Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Văn minh đi lễ chùa

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Với người Việt từ bao đời nay, Tết không chỉ mang ý nghĩa của việc tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới mà còn mang đậm nét tâm linh, tín ngưỡng.

Ngoài tục lệ cúng gia tiên, người dân thường tìm về các đền, chùa để cầu phúc, cầu may cho gia đình với mong muốn những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.

Nét đẹp văn hóa

Sau giờ phút đón giao thừa, thời khắc chuyển giao của năm cũ và năm mới, rất nhiều gia đình tổ chức đến chùa thắp hương đầu năm mới để cầu an, cầu tài, cầu lộc.

Văn minh đi lễ chùa - 1
 Đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt.

Mọi người tin rằng, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Mỗi người đi lễ với những mục đích khác nhau, người cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và những người trong gia đình.

Cũng có những người đến chùa chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên nhằm xua đi những lo toan bộn bề của cuộc sống. Khi đến chùa, mọi người đều mang theo tấm lòng thành kính, từ đó họ tìm được đến với đức tin, sự thanh thản, bình an trong tâm hồn.

Đến với nhà Phật, cửa Thánh, hòa vào dòng người hành lễ, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được sự giao hòa của trời - đất. Đặc biệt, tiếng chuông chùa ngân vang giữa đất trời, khói nhang quyện tỏa, màu sắc đèn hoa và những nụ cười nơi cửa Phật... tất cả tạo nên không khí yên bình, tâm hồn thanh tịnh.

Tuy cùng là một hình thức đi lễ chùa đầu năm nhưng ở hai miền Nam - Bắc có những nét khác nhau. Người miền Bắc đi chùa đầu năm phải có đồ lễ hoặc hương hoa.

Theo lệ thường, mâm lễ đủ cả hương, hoa, tiền vàng và một tờ sớ chữ nho, ghi những điều cầu mong của gia chủ cho năm mới vạn sự như ý. Đặc biệt, lời văn khấn của người miền Bắc thường có vần, có điệu, âm vực trầm bổng. Khi thể hiện, lời khấn nghe như thơ, như nhạc ngân nga trong không gian u huyền của đình chùa, tạo nên sự linh thiêng, hư ảo.

Còn với người miền Nam, việc hành lễ đơn giản hơn, đầu năm đi lễ chùa thường không phải đem theo đồ lễ, nếu có cũng chỉ là hoa quả chứ không có đồ mặn (xôi, thịt). Lời khấn cũng đơn giản, không câu nệ văn vẻ. Người lên chùa ước gì thì cầu đó, không nhất thiết phải dùng sớ chữ nho. Cách khấn như thế thường được gọi là khấn nôm.

Khi xuân về, những chồi non nhú lên, tượng trưng cho sự sống đầy sinh khí. Vì thế, mọi người thường đến các đình, chùa để xin một nhánh non mang về và treo trước cửa nhà hoặc đặt lên bàn thờ gia tiên, hy vọng thu hút lộc vào gia đình.

Những nhánh lộc được chọn là từ loại cây có dáng dấp và phong cách đẹp. Theo truyền thống và quan niệm cổ xưa, lộc xuân từ các loại cây như đa, sung, si sẽ mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Trong khi đó, lộc từ cây tùng, cúc, trúc, mai sẽ mang đến niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe.

So với trước kia, việc hái lộc nay đã thay đổi. Mọi người có thể hái lộc theo nhiều cách mà không nhất thiết bẻ cành hoặc cắt đọt từ cây trong chùa. Lộc xuân có thể được mua, như một vài quả khế, cây mía hoặc chậu cây nhỏ mang về để trong nhà trong ngày đầu năm.

Văn minh đi lễ chùa - 2
Xin chữ đầu năm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Người dân không chỉ đi chùa để cầu may mắn mà còn có nét đẹp văn hóa khác, đó là xin chữ đầu năm. Hình ảnh của ông đồ với mực và tàu giấy đỏ, cẩn thận từng nét chữ, được tái hiện trong mỗi dịp đầu năm mới.

