Theo một báo cáo công bố vào tháng 12/2023 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, tỷ lệ người Mỹ vẫn tiếp tục làm việc dù lớn tuổi đã tăng gấp đôi trong 35 năm qua. Những người từ 65 tuổi trở lên cũng đang làm việc nhiều giờ hơn và kiếm được nhiều tiền hơn so với trước đây.

“Ở khía cạnh nào đó, điều này không có gì đáng ngạc nhiên: Chúng ta đang sống trong một xã hội già đi. Xu hướng hiện nay là những người lớn tuổi có trình độ học vấn tốt hơn, có bằng đại học vẫn tiếp tục làm việc”, Richard Fry, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Pew và là tác giả chính của báo cáo cho biết.
Báo cáo của Pew cho thấy, sự gia tăng người lao động lớn tuổi có trình độ đại học làm những công việc được trả lương cao đã giúp thu hẹp khoảng cách lương giữa người lao động trong độ tuổi nghỉ hưu và người trẻ tuổi.
Những người lao động từ 65 tuổi trở lên có mức lương trung bình mỗi giờ là 22 USD vào năm 2022, chỉ thấp hơn 3 USD so với mức lương trung bình của những người lao động trẻ tuổi. Con số này giảm so với mức chênh lệch 8 USD vào năm 1987.
Tổng cộng, phân tích của Pew cho thấy, 19% người Mỹ từ 65 tuổi trở lên có việc làm trong năm 2023, tăng từ 11% vào năm 1987. Ông Fred Lilikes (65 tuổi, sống ở ngoại ô Phoenix) nghỉ hưu vào tháng 6/2020 và tìm được một công việc toàn thời gian trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Công việc mới mang lại cho ông mục đích sống và sự ổn định tài chính. Ông kiếm được gần gấp đôi số tiền nhận được từ các khoản hưu trí an sinh xã hội. Quan trọng hơn, công việc mang lại cho ông lý do để rời khỏi nhà. “Tôi là kiểu người luôn phải làm gì đó. Tôi không thể ngồi yên”, ông Lilikes chia sẻ.
Một số lý do khiến nhiều người Mỹ vẫn tiếp tục làm việc dù đã lớn tuổi. Những người lớn tuổi ở Mỹ hiện nay khỏe mạnh hơn trước nên họ có thể làm việc lâu hơn. Bản chất công việc cũng đã thay đổi, với công việc văn phòng linh hoạt thay thế công việc đòi hỏi nhiều về thể chất trong các nhà máy và trên cánh đồng.
Những thay đổi về chính sách cũng đóng vai trò nào đó trong xu hướng làm việc của người lớn tuổi ở Mỹ hiện nay. Người Mỹ phải đợi đến 67 tuổi, thay vì 65 tuổi mới được hưởng đầy đủ quyền lợi an sinh xã hội.
Nhiều công ty đã loại bỏ các quỹ hưu trí, vốn cung cấp các khoản thanh toán thường xuyên sau một độ tuổi nhất định. Thay vào đó, họ thiết lập các kế hoạch đóng góp linh hoạt hơn, có xu hướng liên kết với thị trường chứng khoán và các khoản đầu tư khác.
Kết quả là ngay cả khi người lao động sẵn sàng nghỉ hưu, họ vẫn phải xem xét các yếu tố khác như “sức khỏe” của nền kinh tế và thị trường chứng khoán trong việc xác định thời điểm họ rời khỏi thị trường lao động.
“Bây giờ bạn có bao nhiêu tiền để nghỉ hưu lại tùy thuộc vào chu kỳ kinh tế. Điều đó có thể tạo ra động lực để những người lớn tuổi làm việc lâu hơn”, Joanne Song McLaughlin, nhà kinh tế học tại Đại học Buffalo cho biết.
Bà McLaughlin cho biết, nhiều người đang đảm nhận các “công việc cầu nối” hoặc công việc bán thời gian hay các vị trí trong các lĩnh vực hoàn toàn khác để giúp họ chuyển từ công việc chuyên môn sang nghỉ hưu.
“Chế độ nghỉ hưu kiểu cũ - nơi bạn làm việc ở đâu đó trong 40 năm, sau đó họ tổ chức cho bạn một bữa tiệc, tặng bạn chiếc đồng hồ vàng và bạn không bao giờ làm việc nữa - không còn đúng với hầu hết mọi người hiện nay. Người lao động ngày nay có xu hướng nghỉ hưu dần dần, theo từng giai đoạn”, Joseph Quinn, giáo sư kinh tế tại Đại học Boston nhận định.
Cục Thống kê lao động Mỹ dự đoán, người Mỹ lớn tuổi sẽ chiếm 57% mức tăng trưởng lực lượng lao động của cả nước trong thập niên tới. “Những người vẫn ở lại thị trường lao động đang giúp ích cho nền kinh tế. Họ sản xuất ra nhiều dịch vụ và hàng hóa hơn và cuối cùng, đó là nguồn sức mạnh cho đất nước”, chuyên gia Quinn nhận định.
Lý do người lớn tuổi tiếp tục làm việc có thể rất khác nhau. Theo dữ liệu điều tra dân số tại Mỹ, gần một nửa số người trưởng thành từ 55 đến 66 tuổi không có tiền tiết kiệm hưu trí cá nhân tính đến năm 2017, khiến họ không thể ngừng làm việc.
Cũng có những dấu hiệu cho thấy, tỷ lệ người lao động lớn tuổi ngày càng tăng, đặc biệt là ở các vị trí quản lý được trả lương cao đang khiến những người lao động trẻ khó có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Trong một xu hướng gần đây, những sinh viên mới tốt nghiệp đại học có nhiều khả năng bị thất nghiệp trong thị trường việc làm hiện nay.
Thành Đạt (theo Washington Post)
Báo Lao động Xã hội số 51