Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 đạt trên 8%

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GDP.

Tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Công điện nêu rõ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025 và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; tăng tốc, bứt phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao).

Xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 đạt trên 8% - 1
Tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, trong đó đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia (Ảnh: LĐXH).

Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 ở mức trên 8%, đề xuất các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của các ngành, lĩnh vực, bộ, cơ quan, địa phương trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, đảm bảo đồng bộ, khả thi, hiệu quả.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương năm 2025 với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt, đột phá, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức để đạt kết quả cao nhất.

Trong đó phấn đấu chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8 - 10%, nhất là TP Hà Nội, TPHCM, các thành phố lớn, các địa phương cực tăng trưởng của cả nước cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn để phát huy vai trò đầu tàu mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2025.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 cao hơn ít nhất 10% so với năm 2024; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội.

Đồng thời, triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025 theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án bất động sản, nhà ở xã hội và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; triển khai hiệu quả gói tín dụng 145.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội; quyết tâm xây dựng 100.000 căn nhà ở xã hội đến hết năm 2025.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Về làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, nhất là các chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư.

Tập trung xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030; bố trí vốn tập trung, trọng tâm trọng điểm, kiên quyết không dàn trải, manh mún, bảo đảm tổng số dự án nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030 không quá 3.000 dự án (cả dự án chuyển tiếp và dự án mới).

Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng cơ chế hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tập trung xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao.

Bộ Công Thương thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao;

Tận dụng  hiệu quả 17 Hiệp định thương mại tự do đã ký và đàm phán các Hiệp định thương mại tự do mới; mở rộng, khai thác hiệu quả thị trường mới.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, trong đó đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia một cách sâu rộng, toàn diện, bứt phá, nhất là xây dựng thể chế số thông thoáng, hạ tầng số hiện đại, nền kinh tế số rộng khắp, bảo đảm an ninh, an toàn mạng.

Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, trình Chính phủ trong quý I/2025; tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây,  internet vạn vật…

Về đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, các bộ, cơ quan, địa phương tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia;

Khẩn trương kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM; phấn đấu cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong năm 2025.

Thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy

Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Cụ thể, các bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chủ trương, định hướng của Trung ương và Chính phủ, bảo đảm tiến độ và chất lượng theo yêu cầu. 

Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, kiểm tra, giám sát, theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Triển khai kịp thời, hiệu quả các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 để các quy định mới đi vào thực tiễn nhanh nhất.

Các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát các quy định tại các luật không còn phù hợp, vướng mắc, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ   để trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường tháng 2/2025.

Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp đồng bộ phát triển văn hóa, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững...

Thái An

Báo Lao động và Xã hội số 154