Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Tiền lương - Tiền công

Tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên năm 2025

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Đó là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 diễn ra ngày 5/2.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng được thúc đẩy, lạm phát được kiểm soát

Tại phiên họp, Chính phủ đánh giá, tình hình kinh tế tháng 1 đạt nhiều kết quả tích cực; các hoạt động kinh tế, xã hội, tiêu dùng sôi động hơn so với cùng kỳ tết năm trước.

Tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên năm 2025 - 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 (Ảnh VGP).

Trong tháng nghỉ tết, một số chỉ tiêu quan trọng về sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, thu hút FDI, ngân sách nhà nước... tiếp tục tăng trưởng tích cực, tốt hơn cùng kỳ năm trước, tạo đà cho tăng trưởng cả năm. 

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 3,63% so với cùng kỳ; cung cầu, giá cả hàng hóa ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến, lợi dụng khan hiếm hàng hóa giả tạo để thu lợi bất chính. Hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu trong dịp tết. 

Chính phủ quyết liệt tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh các dự án hạ tầng trọng điểm; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cả nước đã thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư về chăm lo, chuẩn bị tết cho nhân dân, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón tết. Cả nước đã hỗ trợ, tặng quà tết cho trên 13,5 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí trên 7.900 tỷ đồng.

3,8 triệu đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ, tặng quà. Chính phủ đã hỗ trợ người dân trên 6.600 tấn gạo. Nhiều địa phương tích cực triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát…

Các thành viên Chính phủ nhận định hiện nay và thời gian tới, tình hình thương mại thế giới có diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, thị trường xuất khẩu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nước ta.

Do đó, phải điều hành chính sách vĩ mô, tiền tệ, tài khóa linh hoạt, hiệu quả nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Không đùn đẩy, né tránh, phải “vừa nói, vừa làm, vừa hành động, vừa tuyên truyền”

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ những việc làm được, chưa làm được trong tháng 1, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.

Nêu rõ các tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức như cạnh tranh chiến lược gay gắt; chiến sự kéo dài; tác động, ảnh hưởng của các chính sách của Chính phủ Mỹ mới; sức ép điều hành kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, lãi suất lớn; hoạt động sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực còn nhiều khó khăn; giải ngân đầu tư công còn chậm, chưa có chuyển biến rõ nét… 

Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ cần bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, đúng thời điểm, hiệu quả; coi trọng thời gian, phát huy trí tuệ, sự quyết đoán; tăng cường đoàn kết, nhất trí trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, đoàn kết trong cả hệ thống chính trị, đoàn kết toàn dân;

Quyết tâm, quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; không đùn đẩy, né tránh; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, tạo động lực, truyền cảm hứng; đẩy mạnh các phong trào thi đua phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phải “vừa nói, vừa làm, vừa hành động, vừa tuyên truyền”.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu bám sát Nghị quyết của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt để cụ thể hóa thành kế hoạch, lộ trình thực hiện của từng cấp, từng ngành, địa phương.

Kịp thời báo cáo vướng mắc, phát huy tính chủ động tích cực, sáng tạo dựa trên thực tiễn để làm, vượt qua tính tự quyết của đơn vị, cá nhân; phát huy tính chủ động, tích cực, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc;

Nâng cao năng lực dự báo và nắm chắc tình hình; chủ động, linh hoạt, sáng tạo; mềm dẻo, cương quyết trong chỉ đạo điều hành, phát huy tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm cao hơn. Đặc biệt là đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ điều hành đột phá để làm. 

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Kết luận số 123 của Trung ương về Đề án Bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên;

Các Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ; khẩn trương ban hành và triển khai các chương trình, kế hoạch hành động theo các nhiệm vụ được giao theo chủ đề điều hành của năm 2025 là “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá”.

Yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế với tinh thần là “đột phá của đột phá”; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động;

Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, “hàng tháng, các Bộ trưởng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế và đề xuất những khó khăn, vướng mắc về thể chế cần tháo gỡ”…

Phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên năm 2025

Thủ tướng lưu ý phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành theo dõi sát tình hình thế giới, nhất là những vấn đề mới phát sinh, việc điều chỉnh chính sách của các quốc gia, nền kinh tế lớn, đối tác quan trọng, nhất là Mỹ, Trung Quốc, EU… khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Đề án về các giải pháp ứng phó với sự thay đổi chính sách của Mỹ, báo cáo Thường trực Chính phủ trong tháng 2. 

Cùng với đó, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để đạt mục tiêu; tận dụng dư địa về nợ công để đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển;

Thực hiện tốt các biện pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực rủi ro cao; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hướng dẫn, phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên năm 2025 để bổ sung đầu tư cho phát triển hạ tầng như: Dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc;

Triển khai hiệu quả công tác thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, nhất là từ thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống… nghiên cứu, đề xuất các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp;

Tiếp tục rà soát, trình phương án xử lý có kết quả các vấn đề tồn đọng, kéo dài như ngân hàng yếu kém, bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2; các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, phát triển nhà ở xã hội; không để ai thiếu ăn, thiếu mặc nhất là trong dịp giáp hạt;

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động lễ hội… tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, tạo đồng thuận xã hội triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Đăng Khoa

Báo Lao động và Xã hội số 16

Tin liên quan
Công nhân ngóng tăng lương từng ngày…

Công nhân ngóng tăng lương từng ngày…

(LĐXH) - Chi phí sinh hoạt ở thành phố đắt, giá thuê nhà cao… là lý do rất nhiều công nhân mong muốn được tăng lương để có tiền trang trải cuộc sống...