Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chủ động ngăn chặn “bà hỏa”

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Để phòng ngừa “bà hỏa”, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành nghiêm quy định an toàn về phòng cháy chữa cháy.

Thời điểm cận tết, thời tiết hanh khô, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa phục vụ tết tăng cao, các nguyên vật liệu, hàng hóa tập kết lớn, việc tiêu thụ điện, nhiên liệu gia tăng gây nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) là rất lớn. 

Năm 2024, “bà hỏa” thiêu rụi gần 658 tỷ đồng

Chủ động ngăn chặn “bà hỏa” - 1
Lực lượng chức năng nỗ lực dập tắt đám cháy xảy ra tại một kho chứa hàng ở ngõ 136 Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, năm 2024, toàn quốc xảy ra 4.112 vụ cháy, làm chết 100 người, làm bị thương 89 người, về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền khoảng 657,45 tỷ đồng và 637,08 ha rừng.

Trong đó, có 48 vụ cháy lớn và 51 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người làm 99 người chết, 89 người bị thương. Xảy ra 22 vụ nổ, làm chết 9 người, bị thương 26 người. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ cháy tăng 558 vụ, thiệt hại về tài sản tăng 248,09 tỷ đồng; số người bị thương tăng 4 người.

Các vụ cháy, nổ chủ yếu tập trung ở địa bàn thành thị và xảy ra ở một số địa phương có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh (xảy ra 2.455 vụ, chiếm 59,7%); số vụ cháy tập trung chủ yếu tại khu vực nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh (xảy ra 1.708 vụ cháy, chiếm 41,58%);

Nổi lên trong năm là tình hình cháy tại nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất làm thiệt hại nghiêm trọng về người.

Điển hình là vụ cháy nhà ở gia đình và cho thuê để ở ngõ 43/98/31 Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy ngày 24/5/2024 làm 14 người chết, 3 người bị thương. 

Theo số liệu điều tra, các vụ cháy ở khu dân cư, nhà ở hộ gia đình hiện chiếm tỷ lệ cao nhất trong đó nguyên nhân dẫn đến cháy nổ chủ yếu từ việc người dân chủ quan trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, sử dụng các thiết bị điện, sản xuất kinh doanh hàng dễ cháy trong gia đình nhưng không đảm bảo tuân thủ các điều kiện an toàn về tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy.

Từ đó làm phát sinh các sự cố cháy nổ, và vì không phát hiện kịp thời nên dẫn đến cháy lan trên diện rộng.

Chủ động ngăn chặn “bà hỏa” ghé thăm

Dự báo trong thời gian tới, tình hình cháy, nổ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Nhất là trong giai đoạn thời điểm cuối năm, thời tiết hanh khô, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa phục vụ tết tăng cao, các nguyên vật liệu, hàng hóa tập kết lớn, việc tiêu thụ điện, nhiên liệu gia tăng gây nguy cơ mất an toàn về PCCC.

Để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ và thiệt hại gây ra trong dịp cuối năm, Công an TP Hà Nội khuyến cáo các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC.

Đối với các hộ gia đình cần thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của các thiết bị;

Kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ như: Cầu chì, công tắc, cầu dao, attomat, rơle tự đóng ngắt điện, chống quá tải, chập cháy đường dây dẫn điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn như điều hòa, bình nóng lạnh...

Không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn. Phân bổ các thiết bị tiêu thụ điện trên đường dây dẫn điện để đảm bảo công suất truyền tải của dây dẫn tránh hiện tượng quá tải gây cháy;

Khi lắp đặt thêm thiết bị điện có công suất lớn phải lựa chọn dây dẫn cho phù hợp; không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong cùng một ổ cắm.

Mỗi gia đình nên trang bị bình chữa cháy, các thiết bị cảnh báo cháy sớm, sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy, thoát hiểm được trang bị.

Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, công an xã, phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến…

Người dân không tự ý câu, móc, đấu nối dây điện tùy tiện, tránh đi dây điện luồn qua mái lá, mái tôn, qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy. Khi sử dụng bàn là, bếp điện, bếp từ phải có người trông coi.

Đặc biệt, người dân không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy trong nhà ở, trường hợp cần phải dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ.

Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng, đồ dùng, hàng hóa dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt; Thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu… phải kín; hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan; không dùng than củi, than tổ ong để sưởi ấm trong phòng kín. 

Đối với các cơ quan, doanh nghiệp cần tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ, công nhân viên thực hiện các nội quy bảo đảm an toàn PCCC trong cơ quan, doanh nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót.

Châu Anh

Báo Lao động và Xã hội số 8

Tin liên quan
Những dấu hỏi phía sau các vụ cháy

Những dấu hỏi phía sau các vụ cháy

(LĐXH) - Một vụ cháy phòng trọ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội vừa xảy ra làm 14 người thiệt mạng. Có thể con số “khô khan” cũng đủ nói lên tính chất bi...