Thi hành Luật Phòng, chống ma túy số 73/2021/QH14, các bộ, ngành, địa phương được chỉ đạo triển khai đồng bộ giải pháp, lấy phòng ngừa là chính, đấu tranh ngăn chặn ma túy từ xa, từ sớm là quan trọng để giải quyết tổng thể cả về giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy.

Một số kết quả nổi bật trong công tác cai nghiện ma túy
Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) đã tham mưu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm tổ chức thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành, trọng tâm là công tác cai nghiện ma túy bắt buộc, cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; đặc biệt tập trung rà soát, đánh giá nhu đầu tư nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy, đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo các quy định mới của Luật Phòng, chống ma túy.
Theo đó, Bộ LĐ-TBXH đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 2 Pháp lệnh, 3 Nghị định, 3 Thông tư.
Đến nay, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật liên quan đến lĩnh vực cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy thuộc phạm vi, trách nhiệm của Bộ LĐ-TBXH đã cơ bản đầy đủ và đồng bộ, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy.
Đồng thời, Bộ LĐ-TBXH cũng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với gần 500 lượt người tham gia.
Tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy tại hầu hết các tỉnh, thành phố, trọng tâm hướng đến đội ngũ công chức làm công tác LĐTB&XH cấp huyện, cấp xã được chú trọng.
Ngoài ra, để hướng đến mục tiêu lấy phòng ngừa là chính, Bộ LĐ-TBXH tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền. Tại các địa phương luôn xác định công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Kết quả, cấp phát gần một triệu tài liệu tuyên truyền về phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
Sau 2 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 cho thấy, số lượng người nghiện ma túy tham gia cai nghiện ma túy có xu hướng tăng.
Hiện cả nước có 110 cơ sở cai nghiện ma túy (97 cơ sở cai nghiện công lập và 13 cơ sở cai nghiện do tổ chức, cá nhân thành lập).
Từ năm 2021-2023, các cơ sở cai nghiện đã tổ chức cai nghiện cho 131.718 lượt người. Trong đó, năm 2021 tổ chức cai nghiện cho 36.523/246.648 người nghiện có hồ sơ quản lý, người sử dụng trái phép chất ma túy, tương đương 14,8%. Năm 2022 tổ chức cai nghiện cho 37.562/247.707 người nghiện có hồ sơ quản lý, người sử dụng trái phép chất ma túy, tương đương 15,2%. Năm 2023 tổ chức cai nghiện cho 57.633/214.269 người nghiện có hồ sơ quản lý, người sử dụng trái phép chất ma túy, tương đương 26,9%.
Công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hiện có 444 đơn vị tại 36 tỉnh, thành phố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ, trong đó 439 đơn vị công lập và 5 đơn vị dân lập, tăng 401 đơn vị (tăng 932%) so với năm 2022.

Khó khăn, vướng mắc và hạn chế
Sau 2 năm triển khai thực hiện Luật phòng, chống ma túy và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, Bộ LĐ-TBXH đã tiến hành rà soát, đánh giá và ghi nhận một số khó khăn, hạn chế về công tác cai nghiện ma túy.
Thứ nhất, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho công tác cai nghiện ma tuý còn thiếu so với nhu cầu, chưa đảm bảo yêu cầu tối thiểu theo quy định pháp luậ.
Cả nước có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập, trong đó 3 tỉnh chưa có cơ sở cai nghiện ma tuý (Đắk Nông, Kon Tum, Hậu Giang). 16/97 cơ sở không đủ diện tích đất tự nhiên để tổ chức hoạt động theo quy định. 65/97 cơ sở không đủ diện tích xây dựng phòng ở để tổ chức hoạt động theo quy định.
Hầu hết các cơ sở hiện nay chưa đáp ứng đủ trang thiết bị tối thiểu theo quy định, đặc biệt là trang thiết bị phục vụ cho công tác khám, điều trị, cai nghiện ma túy.
Hiện nay, mới có 36 tỉnh, thành phố công bố đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện ma tuý tự nguyện theo quy định (444 tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng); có 13 cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập với quy mô khiêm tốn (từ 100 đến 300 học viên, trong đó quy mô 300 học viên là 2 cơ sở).
Thứ hai, đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai phần lớn chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về cai nghiện và quản lý sau cai. Chương trình, tài liệu tập huấn chuyên sâu về cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma tuý chưa phù hợp, thống nhất nên hiệu quả, chất lượng công tác cai nghiện ma tuý còn rất hạn chế.
Toàn quốc có hơn 1.600 cán bộ tại Phòng LĐ-TBXH cấp huyện, 24.000 cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Phần lớn những người này mới được giao thêm nhiệm vụ tham gia công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy nhưng chưa được đào tạo, tập huấn về công tác này.
