Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam ủng hộ hơn 18,3 tỉ đồng phòng, chống dịch Covid 19

Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và sự hướng dẫn cụ thể của Ban Tôn giáo Chính phủ về những biện pháp phòng, chống lây lan dịch bệnh Covid-19, các tổ chức tôn giáo đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp đề phòng, chống dịch. Đồng thời, chung tay quyên góp ủng hộ tiền và hiện vật để phòng, chống Covid-19

TS. Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách tôn giáo cho biết, bám sát sự chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 1/2/2020, Ban tôn giáo Chính phủ đã ban hành văn bản số 48/TGCP cụ thể hóa các nội dung trong Chỉ thị gửi Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo thực hiện nhằm hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh.

Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam ủng hộ hơn 18,3 tỉ đồng phòng, chống dịch  Covid 19 - Ảnh 1.

Tòa Giám mục Xuân Lộc và Trung tâm Đức Mẹ núi Cúi (Đồng Nai) ủng hộ phòng chống dịch Covid-19.

Khi dịch bệnh có diễn biến ngày càng phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ, ngày 20/3/2020 Ban Tôn giáo Chính phủ có văn bản gửi lãnh đạo 43 tổ chức tôn giáo về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid 19 trong tình hình mới, trong đó đánh giá cao trách nhiệm của Lãnh đạo các giáo hội, sự đoàn kết, đồng lòng, chung tay góp sức của các tổ chức tôn giáo cùng nhân dân trong công tác phòng chống dịch đạt kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đồng thời thông báo về tình hình dịch bệnh bùng phát ở một giai đoạn mới phức tạp.

Chính phủ xác định chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn, quyết tâm phòng, chống dịch, bảo vệ tốt nhất tính mạng, sức khỏe của nhân dân, đồng thời đề nghị: Lãnh đạo giáo hội hướng dẫn các tổ chức tôn giáo và các cơ sở thờ tự không tổ chức các hoạt động tập trung đông người.

Dừng tổ chức các đại hội, hội nghị, lễ hội tôn giáo như: Lễ Phục sinh trong Công giáo và Tin lành, lễ Phật đản trong Phật giáo, Tết Chôl Chnăm Thmây trong đồng bào Khmer, đại hội nhiệm kỳ của các Hội thánh Cao Đài, hội nghị thường niên của Hội đồng tinh thần tôn giáo Baha’i và Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa… Không cử người tham gia các hoạt động tôn giáo ở nước ngoài. Tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của chức sắc, chức việc và người của tôn giáo mình, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam ủng hộ hơn 18,3 tỉ đồng phòng, chống dịch  Covid 19 - Ảnh 2.

Lãnh đạo UBMTTQVN thành phố Đà Nẵng tiếp nhận ủng hộ của Ban đại diện Hội thánh Tin lành thành phố.

Vận động chức sắc, chức việc, tín đồ người Việt Nam ở nước ngoài không về Việt Nam trong thời gian có dịch; trường hợp thật cần thiết phải nhập cảnh Việt Nam, phải nghiêm túc chấp hành việc khai báo y tế, cách ly theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Phát huy vai trò các cơ sở khám, chữa bệnh của các tổ chức tôn giáo,

Bên cạnh đó, Ban Tôn giáo Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo các tổ chức tôn giáo về việc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19, giao nhiệm vụ cho các vụ chuyên môn thuộc Ban phối hợp với các tổ chức tôn giáo để nắm tình hình phòng chống dịch trong các tôn giáo, ban hành văn bản yếu cầu Ban Tôn giáo các tỉnh, thành phố trong cả nước nắm tình hình, hướng dẫn các cơ sở tôn giáo trên địa bàn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế.

Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và sự hướng dẫn cụ thể của Ban Tôn giáo Chính phủ, các tổ chức tôn giáo đã nghiêm túc triển khai thực hiện.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cùng với việc ra văn bản hướng dẫn tăng, ni, tín đồ Phật tử thực hiện nghiêm túc việc phòng chống dịch thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hủy chương trình đón đoàn Phật giáo Nepan, Trung Quốc vào Việt Nam. Đối với Lễ Phật đản của Phật giáo, Tết Chol Chnam Thmay trong đồng bào Khmer chỉ thực hiện ở phạm vi gia đình và tăng ni phật tử ở chùa.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quyên góp và trao tặng 5 phòng áp lực âm với tổng giá trị 3,5 tỷ đồng cho Ủy ban Trung ương MTTQVN để phòng chống dịch. Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các địa phương cũng tích cực quyên góp để ủng hộ Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành để chung tay phòng, chống dịch Covid-19.

