Trong đó, một số điểm đáng chú ý là căn hộ 25 - 45m2 tính 1 người ở; căn hộ 45 - 70m2 tính 2 người ở; diện tích 70 - 100m2 tính 3 người ở; căn hộ từ 3 phòng ở trở lên, diện tích trên 100 - 125m2 tính 4 người; diện tích sử dụng căn hộ từ 125m2 trở lên thì tính 5 người.
Ngay khi quyết định được ban hành, không ít người băn khoăn, liệu điều kiện của người dân hiện nay có đáp ứng được các quy định trên?
Người dân hoang mang
Theo Sở Quy hoạch, kiến trúc Hà Nội, quy định xác định chỉ tiêu dân số nhằm khống chế dân số tại dự án khi chủ đầu tư lập dự án cũng như bố trí cơ cấu căn hộ dự án phù hợp với quy mô dân số của dự án.

Việc xác định chỉ tiêu dân số nhằm khống chế quy mô dân số và cơ cấu căn hộ của dự án trong giai đoạn lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình của dự án… chứ không phải Hà Nội quy định để cấm số lượng người dân ở nhiều hơn trong 1 căn hộ.
Tuy nhiên trước quy định này, nhiều người dân không khỏi hoang mang. Gia đình chị Hoàng Phương có 4 người đang ở trong căn hộ chung cư của dự án HH Linh Đàm với diện tích 70m2. Nếu theo quy định, gia đình chị phải ở trong căn hộ có diện tích từ trên 100 - 125m2.
“Chúng tôi cũng có kế hoạch khi có đủ điều kiện kinh tế thì sẽ mua một căn hộ chung cư mới với diện tích rộng hơn. Nhưng nếu mua căn hộ ở dự án mới, chắc chắn mình phải tính toán kỹ sao cho chỗ ở mới phải đủ cho 4 người ở và quan trọng là tài chính có đủ để mua căn hộ diện tích lớn không”, chị Phương bày tỏ.
Chung nỗi lo, gia đình anh Hoàng Mạnh Tuấn có 6 người sống trong căn chung cư cũ tại Thành Công với diện tích 55m2. Anh cho biết, khu tập thể này đang lập quy hoạch để cải tạo, xây dựng lại.
Anh lo ngại: “Nếu khu chung cư cũ được xây dựng lại và gia đình tôi muốn tái định cư tại chỗ thì liệu có căn hộ mới có đủ diện tích cho 6 người ở không? Khi đó mình có đủ kinh tế để mua lại phần diện tích nhà ngoài suất tái định cư không?”.
Còn theo chị Mỹ Linh (quận Gia Lâm, Hà Nội), quy định mới không bắt buộc số lượng người ở theo diện tích chung cư mà chỉ để lập quy hoạch các dự án. Tuy nhiên, chị Linh cho biết nếu lập quy hoạch với chỉ tiêu số lượng người ở như vậy thì tương lai có thay đổi gì hay không?
"Tôi hiểu đây không phải quyết định áp dụng cấm số lượng người ở trong mỗi căn hộ chung cư. Tuy nhiên, nếu để lập quy hoạch trong tương lai mà hầu hết căn chung cư đều có số lượng người ở vượt trội so với chỉ tiêu trên giấy tờ theo quy định thì có xảy ra bất trắc gì không?", chị Linh băn khoăn.
Khó thành hiện thực
Kiến trúc sư, TS khoa học Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, đây là mục tiêu đặt ra để phấn đấu. Nếu chúng ta đáp ứng được các tiêu chí này thì sẽ tạo ra được một Hà Nội có an sinh, an toàn về phòng cháy chữa cháy và quản lý được dân số.
Nếu đặt ra chỉ tiêu thấp hơn thì vô tình đẩy lùi chương trình phát triển nhà đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua, trong khi đó vấn đề phát triển nhà ở cũng đang là tồn đọng của Hà Nội. Nếu chỉ tiêu này được thực hiện sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản và tạo điều kiện để Hà Nội có đột phá mới về chính sách cho người dân về nhà ở.
Tuy nhiên ông Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, để thực hiện tốt các quy định này sẽ cần có thêm các cơ chế đặc thù và Luật Thủ đô cần sớm được ban hành. Hiện Luật Nhà ở cũng như định hướng của Nhà nước cho phép nhiều đối tượng tham gia phát triển nhà ở xã hội, cũng là cách để khuyến khích các đối tượng này tham gia phát triển nhà ở.
Ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, quy định phương pháp xác định chỉ tiêu dân số với nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp và một số công trình lưu trú khác do UBND TP Hà Nội ban hành dựa theo các quy định pháp luật và căn cứ vào tình trạng dân số, nhu cầu nhà ở hiện nay và dự báo giai đoạn tới.
“Văn bản quy định diện tích nhà chung cư ở Hà Nội đưa ra đúng đắn, kịp thời sẽ giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội trong thời gian tới, góp phần hạ nhiệt giá nhà chung cư hiện nay. Quy định này là cơ sở để thiết kế số lượng căn hộ trong dự án”, ông Quê nhận định.
Tuy nhiên, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT lại cho rằng Quyết định 34 là không thực tế.
"Chúng ta tìm phương pháp chữa bệnh yếu kém hạ tầng của đô thị bằng cách đưa ra các tiêu chí, như quy định về số lượng người ở chung cư, hạ tầng phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, chúng ta lại đang có một quá trình đô thị hóa không bền vững, điều này khiến hạ tầng của đô thị ngày càng xuống cấp".
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, câu chuyện đưa ra các chỉ tiêu dân số về nhà ở, tại đô thị Việt Nam không thể thực hiện. Bởi tại Việt Nam, chất lượng đô thị chưa tương xứng với sự phát triển của dân số và làm hại đến quá trình đô thị hóa sau này.
"Bức vẽ chỉ tiêu dân số với nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp và một số công trình có lưu trú khác đẹp thì có đẹp nhưng có đảm bảo thực thi được trên thực tế hay không lại là cả câu chuyện khác", GS Đặng Hùng Võ nói.
Đánh giá về quy định số người theo diện tích chung cư, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, nội dung quy định phương pháp xác định dân số đối với nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp hướng tới mật độ dân số thưa.
Quy định này được coi như là một định hướng thực hiện quy hoạch theo xu thế thời đại, đời sống nâng lên thì cần diện tích nhà ở, căn hộ rộng hơn.
Nhưng điều người dân lo ngại là quy định sẽ gây khó khăn cho chính những gia đình đang sống trong các căn hộ chung cư, nhà tập thể có diện tích chật hẹp muốn chuyển đổi sang chung cư mới.
“Trong số đó cũng có những hộ dân nằm trong các dự án cải tạo, di dời chung cư cũ ở Hà Nội. Vậy, những gia đình có nhiều thế hệ ở chung trong căn hộ chật hẹp sẽ thế nào?
Chắc chắn bài toán đảm bảo nhu cầu nhà ở cho các hộ dân ấy sẽ khiến nhà quản lý đau đầu. Đây cũng là điều mà người dân đặc biệt quan tâm, nhất là lúc này giá chung cư ở Hà Nội đang tăng “phi mã” và rất khó để người dân không có điều kiện về kinh tế mua được căn hộ phù hợp”, ông Điệp nói.
Phương Anh
Báo Lao động Xã hội số 66