Đội ngũ cán bộ y tế tại cộng đồng, các trại giam, trại tạm giam trong quá trình quản lý, cung cấp dịch vụ cai nghiện cho người tự nguyện cai nghiện, phạm nhân là người nghiện ma túy chưa được tập huấn các kiến thức, kỹ năng về tư vấn, tâm lý trị liệu, điều trị cắt cơn, điều trị các rối loạn tâm thần do nghiện ma túy…
Bên cạnh đó, còn hơn 600 thẩm phán cấp huyện tham gia xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc nhưng đa số chưa được tập huấn kiến thức về cai nghiện ma túy, quy trình cai nghiện ma tuý. Do vậy, trong quá trình xem xét, quyết định thời hạn cai nghiện ma tuý, miễn, hoãn, giảm thời gian cai nghiện ở một số địa phương chưa thống nhất, ảnh hưởng đến kết quả, hiệu quả công tác cai nghiện.
Thứ ba, tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai tại nơi cư trú gặp nhiều khó khăn, bất cập do cấp huyện, cấp xã rất khó khăn trong việc bố trí nguồn lực (kinh phí, nhân lực thực hiện) và cách thức tổ chức thực hiện (xây dựng quy trình, tổ chức dịch vụ, đánh giá…); chưa xây dựng được nhiều mô hình thí điểm trong tổ chức thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, mô hình quản lý, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người người sau cai nghiện tại các địa phương để đánh giá, triển khai, nhân rộng tại 63 tỉnh, thành phố.
Thứ tư, chưa xây dựng hệ thống thông tin về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy để đảm bảo tính dễ tiếp cận về thông tin dịch vụ cai nghiện cũng như sử dụng dịch vụ cai nghiện (đăng ký cai nghiện tự nguyện, cung cấp dịch vụ tư vấn cai nghiện trên các nền tảng trực tuyến….).
Mặt khác, người nghiện ma tuý có tính di biến động cao nên việc quản lý thống nhất qua cơ sở dữ liệu người nghiện ma tuý liên kết với cơ sở dữ liệu dân cư (định danh) sẽ đảm bảo tính kịp thời, chính xác và hiệu quả.
Thứ năm, việc triển khai công tác trợ giúp pháp lý trong phòng, chống ma túy hiệu quả còn hạn chế. Số lượng người thuộc diện trợ giúp pháp lý trong vụ việc có liên quan đến ma túy biết và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình còn thấp. Kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý về phòng chống ma tuý của người thực hiện trợ giúp pháp lý còn hạn chế.
Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp
Thực tế hiện nay, tình hình tệ nạn ma túy, người sử dụng và người nghiện ma túy có nhiều diễn biến phức tạp, tình trạng người nghiện và người sử dụng ma túy tổng hợp không những không giảm mà còn gia tăng.
Ngoài nghiện thuốc phiện, heroin, nghiện ma túy tổng hợp, nhóm chất kích thích dạng Amphetamine (ATS) và các chất hướng thần khác đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều, gây rối loạn tâm thần và nguy cơ mất an ninh trật tự. Dự báo trong thời gian tới sẽ gia tăng số người tham gia cai nghiện ma túy.
Để thực hiện hiệu quả Luật Phòng chống ma túy năm 2021 cũng như nâng cao hiệu quả công cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy, trước mắt các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt một số nội dung.
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo trong việc tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
Thứ hai, tổ chức triển khai có hiệu quả Quyết định số 966/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng về Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có quy hoạch hệ thống cơ sở cai nghiện ma túy.
Thứ ba, khẩn trương tiến hành sơ kết 2 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành; rà soát, đánh giá, tổng hợp báo cáo Thủ tướng, Chính phủ các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
Thứ tư, tiếp tục nhân rộng các mô hình hỗ trợ cai nghiện hiệu quả, tạo điều kiện kết nối người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy tham gia các dịch vụ cai nghiện ngay tại cộng đồng.
Thứ năm, đối với chủ trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, Bộ LĐ-TBXH cần đề xuất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau:
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, gồm: hỗ trợ cơ sở cai nghiện ma túy công lập xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đảm bảo các điều kiện thực hiện công tác cai nghiện ma túy.
Thứ hai là phát triển hệ thống dịch vụ cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và các mô hình tổ chức công tác cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
Thứ ba là biên soạn các chương trình, tài liệu tập huấn, hướng dẫn, cập nhật kiến thức, công nghệ, kỹ năng và tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đối với người làm công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy.
Thứ tư là xây dựng thí điểm các mô hình quản lý, phòng ngừa tái nghiện và hỗ trợ hoà nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma tuý.
Thứ năm là xây dựng hệ thống thông tin về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy, gồm: xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyên môn về phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy; tuyên truyền, phổ biến; tư vấn, giáo dục về phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy; đào tạo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng cho người thực hiện công tác phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma tuý; áp dụng thí điểm mô hình phòng ngừa nghiện ma túy.