Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tưng bừng ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”

Thành Công
Thành Công

(Dân sinh) - Những lời ca điệu múa là hoạt động không thể thiếu của cộng đồng các dân tộc với các tiết mục hát múa, diễn xướng dân gian mang không khí của mùa Xuân sẽ làm nên sắc màu của ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2024.

2.jpg

Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2024 sẽ được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) từ ngày 24  đến 25/02/2024 (tức ngày 15, 16 tháng Giêng âm lịch).

Ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc anh em.

Đồng thời, tái hiện, giới thiệu các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam, qua đó để mọi người dân, du khách hiểu thêm những giá trị, nét đẹp văn hoá, truyền thống của các dân tộc Việt Nam trong hoạt động đón Tết vui xuân đặc trưng đã có từ ngàn đời nay.

3.jpg
Các hoạt động tại Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam

Dự kiến khoảng hơn 200 người của 28 cộng đồng dân tộc từ 16 tỉnh, trong đó: có 40 đồng bào dân tộc Tày (Cao Bằng); 25 đồng bào dân tộc Chăm Bà-la-môn (Ninh Thuận); người có uy tín trong cộng đồng (Nhân sỹ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân…) của 3 tỉnh: dân tộc Si La, Lự, La Hủ, Cống (Lai Châu), Cờ Lao, La Chí, Pu Péo, Lô Lô (Hà Giang), Ơ Đu (Nghệ An).

Ngoài ra còn có sự tham gia của hơn 100 đồng bào với 16 nhóm cộng đồng dân tộc hoạt động hàng ngày. Theo kế hoạch, ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động phong phú như: Chương trình Bài ca mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân đất nước;

1.jpg

Tái hiện giới thiệu nghi thức, lễ hội truyền thống vùng miền, trình diễn di sản văn hóa: Lễ Trỉa lúa (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia) của dân tộc B'ru Vân Kiều; Lễ hội Nàng Hai - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của dân tộc Tày;

Trò Xuân phả - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Lễ hội múa đầu năm - Rija Nagar của dân tộc Chăm...

Và chương trình "Du xuân" giới thiệu trò chơi dân gian, tri thức dân gian, ẩm thực truyền thống ngày Tết...

4.jpg
Ngày 21/01 (Chủ Nhật), đồng bào dân tộc Khơ Mú tái hiện Tết Mạ Grợ - cầu phúc, cầu may (ảnh minh hoạ)

Song song, từ nay đến tết âm lịch, đến với Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, du khách nhất là các em nhỏ có tràn đầy không gian vui chơi, khám phá như chương trình dân ca dân vũ “Đón xuân ở bản em”, “Vui Xuân đón Tết cổ truyền”, diễn ra vào ngày 20/1 tại không gian làng dân tộc Khơ Mú.

Hay tổ chức “Dựng nêu ngày Tết”, thể hiện ý nghĩa “tống cựu, nghinh tân”, biểu tượng tâm linh mang theo ước vọng về một năm mới bình yên, hạnh phúc.

Đồng thời, còn vô số các hoạt động phong phú khác như trang trí không gian đón Tết tại các làng dân tộc với điểm nhấn tại không gian làng Thái, Mường, Lào, Tày, Dao, Mông, Khơ Mú. Tại các làng sẽ gói bánh chưng và làm các loại bánh trong dịp Tết; các sản vật ẩm thực mừng năm mới...

63_L12_12_ Cùng xuống chợ.jpg
"Đón xuân ở bản em”, du khách sẽ được thưởng thức các dân ca dân vũ về mùa xuân tại đây

Ngoài ra, vào những ngày cuối tuần sẽ diễn ra hoạt động “Hội xuân”: múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa…

Giới thiệu quy trình làm bánh, gói bánh, du khách trải nghiệm gói bánh, dạy gói bánh truyền thống và nấu bánh tại không gian các làng dân tộc phía Bắc.

Tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc của các dân tộc Thái, Mường, Tày, Mông, Dao như: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn,…bánh A quát, bánh sừng trâu, bánh ốc sên của dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu; thưởng thức hương vị cà phê, cao cao của dân tộc Ê Đê; bánh tét, bánh dừa của dân tộc Khmer,…

Và thoải mái tham gia các trò chơi dân gian truyền thống mùa Xuân như ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đánh yến, kéo co... trong không gian giàu màu sắc 54 dân tộc anh em.

Nguyễn Thanh

.