Trong lĩnh vực điện ảnh, những phim tài liệu về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được sản xuất từ rất sớm và được khẳng định qua các tác phẩm: “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” (đạo diễn Quang Huy, 1960), “Bác Hồ sống mãi” (đạo diễn Nguyễn Quang Trung, Lại Văn Sinh, 1970);
“Chúng con nhớ Bác” (Nguyễn Văn Thông, 1973), Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (đạo diễn Phạm Kỳ Nam, 1974), “Những giờ phút cuối đời Bác Hồ”, “Bác đi chiến dịch” (đạo diễn Phạm Quốc Vinh, 1990), “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người” (đạo diễn Bùi Đình Hạc, 1990)…
Phim tài liệu có lợi thế là các thước phim tư liệu về Bác Hồ có nhiều. Song giai đoạn Người ra đi tìm đường cứu nước và 30 năm bôn ba hải ngoại thì chỉ có thước phim vài chục giây ghi lại cảnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phát biểu ở Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân tại Moscow ngày 10/10/1923.
![phimthauch-1526616907-59.jpg phimthauch-1526616907-59.jpg](https://cdnphoto.dantri.com.vn/opPoo91nHgirye1SAA8cY0TY-a0=/dansinh/2024/05/17/phimthauch-1526616907-59-1715916021782.jpg)
Bộ phim tài liệu “Nguyễn Ái Quốc - Ẩn số từ nước Pháp” (2017) do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất mở ra hướng đi mới là sử dụng đóng thế để minh họa. Cách thức này sẽ hiệu quả nếu nguồn tư liệu, nhân chứng, vật chứng đầy đủ.
Những năm gần đây, các bộ phim tài liệu: “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với ba nước Đông Dương”, “Hồ Chí Minh - Hành trình kiến tạo văn hóa hòa bình”, “Hồ Chí Minh - Con đường phía trước”… đã khắc họa những giây phút rất “đời” ở Người, khiến người xem luôn cảm nhận được sự gần gũi, thân thuộc.
Phim truyện điện ảnh thì mãi tới kỷ niệm 100 năm sinh nhật Người (1990) mới có "Hẹn gặp lại Sài Gòn" (đạo diễn Long Vân, kịch bản Sơn Tùng).
Cùng với "Hẹn gặp lại Sài Gòn", bộ phim "Nhìn ra biển cả" cho khán giả thấy được tài năng, phẩm chất và bản lĩnh của Người được nung nấu ngay từ khi còn là chàng trai trẻ mang trong mình khát vọng, hoài bão lớn lao giải phóng dân tộc, cứu nước cứu dân.
Chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết dấn thân tìm ra con đường đúng đắn dẫn dắt nhân dân làm cuộc cách mạng tự giải phóng cho dân tộc mình.
Tài năng, bản lĩnh và phẩm chất tuyệt vời ấy tiếp tục được các nhà làm phim thể hiện qua những bước đường cách mạng của Người, từ Thái Lan trong phim "Thầu Chín ở Xiêm", qua Hong Kong trong phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong", tới Hạ Môn, Thượng Hải trong phim "Vượt qua bến Thượng Hải";
Cho đến những ngày Đông ở Hà Nội trong phim "Hà Nội mùa Đông năm 46" và những năm tháng khốc liệt nơi chiến khu Việt Bắc trong phim "Nhà tiên tri"...
![maxresdefault (9).jpg maxresdefault (9).jpg](https://cdnphoto.dantri.com.vn/xGiuFCFn00ruXzOFuz-WfTkhRpI=/dansinh/2024/05/17/maxresdefault-9-1715916021743.jpg)
Đối với những người dân Việt Nam sống trong thời khắc những ngày cuối năm 1946, những quyết định đối nội, đối ngoại, trong cứng có mềm, lấy nhu khắc cương, có tính chất lịch sử của người lãnh đạo cuộc cách mạng là bước ngoặt lớn cho số phận của đất nước, của mỗi người dân Việt Nam.
Trong "Nhà tiên tri", phẩm chất anh minh, thông tuệ, sự sáng suốt trước mọi biến cố của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trên nhiều phương diện. Người như đã nhìn thấy trước bước đi của lịch sử, của tương lai dân tộc, giống như một “nhà tiên tri” tài năng.
Và mới đây nhất, bộ phim “Vầng trăng thơ ấu” của đạo diễn Hồ Ngọc Xum dự kiến ra rạp ngày 17/5. Phim lấy bối cảnh những năm 1895 - 1901, kể câu chuyện Bác Hồ (tên thời thơ ấu là Nguyễn Sinh Cung) cùng cha mẹ là ông Nguyễn Sinh Sắc - bà Hoàng Thị Loan và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm đến sống ở Huế.
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum cho biết, phim nhằm khắc họa tuổi thiếu niên của Người hồn nhiên với không ít trò nghịch ngợm, bám sát lịch sử với phần cố vấn của các chuyên gia nhưng cũng có những tình tiết hư cấu dựa trên tư liệu truyền miệng.
Qua mỗi bộ phim, người xem lại cảm nhận được một câu chuyện khác nhau nhưng từ đó đều toát lên một phần chân dung vừa bình dị, vừa vĩ đại của Người. Hy vọng, bằng sự nỗ lực của những người làm nghề, trong tương lai công chúng có thể thưởng thức nhiều hơn những tác phẩm xuất sắc về Người.
Duy Linh
Báo Lao động Xã hội số 59