Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những việc dân gian thường làm trong tháng 7 Âm lịch

Trần Huyền
Trần Huyền

Cúng cô hồn, thả đèn hoa đăng, phóng sinh, thăm mộ tổ tiên và người đã khuất... là những việc mà người việt Nam thường làm trong tháng 7 Âm lịch.

Tháng cô hồn là cách gọi dân gian của tháng 7 âm lịch, một số quốc gia khác còn gọi là "tháng ma đói" là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của nhiều quốc gia Á Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore...

Trong năm 2024, tháng cô hồn kéo dài từ ngày 4/8 (tức 1/7 Âm lịch) đến hết ngày 2/9 (tức 30/7 Âm lịch).

cung-co-hon-thang-7-al.jpg
Mâm Lễ cúng cô hồn theo phong tục của người Việt (Ảnh: IN).

Ở Việt Nam, tác giả Bùi Xuân Mỹ có viết trong cuốn "Tục thờ cúng của người Việt" như sau: "Theo tín ngưỡng truyền thống thì vào Rằm tháng 7, các tội nhân ở cõi âm được tha một ngày, bởi vậy các gia đình ở dương gian làm cỗ bàn cúng gia tiên, đốt vàng mã tụng kinh độ trì cho họ".

Trong cuốn "Phong tục thờ cúng của người Việt" do NXB Văn hóa Thông tin phát hành cũng có viết rằng: "Tết Trung nguyên là tết tổ chức vào rằm tháng 7, dân gian còn gọi là ngày Xá tội vong nhân. Nhiều người bày lễ cúng chúng sinh ngoài sân, trước thềm nhà, rìa đường phố, cúng cô hồn, ma đói, dùng lễ vật sơ sài như bánh đa, bánh bỏng, ngô bắp, khoai lang, trứng luộc".

Với người theo đạo Phật, tháng 7 âm lịch cũng được biết đến là tháng Vu lan - ngày lễ báo hiếu, nhấn mạnh lòng hiếu thảo và tưởng nhớ đến công ơn của cha mẹ, tổ tiên.

Theo phong tục, vào tháng 7 Âm lịch, các gia đình Việt Nam thường làm một số hoạt động như: Làm Lễ cúng cô hồn, thả đèn hoa đăng, phóng sinh, thăm mộ tổ tiên và người đã khuất...

Lễ cúng cô hồn

Một trong những hoạt động quan trọng và phổ biến nhất trong tháng 7 Âm lịch của các gia đình Việt là lễ cúng cô hồn. Lễ cúng cô hồn thường diễn ra vào ngày 14 hoặc 15.

Mâm cúng cô hồn được bày biện trước cổng nhà, ngoài trời, hoặc tại các điểm thờ cúng công cộng với mong muốn cho các linh hồn được no đủ, không quấy phá gia chủ, đồng thời cầu bình an cho gia đình.

Tùy theo phong tục tập quán của từng địa phương mà mâm cúng cô hồn có sự khác biệt. Mâm cúng bao gồm các món ăn truyền thống, trái cây, hoa...

Một số gia đình còn chuẩn bị những món ăn mà họ tin là linh hồn sẽ ưa thích như cháo trắng, gạo và muối. 

Khi cúng cô hồn xong, gia chủ hãy tung một nắm gạo hoặc muối từ trong nhà ra khỏi cửa. Hành động này giống như tiễn cô hồn, xua tan âm khí. Chú ý, không ném gạo muối từ ngoài vào trong nhà.

vu lan 2024 1.jpg
Một phong tục phổ biến khác trong tháng cô hồn là thả đèn hoa đăng để cầu nguyện bình an (Ảnh: IN). 

Thả đèn hoa đăng

Một phong tục phổ biến khác trong tháng cô hồn là thả đèn hoa đăng để cầu nguyện bình an. 

Trong thế giới Phật giáo, rằm tháng 7 được chọn là ngày Vu Lan. Đây là ngày để những người con tìm về cội nguồn, tổ tiên để làm tròn đạo hiếu. Trong ngày này người ta hay thả đèn hoa đăng xuống sông, hồ với hy vọng mang lại ánh sáng và dẫn đường cho các linh hồn về nơi an nghỉ..

Đèn sau khi thắp sáng sẽ được thả xuống nước mang ý nghĩa nguyện cầu bình an và thể hiện tấm lòng thành kính với cha mẹ, tổ tiên. Mỗi ngọn đèn hoa đăng được thắp lên là một lời cầu nguyện, một tâm niệm thiện lành, một tâm niệm an lạc cho mình và cho mọi người.

Một trong những ý nghĩa khác của thả đèn hoa đăng đó chính là tôn vinh văn hóa tinh thần của con người. Nhất là trong những ngày lễ lớn. Ngoài rằm tháng 7, đèn hoa đăng còn được thả vào dịp lễ hội đầu năm.

Phóng sinh

Nhiều người quan niệm, ngày rằm tháng bảy phải thực hiện nghi thức phóng sinh.

