Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận động nhân dân cả nước tham gia “Tuần lễ Vàng” và xây dựng “Quỹ Độc lập”.
Gần 80 năm trôi qua, nhưng bài học về phát huy sức mạnh lòng dân, tinh thần đoàn kết từ thành công “Tuần lễ Vàng”, “Quỹ Độc lập” còn nguyên giá trị.
Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đất nước được độc lập, nhân dân có quyền tự do, nhưng chúng ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Bên cạnh những khó khăn về chính trị, quân sự là những khó khăn về kinh tế và nguồn lực tài chính.
Tình hình tài chính của đất nước sau ngày độc lập hết sức eo hẹp, ngân sách của Chính phủ gần như trống rỗng, tiền mặt ở Ngân khố Trung ương lúc bấy giờ chỉ có 1.250.000 đồng (một triệu hai trăm năm mươi nghìn đồng) trong đó có 580.000 đồng (năm trăm tám mươi nghìn đồng) bằng hào nát…
Yêu cầu cấp bách đặt ra là phải củng cố chính quyền về mọi mặt, đề ra các biện pháp để giải quyết những khó khăn về đối nội, đối ngoại, về tài chính của đất nước.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra chủ trương tổ chức “Tuần lễ Vàng” động viên nhân dân tình nguyện ủng hộ xây dựng “Quỹ Độc lập”. Chỉ 2 ngày sau khi ra mắt, Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Quốc lệnh số 04 ngày 4/9/1945 thành lập tại Hà Nội và các tỉnh một quỹ gọi là “Quỹ Độc lập”.
Quốc lệnh nêu rõ: Lập tại Hà Nội và các tỉnh trong cả nước một quỹ thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng quyên góp giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của Quốc gia. Đồng thời, Sắc lệnh cũng chỉ định người đứng đầu chịu trách nhiệm và cách thức triển khai tổ chức quyên góp, quản lý quỹ. Ông Đỗ Đình Thiện phụ trách Quỹ Trung ương ở Hà Nội và mọi việc quyên tiền, đồ vật và việc tổ chức đặt dưới quyền kiểm soát của Bộ Tài chính.
Ngay sau khi ban hành Sắc lệnh lập “Quỹ Độc lập”, để nhanh chóng động viên nguồn lực từ nhân dân, Chính phủ đã tổ chức phát động phong trào “Tuần lễ Vàng”, được tiến hành trong cả nước từ ngày 17/9 đến ngày 24/9/1945, nhằm động viên nhân dân quyên góp tiền bạc, của cải ủng hộ Chính quyền cách mạng.
Trong buổi lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước. Thư nêu rõ ý nghĩa to lớn của việc tổ chức “Tuần lễ Vàng” và kêu gọi nhân dân tích cực tham gia: “Muốn củng cố nền tự do độc lập ấy, chúng ta cần sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào; nhưng chúng ta cũng rất cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là nhà giàu có…
Tuần lễ Vàng sẽ thu góp số vàng trong nhân dân và nhất là các nhà giàu có để cúng vào việc cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là việc quốc phòng. Tuần lễ Vàng sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào và cho toàn thế giới biết rằng trong lúc chiến sĩ Việt Minh trên các mặt trận quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương, nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hy sinh được chút vàng để phụng sự Tổ quốc”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và với tinh thần “Vàng tuy là quý. Độc lập và tự do lại còn quý hơn. Đồng bào hãy đem vàng bảo vệ đất nước và kiến thiết quốc gia”, với lòng yêu nước nồng nàn, nhân dân ta ở khắp nơi, tiểu thương, phú hào, tư sản… đã tích cực quyên góp tiền, vàng, bạc, nhà, thóc, gạo… ủng hộ chính quyền cách mạng.
Ở nơi cực Bắc của Tổ quốc, Vua Mèo Vương Chí Xình (Đồng Văn, Hà Giang) đã ủng hộ 9 cân vàng và 2,2 triệu đồng bạc trắng. Tại cố đô Huế, Nam Phương Hoàng Hậu (vợ của cựu hoàng Bảo Đại - khi đó là cố vấn Vĩnh Thuỵ) đã ủng hộ hàng chục chiếc nhẫn, hoa tai, vòng vàng quý, nêu gương cho nhân dân Huế ủng hộ 420 lạng vàng.
