Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Yên Bái chủ động trong công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động

Trong những năm qua, với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, lĩnh vực An toàn vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ tỉnh Yên Bái đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái có gần 1.800 doanh nghiệp với khoảng 33 nghìn công nhân lao động, trong đó một bộ phận lớn công nhân trực tiếp ở các doanh nghiệp là lao động nông thôn chưa qua đào tạo, trình độ nghề nghiệp, ý thức kỷ luật còn hạn chế, một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động nên nguy cơ về tai nạn lao động vẫn còn tiềm ẩn. Do đó, việc thực hiện quy định về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) luôn được chú trọng và đạt được những kết quả tích cực.

Ngành LĐ-TB&XH, các cấp công đoàn đã phối hợp với các doanh nghiệp tuyên truyền nhân Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ, phát triển, củng cố mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Cùng với đó đã vận động người lao động thực hiện ký kết thực hiện nghiêm, các giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc và chăm sóc tốt sức khỏe cho người lao động.

Yên Bái: Luôn chủ động trong công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động - Ảnh 1.

Tỉnh Yên Bái luôn chủ động trong công tác an toàn vệ sinh lao động- Phòng chống cháy nổ, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH

Sau 5 năm triển khai Luật An toàn, vệ sinh lao động, các cấp, các ngành và các cơ sở sản xuất kinh doanh đã thấy rõ tầm quan trọng và quan tâm đầu tư cho các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động. Công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ đã tác động tích cực đến tất cả các đối tượng lao động trong xã hội.

Môi trường lao động trong các doanh nghiệp, các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016-2020 có bước cải thiện đáng kể so với giai đoạn 2011-2015. Đến nay, đã quản lý, theo dõi được 104 cơ sở lao động có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, với tổng số lao động được quản lý là hơn 5.809 người. Do đó, tai nạn lao động cơ bản đã được kiểm soát và kiềm chế ở một số ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao như khai thác khoáng sản, xây dựng, điện lực, sản xuất xi măng...

Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Yên Bái đều thực hiện đúng quy định về việc khai báo, điều tra, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng theo quy của Chính phủ. Trong 5 năm (2016 - 2020), Sở LĐ-TB&XH đã tiến hành 14 cuộc thanh tra về pháp luật lao động, ATVSLĐ tại 81 doanh nghiệp.

Sở Y tế tiến hành và phối hợp thanh kiểm tra được 350 cơ sở lao động trong đó phần lớn là các cơ sở có yếu tố có hại, nguy hiểm có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ngành Xây dựng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra về an toàn trong thi công xây dựng tại các công trình và nhà thầu.

Tuy vậy, hiện nay công tác ATVSLĐ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Mới chỉ có khoảng 20-25% doanh nghiệp báo cáo về tình hình tai nạn lao động hằng năm. Số doanh nghiệp chấp hành báo cáo tình hình tai nạn lao động chưa đầy đủ, do vậy việc tổng hợp, đánh giá tình hình tai nạn lao động trên địa bàn toàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Ngô Thanh Giang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Yên Bái cho biết, trong năm qua, với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành và doanh nghiệp ngày càng được tăng cường. Lĩnh vực ATVSLĐ-PCCN đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần ổn định và phát triển KT-XH của tỉnh.

Trong đó, tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, kết hợp sự kiểm tra đôn đốc của các cấp, các ngành với sự tham gia tích cực của đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động đối với công tác ATVSLĐ, gắn công tác thanh tra, kiểm tra với công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật lao động và Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC).

Tổ chức tuyên truyền Bộ luật lao động, Luật PCCC, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn công tác ATVSLĐ-PCCN trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở bám chặt chủ đề: "Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp". Các cấp chính quyền, từ tỉnh đến các địa phương, doanh nghiệp cần đẩy mạnh triển khai đồng bộ, thường xuyên hơn nữa các hoạt động ATVSLĐ được quy định trong Luật; Chương trình quốc gia về ATVSLĐ; Chị thị số 29 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.