Phóng sinh là hành động thả các sinh vật đang bị bắt, giam cầm trở về với môi trường tự nhiên, chẳng hạn như cá, chim, rùa. Đây cũng là một hành động thể hiện thiện tâm trong tháng cô hồn, nhằm phủ lòng từ bi lên vạn vật.

vu lan 2024.jpeg
Tháng 7 Âm lịch là tháng Vu lan với ý nghĩa báo hiếu cha mẹ (Ảnh: IN).

Quan niệm của người xưa, một trong những việc làm giúp tăng tuổi thọ, sức khỏe là phóng sinh. Phóng sinh đã trở thành việc hành thiện phổ biến diễn ra mỗi dịp đầu năm, rằm tháng 7 âm lịch... tại các chùa, gia đình hoặc từ mỗi cá nhân.

Chúng ta có thể gặp các con vật đang bị nhốt, bị mua bán để giết thịt, tuổi thọ sắp kết thúc mà giúp con vật được trở về môi trường sinh sống, được tăng thọ bằng cách mua hoặc xin rồi đem ra môi trường của loài vật đó sinh sống mà thả.

Khi phóng sinh, nên tìm những nơi thuận lợi cho loài vật được dễ dàng sinh sống, thuận lợi cho một cuộc sống lâu dài. Tránh phóng sinh mà lại đưa cho loài vật từ hoàn cảnh khó khăn này sang hoàn cảnh khó khăn khác.

Ví dụ thả cá ở những nơi cống rãnh ô nhiễm, thả chim ở những nơi nhiều bẫy, nơi ít cây cối khó cư ngụ, ít thức ăn tự nhiên, thả ếch trên đường phố, trong khu khô ráo nắng nóng…

Thăm mộ

Theo quan niệm cổ xưa, việc thăm mộ thắp hương cho người đã mất được coi là một điều cần thiết. Điều này giúp chúng ta thể hiện sự nhớ nhung, tôn trọng và biết ơn đối với những người thân đã ra đi, đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình gắn kết hơn.

Các gia đình có thể ra mộ thắp hương vào bất kỳ thời gian nào trong ngày, cần chuẩn bị 2 lễ cúng là lễ cúng chư vị thần linh và lễ cúng người thân đã khuất.

Lễ cúng thần linh đặt ở bàn thờ thần linh của nghĩa trang hoặc đặt cạnh bàn lễ gia tiên nhưng ở vị trí cao hơn. Lễ vật gồm: nến, hương (nhang), hoa quả, thịt luộc... 

Lễ cúng gia tiên chuẩn bị các Lễ vật: Nến, hương (nhang), hoa, trái cây, bánh kẹo, trà...

Đi chùa và cúng tại chùa

Ngoài hoạt động viếng mộ, nhiều người còn đến các chùa để tham gia lễ Vu lan báo hiếu và cầu siêu cho những linh hồn cô đơn.

Đi chùa cũng là một việc nên làm trong Rằm tháng 7, vừa để thắp nhang cầu siêu cho người đã khuất vừa tiếp nhận được năng lượng bình yên từ nhà chùa, vừa để làm công đức hoặc dọn dẹp, nhổ cỏ cùng các sư trong chùa.

Những việc làm này sẽ khiến tâm hồn thư thái và bình an hơn nhiều. Nhiều người không phải là Phật tử cũng hay đến chùa dịp này, góp công góp của làm việc phúc thiện.

Đến dâng hương tại các chùa chỉ được sắm các lễ chay: Hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi, chè… Không được sắm sửa lễ mặn như: thịt gà, giò, chả…

Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa.

Tổ chức từ thiện

Ngoài các hoạt động tâm linh, tháng cô hồn cũng là cơ hội để người dân thực hiện nhiều hành động nhân đạo như quyên góp cho những người nghèo khó hay có hoàn cảnh đặc biệt.

Phật giáo cho rằng những hành động này không chỉ thể hiện lòng từ bi mà còn mang lại phúc đức cho người thực hiện.

Báo hiếu cha mẹ

Tháng 7 Âm lịch là tháng Vu lan với ý nghĩa báo hiếu cha mẹ. Đây chính là dịp để con cái thể hiện lòng biết ơn những người sinh thành, dưỡng dục mình và có hành động báo đáp, sao cho cha mẹ có được cảm giác hạnh phúc, an vui. 

Không đốt vàng mã dịp lễ Vu lan

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa ấn ký ban hành Thông bạch về việc tổ chức Đại lễ Vu Lan báo hiếu Phật lịch 2568 – Dương lịch 2024.

Theo Thông bạch, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Phật giáo các cấp và các chùa, cơ sở tự viện, tăng, ni, tín đồ, cư sĩ Phật tử có thể tổ chức Đại lễ Vu Lan báo hiếu các ngày trong tháng bảy âm lịch năm Giáp Thìn, trong đó, chính lễ vào rằm tháng bảy (tức 18/8/2024).

Thông bạch cũng lưu ý trong khâu tổ chức mua sắm lễ, tránh tổ chức thu tiền mua lễ mang hình thức dịch vụ tâm linh và các nghi lễ không phù hợp với chính pháp và nghi lễ truyền thống; không đốt vàng mã.

Tin liên quan