Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thành phố Hà Nội tăng giá tham quan di tích: Xứng đáng nếu dịch vụ tốt

LĐXH
LĐXH

Sau hơn 2 tháng (từ ngày 1/1) thành phố Hà Nội tăng giá vé tại các di tích, danh thắng, nhiều ý kiến cho rằng việc này đã tác động trực tiếp tới du khách.

Không ít người dân cân nhắc, đắn đo khi lên kế hoạch thăm quan di tích, thắng cảnh; nhiều công ty du lịch phải tính toán lại chi phí tour, tuyến...

Hàng loạt di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tăng giá

Việc thay đổi giá vé tại các di tích, danh thắng Hà Nội được thực hiện theo Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội. Theo đó, giá vé tại các di tích tăng từ 1,5 đến 3 lần.

khachnuocngoai1d-18_51_56_139.jpg
Hàng loạt di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tăng giá (Ảnh: Huyền Minh).

Cụ thể: Văn Miếu - Quốc Tử Giám tăng từ 30.000 lên 70.000 đồng; Hỏa Lò từ 30.000 lên 50.000 đồng; đền Ngọc Sơn từ 30.000 lên 50.000 đồng; Trung tâm Hoàng thành Thăng Long từ 30.000 lên 100.000 đồng; Cổ Loa từ 10.000 lên 30.000 đồng; chùa Hương tăng từ 78.000 lên 120.000 đồng…

Đặc biệt, Hà Nội cũng dành ra những ưu tiên cho các đối tượng như: Trẻ em dưới 16 tuổi, người khuyết tật nặng được miễn vé vào cửa; người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, học sinh, sinh viên từ 16 tuổi trở lên, người ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa, người có công với cách mạng được giảm 50% giá vé.

Vào ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) hằng năm, tất cả di tích không thu vé; các dịp lễ quan trọng trong năm tại một số di tích, thắng cảnh cũng không thu vé vào cửa...

Thực tế sau hơn 2 tháng áp dụng, việc tăng giá vé tại các di tích, danh thắng đã có tác động nhất định tới du khách. Nguyễn Hoài Linh, sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: “Với giá vé như hiện nay, mặc dù sinh viên được giảm 50% nhưng em cũng phải cân nhắc kỹ khi chọn điểm tham quan”.

Còn chị Trần Hoài Hương (Thạch Thất, Hà Nội) cho rằng, với mức giá mới tăng, trẻ em được giảm giá, gia đình chị có 5 người cũng phải tính toán chỉ chọn đi 1-2 di tích cho một lần vào nội đô.

VM.jpg
Với mức giá mới, nhiều công ty du lịch lữ hành đã phải tính toán lại chi phí tour (Ảnh: Huyền Minh)

Với mức giá mới, nhiều công ty du lịch lữ hành đã phải tính toán lại chi phí tour. Ông Nguyễn Đức Trường Giang, Phó Giám đốc công ty du lịch Lucky Tour khẳng định, nhìn tổng thể việc tăng giá vé đối với các công ty du lịch không có sự biến đổi nhiều, tuy nhiên nếu nói về chất lượng dịch vụ thì việc tăng giá ở một số địa điểm chưa hợp lý.

Đơn cử, đền Ngọc Sơn chưa có thay đổi so với trước về dịch vụ cũng như sự hấp dẫn du khách. Tuy mới ra mắt tour đêm “Ngọc Sơn huyền bí” nhưng phần lớn du khách đến vào ban ngày.

Ngay cả Hoàng Thành Thăng Long, các công ty cũng sẽ chuyển hướng, điều chỉnh cho phù hơn vì nơi này không có quá nhiều điểm để tham quan. Việc tăng giá vé mà chất lượng không đổi thì rõ ràng không còn là sự lựa chọn của du khách.

 “Riêng Văn Miếu Quốc Tử Giám, tôi thấy rất xứng đáng tăng giá bởi nơi đây có nhiều hoạt động hấp dẫn, là điểm đến hàng đầu của khách du lịch. Nhà tù Hỏa Lò cũng vậy, nơi có dịch vụ tốt, hệ thống thuyết minh tự động và nhiều hoạt động thu hút du khách”, ông Giang nhấn mạnh.

Tăng giá phải tỷ lệ với chất lượng dịch vụ

PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: “Hiện, các điểm di tích danh thắng Hà Nội đều tăng giá vé vào tham quan khi mong muốn có thêm nguồn lực bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Đây là xu thế chung của thế giới và Việt Nam để mong muốn du khách thể hiện trách nhiệm của mình đối với di tích.

Tuy nhiên, khi thực hiện tăng giá vé di tích, chúng ta cần giải trình minh bạch, công khai các khoản thu, chi tại di tích và tính toán lợi ích hài hòa giữa các bên liên quan, nhất là đối với cộng đồng và nhóm du khách đặc biệt (học sinh, sinh viên, các nhóm yếu thế) để bảo đảm khả năng tiếp cận của họ cũng như tạo điều kiện để các giá trị văn hóa của di tích đến được với những nhóm du khách mục tiêu (nuôi dưỡng tình yêu và sự hiểu biết học sinh, sinh viên với di sản văn hóa dân tộc). Muốn làm được điều đó, các địa phương và các điểm di tích cần có những chính sách giá đặc thù như miễn, giảm giá vé cho những nhóm đặc biệt”.

z4203646998231_e1ec0be23fc00262d8aacb75569a9a5e-(1).jpg
Tăng giá phải tỷ lệ với chất lượng dịch vụ (Ảnh: Huyền Minh).

Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, việc tăng giá vé tham quan di tích theo biến động của trượt giá và giá cả thị trường là cần thiết. Việc này đã được TP Hà Nội tiến hành thận trọng, tham khảo ý kiến của nhiều ngành trước khi áp dụng. Phần tiền thu tăng sẽ được tái đầu tư để bảo tồn di tích, tăng chất lượng phục vụ, bảo đảm vận hành bộ máy hành chính tại di tích.

“Với những giá trị của Văn Miếu Quốc Tử Giám hay Hoàng Thành Thăng Long, việc tăng giá tham quan là xứng đáng nhưng phải đồng thời tăng chất lượng dịch vụ. Văn Miếu hay Hoàng Thành Thăng Long gần đây có rất nhiều hoạt động mới, nhiều tour đêm hấp dẫn được du khách và giới chuyên môn đánh giá cao.

Rõ ràng, việc tăng giá phải không vì kinh tế mà là mục đích giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến. Tăng giá là vì coi trọng giá trị di sản, không thể rẻ rúng di sản được”, ông Chức nhấn mạnh.

Khẳng định việc tăng giá vé tham quan để có nguồn đầu tư cho chất lượng dịch vụ tốt hơn là hợp lý, tuy nhiên PGS Bùi Thị An cho rằng, phải nghiên cứu kỹ và có lộ trình thích hợp.

Đồng thời, thành phố Hà Nội nên tu sửa, chỉnh trang các danh thắng, công trình văn hóa để trở thành điểm đến thực sự hấp dẫn, bảo đảm chất lượng dịch vụ của điểm đến có mức tăng "tỷ lệ thuận" với giá vé tham quan.

Huyền Minh

Tin liên quan