Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều lưu giữ những hình thức tín ngưỡng khác nhau với rất nhiều lễ hội truyền thống, dân gian, tạo nên sự đa dạng trong đời sống tâm linh liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt.
Tính đến ngày 31/12/2020, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, tăng 10 tôn giáo và 28 tổ chức so với trước khi thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Từ năm 2018 đến nay, thực hiện quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ, có 1 tổ chức được công nhận pháp nhân tôn giáo (Giáo hội Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam); có 3 tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo (Hội thánh Tin Lành Liên hiệp truyền giáo Việt Nam, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam, Giáo hội Các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Ky - tô Việt Nam).
Đến tháng 12/2020, các cơ quan chức năng và địa phương đã cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 3549 điểm nhóm Tin Lành trong cả nước, trong đó khu vực Tây Bắc là 1037 điểm nhóm, khu vực Tây Nguyên là 1391 điểm nhóm (chiếm tỷ lệ 68 %). Đối với các nhóm người theo tôn giáo chưa được công nhận về mặt tổ chức hoặc chưa được cấp đăng ký hoạt động, chính quyền địa phương vẫn bảo đảm việc sinh hoạt tôn giáo cho các tín đồ tại gia đình, điểm nhóm đã đăng ký với chính quyền hoặc địa điểm hợp pháp theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện nay, có hàng trăm điểm nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó có cả điểm nhóm của người nước ngoài.
Về các trường hợp linh mục Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam (giáo phận Vinh), linh mục Nguyễn Duy Tân (giáo phận Xuân Lộc, Đồng Nai), thời gian qua các linh mục này có nhiều hoạt động không phải là hoạt động tôn giáo thuần túy, đã lợi dụng tòa giảng để chống chính quyền, có nhiều phát biểu đăng trên phương tiện thông tin đại chúng xuyên tạc lịch sử Việt Nam.
Những hành vi này đã vi phạm Điều 5, Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định các hành vi bị nghiêm cấm các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo. Quy định này áp dụng đối với mọi người hoạt động tôn giáo ở Việt Nam và hoàn toàn phù hợp với khoản 3 Điều 18 của ICCPR (Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác).