Ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, giảm nghèo, chăm lo cho người nghèo và các đội tượng chính sách xã hội là một chủ trương lớn, xuyên suốt, là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; kết quả xóa đói, giảm nghèo là một trong những thành quả nổi bật của thời kỳ đổi mới, góp phần tích cực phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của đất nước.
Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ về công tác giảm nghèo, những năm qua, Đảng bộ tỉnh Yên Bái luôn coi công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, với quan điểm "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Đây chính là "kim chỉ nam" cho hành động của Yên Bái trong những năm qua trong công tác xóa đói giảm nghèo. Và thực trạng khi bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với rất nhiều khó khăn, thách thức (kết quả điều tra hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 32,21%, cao thứ 6 toàn quốc; trong đó phần lớn tập trung tại các địa bàn vùng cao, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, riêng tại 2 huyện 30a đều có tỷ lệ hộ nghèo trên 75%, thuộc vào nhóm các huyện nghèo nhất cả nước), việc giảm nghèo "nhanh" và "bền vững" thực sự là một nhiệm vụ hết sức khó khăn với Yên Bái.
Thế nhưng, bằng sự nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, vận dụng sáng tạo, đồng bộ các giải pháp, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cùng với sự vào cuộc của toàn xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh kết quả giảm nghèo là dấu ấn nổi bật của tỉnh Yên Bái trong nhiệm kỳ qua.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Yên Bái đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 7,04% (đứng thứ 12 toàn quốc, cải thiện 6 bậc so với đầu nhiệm kỳ). Bình quân giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ giảm hộ nghèo toàn tỉnh đạt 5,03%/năm (bằng 125% kế hoạch đề ra đầu nhiệm kỳ), riêng tại 2 huyện 30a giảm bình quân 8,32%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh và của cả nước.
Số xã đặc biệt khó khăn giảm 26,3%, còn 59 xã; số thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm 16,9% còn 383 thôn, bản. Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã thực sự đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp thiết thực, sáng tạo.
Bước sang năm 2021, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Mục tiêu tổng quát nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sông, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; gắn các mục tiêu giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới, các chương trình đào tạo nghề, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động là hộ nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh.
Mục tiêu cụ thể sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2021 so với năm 2020 là 2,05% (giảm 4.382 hộ, trong đó vận động có ít nhất 305 hộ tự nguyện thoát nghèo); phấn đấu không còn hộ nghèo có người là đối tượng hưởng chính sách người có công với cách mạng.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Tỉnh ủy Yên Bái đề ra các nội dung trọng tâm cần thực hiện. Đặc biệt sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền nhằm huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo; Nâng cao ý thức tự giác thoát nghèo của hộ nghèo, ngưòi nghèo;
Tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo nâng cao thu nhập và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho hoạt động giảm nghèo. Tỉnh ủy Yên Bái tiếp tục phân công 51 ban, sở, ngành, tổ chức hội, đoàn thể có liên quan trực tiếp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ 1.072 hộ nghèo tại 59 xã đặc biệt khó khăn và 05 xã có thôn đặc biệt khó khăn thoát nghèo trong năm 2021 để góp phần bổ sung, tăng cường nguồn lực và nâng cao tính bền vững của hoạt động giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.