Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Châu âu nỗ lực đảo ngược cuộc khủng hoảng dân số

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Châu Âu đang tìm cách  đảo ngược cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đe dọa lục địa này trong hàng chục năm tới.

2025 sẽ là năm cuối cùng dân số châu Âu được dự báo tăng trưởng, vì nó dự kiến bắt đầu giảm vào năm 2026, một thống kê cho biết.

Theo Eurostat, cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu, dân số châu Âu dự kiến tiếp tục tăng trưởng cho đến năm 2026, đạt đỉnh ở mức 453,3 triệu người, trước khi dự kiến giảm xuống 419,5 triệu người vào năm 2100.

Cùng với việc dân số tăng nhanh hơn ở các quốc gia khác, có nghĩa EU sẽ chỉ chiếm 4,1% dân số toàn cầu vào thời điểm đó. 

Châu âu nỗ lực đảo ngược cuộc khủng hoảng dân số - 1
Châu Âu đang đối mặt với nguy cơ sụt giảm dân số từ năm 2026. Ảnh minh họa: Reuters

Để so sánh, EU chiếm 10% dân số thế giới vào năm 1974 và giảm xuống còn 5,6% vào năm 2023. Có nhiều lý do dẫn đến hiện tượng này, nhưng nguyên nhân chính là do tỷ lệ tử vong cao hơn tỷ lệ sinh ở châu Âu. Nhiều quốc gia châu Âu đang tìm biện pháp để khắc phục tình trạng dân số sụt giảm và ngăn cản những hệ lụy có thể xảy ra.

Ở các nước phát triển, trung bình 2,1 ca sinh trên một phụ nữ được coi là tỷ lệ sinh lý tưởng để đảm bảo dân số bền vững, nhưng phụ nữ châu Âu có tỷ lệ sinh trung bình là 1,52. 

Con số này không bao gồm tác động của di cư, vốn là động lực thúc đẩy mức tăng trưởng dân số 1,7% mà châu Âu đã ghi nhận trong giai đoạn 2013 - 2023. Khi dân số châu Âu già đi, số lượng người trong độ tuổi lao động đang giảm.

Điều này có nghĩa là ít người đóng góp cho ngân sách nhà nước thông qua thuế, khoản rất cần thiết để chi trả lương hưu và chăm sóc sức khỏe của nhóm dân số già ngày càng tăng.

Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đang giảm được gọi là "gánh nặng nhân khẩu học", theo Population Europe, một mạng lưới các trung tâm nghiên cứu nhân khẩu học hàng đầu của châu lục này.

Điều này có thể có "tác động tiêu cực đến mức sống, được đo bằng GDP bình quân đầu người", mạng lưới này cho biết. 

TS Theodore D Cosco, nghiên cứu viên tại Viện Lão hóa Dân số thuộc Đại học Oxford nói với Newsweek rằng: "Dân số già hóa ở châu Âu gây ra ít rủi ro kinh tế hơn mức lo ngại nếu tính đến năng suất, được thúc đẩy bởi giáo dục và sự tham gia của lực lượng lao động. Một ví dụ có thể kể đến là chính sách khuyến khích phụ nữ và người cao tuổi tham gia lao động". 

Tương tự, nhà nhân khẩu học Anne Goujon từ Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế đã nói với Newsweek rằng "nhiều thông số có thể giúp giảm thiểu tác động của sự suy giảm dân số".

Tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, đặc biệt là phụ nữ, tăng trình độ học vấn, tăng tuổi nghỉ hưu và đào tạo trong suốt cuộc đời là một số ví dụ mà bà và nhà nghiên cứu Guillaume Marois đã khuyến nghị. 

Nhập cư từ lâu đã là yếu tố làm chậm lại sự sụt giảm dân số ở châu Âu, nhưng các chuyên gia cho biết, nhập cư theo cách hiện nay là không đủ để bù đắp cho tình trạng dân số châu Âu giảm sút.

Chuyên gia Goujon cho hay: "Ở các quốc gia Đông Âu, nơi dân số đang suy giảm nhanh nhất, nguyên nhân chủ yếu là do di cư. Ở các quốc gia tiếp nhận, một số quốc gia vẫn có thể chứng kiến sự gia tăng dân số nhẹ (đặc biệt là những quốc gia có mức độ nhập cư cao như Anh, Pháp, Thụy Điển), trong khi một số quốc gia khác có thể chứng kiến sự suy giảm rõ rệt".

Ví dụ, giống như nhiều quốc gia châu Âu khác, tỷ lệ sinh ở Đức là dưới 1,5 vào năm 2022, theo Eurostat. Nhưng dân số của nước này không giảm nhiều như Litva, vì Đức đang tiếp nhận nhiều người di cư hơn trong khi Litva đang đối mặt với tình trạng nhiều người di chuyển tới các quốc gia khác. 

Chuyên gia Cosco khuyến nghị châu Âu cần thu hút "những người di cư có trình độ học vấn cao, hòa nhập tốt để bù đắp cho tình trạng dân số giảm". Việc nhập cư ồ ạt những nhóm dân thiếu sự hòa nhập với cộng đồng bản địa có thể gây ra tác dụng ngược.

"Tập trung vào giáo dục, di cư chiến lược và các chính sách lao động hiệu quả có thể mang lại và duy trì sự ổn định kinh tế bất chấp những thay đổi về nhân khẩu học", ông cho biết.

Chuyên gia Cosco nhận định "khó có thể nói" liệu tình trạng suy giảm dân số ở châu Âu có thể đảo ngược được hay không, lập luận rằng các chiến lược nhập cư nên là trọng tâm.

Theo bà Goujon, việc đảo ngược tình trạng tỷ lệ sinh giảm là khá khó khăn. Bà cũng chỉ ra rằng, việc di cư có thể giúp ích trong thời gian ngắn, nhưng để bù đắp cho lực lượng lao động đang suy giảm, một quốc gia cần có dòng người di cư liên tục trong nhiều năm.

Đức Hoàng (theo Newsweek)

Báo Lao động và Xã hội số 149