“Bay” sạch tiền trong tài khoản
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước đã tiếp nhận đơn của người dân trú tại phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành trình báo về việc bị đối tượng mạo danh công an gọi điện yêu cầu xác nhận thông tin dữ liệu dân cư rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Bằng thủ đoạn giả mạo công an thị xã Chơn Thành, đối tượng sử dụng số điện thoại “rác” gọi cho nạn nhân để hướng dẫn xác nhận thông tin dữ liệu dân cư. Sau đó, đối tượng kết bạn qua Zalo, gửi đường link https://dichvucong.nfgov.com (website giả mạo có giao diện giống Cổng Dịch vụ công) và hướng dẫn người này truy cập, tải app “Dịch vụ công” về điện thoại.
Sau khi cài đặt, điền thông tin, nạn nhân phát hiện toàn bộ số tiền 100 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của mình đã được chuyển cho một tài khoản có địa chỉ tại TP Đà Nẵng.
Đầu tháng 4, chị C. (SN 1980, ở Hà Nội) nhận được cuộc gọi của đối tượng tự xưng là cán bộ công an quận Thanh Xuân (Hà Nội), yêu cầu cài đặt định danh mức độ 2 và gợi ý sẽ có cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn cài đặt phần mềm dịch vụ công. Sau khi cài đặt phần mềm, chị C. đã bị mất quyền điều khiển điện thoại và bị rút mất hơn 200 triệu đồng trong tài khoản.
Trước những hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, mới đây, Công an Hà Nội đưa ra khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi lạ, tin nhắn liên quan tới cán bộ của các cơ quan chức năng; không làm việc, không cung cấp thông tin cá nhân và cũng không làm theo các yêu cầu qua điện thoại.
Đồng thời, cảnh giác với những yêu cầu cài đặt phần mềm; tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc file Apk.
Khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, người dùng nên đọc kỹ thông tin, đừng vội đồng ý tất cả điều khoản; chỉ truy cập, tải và cài đặt ứng dụng chính thức thông qua Google Play và Apple Store, kiểm tra thông tin tác giả (nhà phát triển).
Ngoài ra, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân nên sử dụng những phương thức bảo vệ tài khoản sinh trắc học như vân tay, nhận diện khuôn mặt... để đăng nhập ứng dụng ngân hàng và các ứng dụng thanh toán khác; không lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các phần mềm ứng dụng của điện thoại.
Vấn nạn giả danh để lừa đảo trên mạng xã hội
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia vừa phát đi cảnh báo: Người dân cần lưu ý cẩn trọng khi chia sẻ những thông tin cá nhân lên mạng xã hội, bởi thời gian qua rất nhiều người bị đối tượng xấu lợi dụng sao lưu thông tin, hình ảnh cá nhân của người khác để tạo ra bẫy lừa đảo trên không gian mạng.
Không chỉ giả danh nghệ sĩ, biên tập viên, người nổi tiếng để kết bạn làm quen, tâm sự rồi lừa đảo mượn tiền, đối tượng xấu còn giả danh cả lãnh đạo cấp cao để lừa người dân. Đối tượng Lê Văn Sự vừa bị công an bắt và khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Thủ đoạn của đối tượng là mạo danh trung tướng công an rồi nhắn tin qua nhiều nền tảng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt của 5 bị hại với số tiền 170 triệu đồng.
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, đối tượng xấu thường lấy ảnh và thông tin cá nhân của nhiều nhân vật nổi tiếng hay có ngoại hình dễ nhìn để tạo niềm tin, sau đó dụ dỗ đầu tư tài chính, mượn tiền rồi chiếm đoạt tài sản.
Người dân cần cảnh giác khi đăng tải thông tin và ảnh cá nhân lên mạng xã hội; cẩn trọng trước lời mời kết bạn từ đối tượng lạ qua mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò online; cẩn trọng khi tham gia ứng dụng, trang web đầu tư tài chính online. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan công an để được giải quyết kịp thời.
Minh Châu
Báo Lao động Xã hội số 63