Giám mục các giáo phận thuộc Giáo hội Công giáo Việt Nam ban hành Thư chung, Thư mục vụ, Thư Luân lưu hướng dẫn các linh mục, tu sĩ và tín đồ phòng chống dịch và thực hiện các lễ nghi tôn giáo trong tình hình mới. Thời điểm xảy ra dịch bệnh đúng vào Mùa Phục sinh của Công giáo và Tin lành với nhiều các nghi lễ quan trọng cần thực hiện. Giám mục các giáo phận đã có văn thư hướng dẫn tín đồ cử hành phục vụ trong Tuần thánh, để mọi tín đồ được thực hiện các lễ nghi theo nghi thức của giáo hội. Ra thông báo đến toàn thể chức sắc, tu sĩ, tín đồ trong giáo phận thực hiện thay đổi nghi thức trong thực hành lễ để hạn chế tiếp xúc như: Đề nghị các linh mục tạm ngưng đặt tay chúc lành cho các em thiếu nhi, đến nhà thờ phải đeo khẩu trang, trong các cơ sở tôn giáo bố trí dung dịch sát khuẩn; vận động tín đồ vệ sinh khuôn viên cơ sở thờ tự, gia đình, ăn ở hợp vệ sinh, thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của ngành Y tế, quy định của pháp luật về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trong các văn thư của các tòa giám mục ngoài nội dung hướng dẫn chức sắc, tín đồ thực hiện phòng chống dịch, còn có nội dung kêu gọi mọi người ủng hộ giúp đỡ công tác phòng chống dịch.

Hầu hết các Hội thánh Tin lành đều thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Ban Tôn giáo Chính phủ trong việc phòng chống dịch, ra văn bản hướng dẫn tín đồ thực hiện. Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) ra Thông báo khẩn ngày 26/3/2020 về việc tạm ngưng sinh hoạt của Hội thánh và yêu cầu tín đồ nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội: Việc bất đắc dĩ đóng cửa nhà thờ, tạm dừng các sinh hoạt, thờ phượng Chúa hằng tuần của Hội thánh là một quyết định khó khăn, nhưng vì lợi ích chung của Hội thánh và của cộng đồng xã hội, rất mong tôi con Chúa cảm thông và tuân thủ. Cùng với đó là những đóng góp thiết thực cho công tác phòng chống dịch.

Các Hội Thánh Cao đài đều có Đạo thư thông báo đến ban đại diện, ban cai quản, ban trị sự, họ đạo về việc phòng chống bệnh dịch, phổ biến rộng rãi cho tín đồ. Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo ban hành Đạo thư kêu gọi tín đồ nâng cao trách nhiệm xã hội "Để góp phần cùng Chính phủ và toàn dân trong việc phòng, chống dịch, Hội thánh kêu gọi toàn thể chức sắc, chức việc, đạo tâm lưỡng phái nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức với cộng đồng, với dân tộc trong lúc "chống dịch như chống giặc" tích cực tham gia ủng hộ phòng chống dịch. Tạm dừng các Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan, Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý, Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo... để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Các tổ chức tôn giáo khác như: Hồi giáo, tôn giáo Baha’i Việt Nam; Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam; Phật giáo Hòa Hảo; Minh Sư đạo, Minh Lý đạo… hoãn các cuộc thi giáo lý, các đại hội nhiệm kỳ, hội nghị, hội thảo tôn giáo. Kêu gọi tín đồ tích cực khai báo y tế, kịp thời thông tin về dịch bệnh trên các trang thông tin, website của giáo hội để khuyến cáo tín đồ và nhân dân phòng dịch và đóng góp nhiều tiền, hiện vật ủng hộ công tác phòng chống dịch.

Theo thống kê sơ bộ, các tổ chức, cá nhân trong các tôn giáo đã ủng hộ hơn 18,3 tỉ đồng tiền mặt cùng nhiều nhu yếu phẩm, vật tư y tế có giá trị trong đó có: 6 phòng áp lực âm điều trị Covid-19; gần 500.000 khẩu trang; hàng chục tấn gạo; hàng ngàn thùng mỳ và hàng chục ngàn xuất ăn miễn phí... Đây là những đóng góp rất đáng trân quý góp phần hỗ trợ công tác chống dịch của đất nước.

Đến nay, Việt Nam đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với số tín đồ hơn 26,3 triệu người, chiếm 27% dân số; trên 57 ngàn chức sắc; trên 147 ngàn chức việc; 27,9 ngàn cơ sở thờ tự. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều nhóm, phái và các hiện tượng tôn giáo mới chưa được cấp đăng ký hoạt động. Quá trình đổi mới đất nước, đổi mới chính sách tôn giáo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được hiến định, đảm bảo. Các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động theo hiến chương, điều lệ; xây dựng đường hướng hành đạo gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Đại bộ phận chức sắc, tín đồ các tôn giáo tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, ủng hộ sự nghiệp đổi mới của đất nước đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.