Điều này thể hiện sự trọng trách với chữ viết, tri thức và mong muốn xin được con chữ về treo ở nơi trang trọng nhất, cầu nguyện thành đạt cho cuộc sống và học hành thi cử cho con cái, sự may mắn, tài lộc và phúc thọ cho năm mới.

Văn minh đi lễ chùa

Lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa, người đi lễ chùa, người đi lễ chùa những ngày đầu năm mới với mong muốn hướng đến cái thiện và cầu mong sự bình an, may mắn, giúp họ vượt qua khó khăn, trắc trở trong cuộc sống. Nhiều người còn quan niệm, đến đền, chùa để sửa mình sao cho thanh sạch về cả thể chất và linh hồn.

Thế nhưng, vẫn còn hiện tượng chen lấn, xô đẩy ở một số đền, chùa, không ít người đến vãn cảnh chùa lại mặc áo ngắn, quần cộc, hở hang, phản cảm, ứng xử thiếu văn minh... làm xấu đi không gian linh thiêng nơi cửa phật. 

Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn tới thực trạng này. Trong đó, nguyên nhân khách quan là công tác tổ chức, tuyên truyền chưa thực sự tốt.

Bất cứ đền, chùa nào cũng có ban quản lý, không chỉ làm nhiệm vụ trông coi, bảo vệ di tích mà còn để nhắc nhở, thông báo những hành vi thiếu văn minh, thế nhưng các ban quản lý chưa phát huy hiệu quả.

Văn minh đi lễ chùa - 3
Nhiều người quan niệm đến chùa xin lộc để may mắn cả năm.

Điều quan trọng nhất là nhận thức của người dân chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa hiểu rõ giá trị, cách hành lễ và với một số người đi lễ chùa đầu năm như một phong trào, đi cho có. Chính điều này khiến họ chỉ quan tâm đến bản thân mà không để ý những quy định và để lại những hình ảnh chưa đẹp, thậm chí có phần phản cảm.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, để việc đi lễ đầu năm là thói quen tốt, hành động văn minh, các cấp, ngành cần tập trung tuyên truyền với nội dung phong phú, hình thức hấp dẫn, trên nhiều phương tiện truyền thông để người dân và du khách hiểu rõ ý nghĩa, giá trị của việc đi lễ cũng như cách thực hành văn hóa ứng xử phù hợp với không gian tín ngưỡng, tôn giáo.

Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa hơn nữa các văn bản quản lý nhà nước để phù hợp với đặc điểm của từng lễ hội, di tích. Các nghị định, thông tư, công điện cần được cụ thể thành những nội quy, quy định phù hợp.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt những hành vi sai phạm để giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các văn bản quản lý, có tác dụng làm gương; cần có sự vào cuộc tìm hiểu, nghiên cứu của các đơn vị chuyên môn.

Các cơ quan chức năng, ngành văn hóa, quản lý thị trường, chính quyền địa phương… cần kiểm tra, đánh giá nghiêm túc của trên cơ sở pháp luật để phát hiện và xử lý những sai phạm, biểu hiện thương mại hóa, lạm dụng lòng tin và phong tục đi chùa của người dân để thu lợi thiếu minh bạch, trái quy định pháp luật cũng đạo đức xã hội, văn hóa truyền thống;

Tăng cường vai trò của các cộng đồng trong việc tổ chức, quản lý lễ hội, di tích để họ làm tốt hơn nhiệm vụ chủ thể văn hóa. Đặc biệt, người dân cần nâng cao ý thức, tự trang bị thông tin, tri thức cần thiết khi đi lễ chùa. 

Châu Anh

Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ

Tin liên quan
Đổ xô dâng sao, giải hạn đầu năm

Đổ xô dâng sao, giải hạn đầu năm

(LĐXH) - Đầu năm đi lễ chùa trở thành nghi lễ được nhiều người chú trọng với ước vọng, nguyện cầu một năm mới an lành, may mắn, mưa thuận gió hòa.