Nổi bật trong phong trào “Tuần lễ Vàng” là sự tham gia tích cực của nhiều nhà tư sản yêu nước. Tiêu biểu như vợ chồng ông Đỗ Đình Thiện ủng hộ 86 lạng vàng, 200 tấn thóc, 1.000 con bò và 40.000 đồng Đông Dương; gia đình ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Minh Hồ ở Hà Nội đã ủng hộ 500 cây vàng và vận động quyên góp được 4.000 lạng vàng…
Điều đặc biệt là trước cách mạng tháng Tám, theo lời kêu gọi của Việt Minh, ông bà Trịnh Văn Bô đã ủng hộ 50.000 đồng Đông Dương (tương đương 125 lạng vàng) và may hàng chục bộ quần áo comple cho cán bộ mặc trong ngày Quốc khánh 2/9/1945.
Có thể nói, thông qua tuyên truyền, “Tuần lễ Vàng” đã nhận được sự ủng hộ sôi nổi trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Không chỉ người giàu mà gần như mỗi gia đình dù ít, dù nhiều cũng tham gia ủng hộ xây dựng “Quỹ Độc lập”, người đôi bông tai, nhà 1, 2 con bò… Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được 20 triệu đồng và 370kg vàng.
Những kết quả thu được từ “Tuần lễ Vàng” cuối mùa thu Ất Dậu 1945 không chỉ có ý nghĩa to lớn về tài chính mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Lượng tiền, vàng mà nhân dân cả nước ủng hộ cho “Quỹ Độc lập” là tiền đề tài chính quan trọng giúp Đảng, Chính quyền cách mạng tháo gỡ tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, tạo thế và lực để giải quyết từng bước các nhiệm vụ cách mạng tiếp theo.
Đồng thời, đây còn là cơ sở để cuối tháng 1/1946 chúng ta phát hành đồng tiền Việt Nam, bước đầu xây dựng một nền tiền tệ độc lập.
Đã 79 năm trôi qua kể từ mùa Thu năm 1945, song sức mạnh của quần chúng nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện các nhiệm vụ cách mạng của “Tuần lễ Vàng” và “Quỹ Độc lập” đến nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn.
Năm 2020 - 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ trên phạm vi toàn cầu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi nhân dân đồng sức, đồng lòng chung tay chống dịch. Ngoài việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhân dân cả nước cùng đông đảo kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp công sức, tiền bạc, hiện vật cho công tác phòng, chống dịch.
Với tấm lòng “tương thân tương ái”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ở nhiều nơi trên khắp cả nước đã xuất hiện những cây ATM gạo, ATM mỳ, ATM khẩu trang...
Không chỉ các cơ quan, tổ chức tích cực đóng góp mà cảm động hơn có những bà mẹ Việt Nam anh hùng đóng góp từng đồng trợ cấp chắt chiu, những em nhỏ đóng góp số tiền tiết kiệm từ tiền ăn sáng...
Sự đóng góp ấy đã tỏa sáng tinh thần đoàn kết, đùm bọc, sẻ chia của nhân dân Việt Nam trong khó khăn, hoạn nạn, giúp cho Việt Nam trở thành điểm sáng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Trong những năm qua, chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" nói riêng và công tác vận động chăm lo giúp đỡ người nghèo luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của các cấp và các ngành. Thông qua công tác vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, nhiều tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn kinh tế, cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... đã ủng hộ giúp đỡ trực tiếp người nghèo và triển khai các chương trình an sinh xã hội mỗi năm ước tình hàng nghìn tỷ đồng.
Sự tích cực, tự giác hưởng ứng, ủng hộ, hiến tặng tiền, vật chất, đất đai, ngày công… của nhân dân, kiều bào và các tổ chức thời gian qua đã giúp nước ta thực hiện thắng lợi, về đích sớm các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, Chương trình mục tiêu quốc gia và các phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”… thể hiện sự thống nhất cao giữa ý Đảng hợp với lòng dân, đưa đất nước vượt qua khó khăn, thử thách, vững bước tiến lên.
Phương Anh
Báo Lao động và Xã hội số Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, Ngày truyền thống ngành LĐ-TB&XH 28/8