Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu này cần có những chính sách đột phá hỗ trợ các doanh nghiệp và đẩy nhanh vốn đầu tư công, đặc biệt là gỡ “nút thắt” về thể chế.
Quyết liệt tập trung đẩy mạnh đầu tư công và tư nhân
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, giai đoạn tới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào 3 động lực chính gồm: Xuất nhập khẩu ròng, đầu tư và tiêu dùng.
Trong đó năm 2024, việc giải ngân đầu tư công vẫn còn chậm; đầu tư tư nhân phục hồi tăng 7% nhưng vẫn thấp so với thời điểm trước dịch Covid-19.
TS Cấn Văn Lực cho rằng, nếu muốn tạo bứt phá trong năm 2025, cần quyết liệt tập trung đẩy mạnh đầu tư công và đầu tư tư nhân. Đặc biệt, yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng giai đoạn tới chính là khu vực kinh tế tư nhân.
Phải tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển mới có thể đóng góp 60 - 65% như định hướng. Tiêu dùng tính đến cuối năm 2024 ghi nhận tăng trưởng khoảng 6,5%, nghĩa là có phục hồi nhưng vẫn ở mức độ thấp hơn giai đoạn trước dịch.
Thời gian qua, Chính phủ và Quốc hội đã có những động thái kích cầu tiêu dùng như giảm thuế giá trị gia tăng nhưng vẫn cần có thêm biện pháp, giải pháp khác.
Nhận định về động lực tăng trưởng năm 2025, PGS, TS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, trong ngắn hạn vẫn phải từ động lực chính là đầu tư công.
Năm 2025, Việt Nam sẽ hoàn thành các dự án trọng điểm và khởi động loạt dự án mới: Hoàn thành Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, hoàn thành 3.000km đường cao tốc… Chính phủ dự kiến vốn đầu tư công năm 2025 ở mức hơn 790.000 tỷ đồng - con số khá lớn.
Kế hoạch này nếu được thông qua sẽ tạo nguồn lực lớn lan tỏa vào nền kinh tế, tạo động lực cho tăng trưởng. Trong trung hạn, Chính phủ quyết tâm triển khai các chương trình, dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc Nam, điện hạt nhân, thu hút "đại bàng" trong lĩnh vực công nghệ. Các chương trình này đều ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế.
Đây là thời khắc quyết định và là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Việc tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, kết hợp chính sách tài khóa và tiền tệ hợp lý sẽ thúc đẩy tiêu dùng nội địa và củng cố đà phục hồi kinh tế.
Cần tập trung gỡ “nút thắt” về thể chế
Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao vào năm 2025 và những năm tiếp theo, một trong những giải pháp Việt Nam cần thực hiện ngay là tập trung giải quyết điểm nghẽn về thể chế. Bởi đây chính là “nút thắt” quan trọng khiến Việt Nam giảm sức hấp dẫn về môi trường đầu tư và chưa tạo được không gian, động lực phát triển cho khu vực doanh nghiệp.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 8% cho năm 2025 là khá thách thức.
Để đạt mức tăng trưởng này, Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp, gồm: Ổn định vĩ mô gắn với phục hồi tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ hơn.
Cùng với đó, cải cách và tinh gọn bộ máy nhà nước hướng tới hệ thống thể chế và quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả, hiện đại, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực thi để giảm rủi ro kinh doanh và chi phí tuân thủ.
Thúc đẩy động lực phát triển bền vững của nền kinh tế dựa trên các mô hình tăng trưởng mới và gắn với xu hướng thương mại - đầu tư toàn cầu. Với những rủi ro ngắn hạn, đảm bảo dư địa chính sách điều chỉnh kinh tế vĩ mô để hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Trong trung hạn, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động và phát triển khoa học công nghệ nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh doanh sáng tạo và bền vững. Trong dài hạn, xây dựng chiến lược và thực hiện các chính sách phát triển có mục tiêu, có trọng tâm, trọng điểm đồng thời đảm bảo việc giải ngân đầu tư công hiệu quả.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội chưa từng có. Đó là trở thành đối tác chiến lược toàn diện của nhiều nước phát triển, Việt Nam có vị thế mà không phải quốc gia nào cũng có nên nhận được sự quan tâm của nhiều dòng vốn đầu tư quốc tế.
Đồng thời, cơ hội để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu ngày càng nhiều. Đặc biệt, lãnh đạo đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đây là cơ sở, động lực chính để biến cơ hội, tiềm năng của Việt Nam thành hiện thực.
Theo thống kê, tính đến tháng 11/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 31 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đầu tư tiếp tục tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài như: Cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư. 10 địa phương gồm: Bắc Ninh, Quảng Ninh, TPHCM, Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Nghệ An, Bắc Giang đã chiếm 79,6% số dự án mới và 69,4% số vốn đầu tư của cả nước trong 11 tháng. |
Đào Thọ
Báo Lao động và Xã hội số 4