Xuân Thủy không dài cũng chẳng rộng, mới mở cách đây chừng 25 năm. Vậy nhưng có lẽ vì nó là một trong những tuyến đường chính của khu Thảo Điền - một trong những khu “quý tộc” ở Sài Gòn nên được nhiều người biết tới. 

Trước đây, đường Xuân Thủy không quá đông đúc vào ban ngày, về đêm càng vắng vẻ, tĩnh lặng. Nhưng từ những nhà hàng sang trọng đến quán xá bình dân trên con đường này lại luôn đắt khách. Người ta đến quán, lặng ngắm nhìn cảnh vật, thư thái thả hồn theo những làn gió nhẹ đưa trên tán cây, để tâm hồn tha hồ bay bổng khi không còn vướng bận với những ồn ào phố thị… 

Mặc dù không được gọi là “phố Tây” nhưng những vị khách qua lại con đường này có đến phân nửa là người ngoại quốc. Hầu hết ở lại Việt Nam làm ăn lâu năm, chọn khu Thảo Điền để sinh sống.

Trong số đó, nhiều người là giám đốc, tổng giám đốc hoặc giữ các chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp nên kiểu “ăn chơi” của họ khác hẳn với cánh “tây ba lô” ở Phạm Ngũ Lão (quận 1).

Tối tối, họ hẹn nhau ra mấy nhà hàng đậm “chất tây” để nhâm nhi ly rượu hay cùng gia đình ăn kem Fanny để tận hưởng thú vui của những giờ phút rảnh rỗi hiếm hoi. Nhiều người còn tranh thủ tìm hiểu về nền ẩm thực đặc thù của Việt Nam.

Chị Kim Tính, chủ quán hột vịt lộn Kim Thảo được mệnh danh là “quán hột vịt lộn nổi tiếng nhất Sài Gòn” kể: “Rất lạ là quán của tôi thỉnh thoảng lại có những vị khách tây. Ban đầu họ chỉ đến với những người bạn Việt Nam, ngồi và… xem bạn mình say sưa xơi cái món ăn được xếp vào nhóm “những món ăn… kinh dị nhất”.

Nhưng chỉ một thời gian sau, có lẽ vì “cầm lòng chẳng đặng” nên họ cũng… đánh liều làm thử một trái, thấy ngon làm thêm trái nữa… Đến giờ, rất nhiều khách tây khoái món hột vịt lộn, có người ăn cả chục trái một lần”.

Cách vịt lộn Kim Thảo vài bước chân là quán Huế Corner với nhiều món đặc sản của xứ Huế đậm đặc mùi mắm ruốc. Trước kia, khi quán mới mở bán buổi sáng chỉ toàn khách Việt nhưng vì giá khá đắt nên thường bị… ế.

Vậy mà về sau, quán rất đông khách cả sáng và tối, đa số là khách tây. Những món ăn đậm đặc chất Việt đã thực sự chinh phục những vị khách đến từ phương xa vốn rất kỹ tính trong chuyện ăn uống. Có lẽ phần nào nhờ vào cái “duyên” của con phố nhìn bề ngoài vắng vẻ nhưng lại có những dòng chảy ngầm xao xiết trong đêm…

Mùa hoa sữa về thơm từng góc phố… - 2

Những năm trước, con đường được chia thành hai phần rõ rệt: Giao lộ cắt ngang con đường mang tên nghệ sĩ Quốc Hương chính là lằn ranh chia thành hai nửa. Từ cầu Sài Gòn đi vào, phía bên phải là khu “quý tộc”, với những villa kín cổng cao tường, nhà hàng sang trọng.

Phía bên trái còn nhiều nhà nhỏ, có lẽ vì quy hoạch treo, cuộc sống cũng dân dã hơn với những quán cóc, hàng trái cây, rau cỏ ở trước cửa những căn nhà phố nhỏ hẹp. Ngay cả những căn biệt thự có diện tích hàng nghìn mét vuông ở khu này cũng có vẻ “cởi mở” hơn.

Thế nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, khi con đường này chính thức trở thành “phố đêm” thì rất nhiều dịch vụ, hoạt động đã được phát triển, sôi nổi thâu đêm suốt sáng.

Đoạn đường từ giao lộ Quốc Hương kéo dài ra tận bờ sông Sài Gòn được chỉnh trang với nhiều căn biệt thự sang trọng, nhiều điểm dịch vụ mang phong cách Nhật - Hàn hay phương tây mọc lên ngày càng nhiều.

Khách tây đến cư ngụ và thăm thú khu Thảo Điền ngày một đông đúc. Anh F. Johnson, giám đốc người Anh cho biết, cứ sau mỗi chuyến đi công tác xa, anh lại thích tản bộ hơn 2km từ căn biệt thự gắn bó với mình suốt 7 năm nay, qua quãng đường vắng để tìm mùi hương hoa sữa, rồi đến quán cà phê Trịnh nghe Tuấn Ngọc hát.

“Tháng sau, tôi phải chuyển sang làm việc ở Thái Lan nhưng nếu có dịp thì tôi sẽ cố gắng trở về con phố này. Nó đã trở thành một phần cuộc sống của tôi, từ hương hoa sữa, những trái vịt lộn, tô bún bò Huế cho tới những người bạn thân thiện, dễ mến. Phải chia tay, tôi tiếc và nhớ lắm…”, anh chia sẻ.

Mặc dù con đường đã khoác lên mình tấm áo mới, sang trọng và sôi động hơn trước nhiều nhưng hương hoa sữa mỗi độ đông về vẫn là nét đặc trưng của con đường này. Hương hoa nồng nàn tỏa ngát đêm mát lạnh càng khiến phố đêm Thảo Điền thêm phần diễm lệ, níu bước khách thập phương…

Nguyễn Bảo Khánh Vân

Báo Lao động và Xã hội số 8

Tin liên quan