Qua đó giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ cháu con.
Những kho tư liệu quý

Ở vùng quê xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), trong ngôi nhà giản dị, ông Trần Văn Cao (89 tuổi) đã dành một tầng để lập phòng lưu niệm, trưng bày những tấm ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Cao đưa chúng tôi trở về những bước đường sống, chiến đấu và phục vụ Tổ quốc, rồi làm kinh tế. Ngay cả khi về già, người chiến sĩ năm xưa vẫn không nghỉ ngơi, mà tiếp tục sống và cống hiến...
Ông Cao sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, từ năm 1972 - 1975, cả 6 anh chị em trong gia đình đều xung phong ra trận, chiến đấu ở nhiều chiến trường khác nhau. Người thì làm y tá phục vụ hỏa tuyến cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), người thì làm thợ cơ khí ở bến xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) phục vụ nơi tiền tuyến, người thì trực chiến đồi Xuân Mai bắn rơi máy bay...
Ông Cao kể, năm 1963 ông có dịp về công tác tại tỉnh Thái Nguyên và tham gia cuộc mít tinh tại sân vận động thành phố. Thật bất ngờ cho ông và mọi người tại buổi mít tinh đó, Bác Hồ đã đến thăm khu gang thép Thái Nguyên và tới thăm, động viên đồng bào. Kể từ lần gặp đầu tiên ấy, ông luôn nghĩ về Người, về Đảng, cách mạng Việt Nam và mong ước sau này sẽ có một gian phòng lưu niệm về Bác.
Hơn 20 năm công tác tại Bộ Thủy lợi, trong đó làm việc ở Lào 7 năm, ông dành nhiều thời gian sưu tầm ảnh về Bác. Trên hành trình sưu tầm ảnh Bác, ông Cao nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người, họ hiểu được ý định tốt của ông nên đồng ý cho mượn ảnh đi sao lại. Tuy nhiên, cũng có một số bức ảnh là kỷ vật gia đình, ông phải thuyết phục năm lần bảy lượt, gia chủ mới đồng ý cho sao lại nhưng phải có người nhà giám sát.

Về hưu năm 1987, ông Cao nghĩ rằng sẽ có thời gian thong thả xây dựng phòng lưu niệm về Bác. Nhưng trở về quê, cuộc sống vất vả, con còn nhỏ, ông phải cật lực làm lụng để nuôi con. Ông tâm sự: “Mãi đến năm 2007, tuổi đã cao, nếu không làm phòng lưu niệm về Bác Hồ thì sợ chẳng biết còn cơ hội hay không. Khi đó, trong bộ sưu tầm của tôi có 21 bức ảnh về Bác được tặng từ năm 1968, tôi đem ra hiệu ảnh chụp lại và phóng to rồi đóng khung trang trọng treo trong phòng khách”.
Tiếp đó, ông sắp xếp, làm khung để treo hơn 300 bức ảnh về Bác Hồ ứng với từng mốc thời gian, giai đoạn hoạt động cách mạng của Người. Năm 2022, ông Cao sử dụng 40 triệu đồng tiền lương hưu tích góp trong nhiều năm để mở rộng Phòng lưu niệm lên 50m2, đặc biệt số lượng ảnh về Bác đã lên hơn 800 bức.
Tại quận 1 (TPHCM), người dân khá quen thuộc với căn nhà của bà Nguyễn Thị Nguyệt trên đường Nguyễn Khắc Nhu. Với lòng kính yêu Bác vô hạn, hơn 40 năm qua, bà Nguyệt đã sưu tầm và lưu giữ hơn 400 quyển sách và hơn 3.000 bức ảnh về Bác Hồ. Mỗi tấm ảnh đều chứa đựng một câu chuyện đầy ý nghĩa.
Bà Nguyệt sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm 12 tuổi, bà tham gia kháng chiến. Năm 1955, bà tập kết ra Bắc và học tại Trường Học sinh miền Nam ở Hải Phòng. Trong thời gian này, bà Nguyệt đã may mắn được hai lần gặp Bác Hồ.
Chỉ vào tấm ảnh Bác chụp chung với hoàng thân Souphanouvong (Lào), bà Nguyệt nói: “Đây là tấm ảnh in trong một cuốn sách nhưng vì đắt nên tôi không đủ tiền mua. Biết được câu chuyện của tôi, một thanh niên chưa hề quen biết trong nhà sách đã âm thầm mua tặng khiến tôi thật sự cảm động”.
Giới thiệu bức ảnh chụp Bác Hồ về thăm và nói chuyện với giáo viên, học sinh tại Trường Học sinh miền Nam số 8 Hải Phòng năm 1959, bà Nguyệt kể: “Năm đó, tôi nghe thông báo có đoàn cán bộ Trung ương đến thăm trường nhưng không biết là ai. Khi ấy tôi là đội viên thanh niên cờ đỏ của trường và vinh dự được đứng ngoài mở cửa cho đoàn vào. Vừa nhìn thấy Bác xuống xe, tôi vội chạy đến ôm chầm lấy Bác, nước mắt cứ tuôn trào, trong lòng dâng lên niềm cảm xúc khó tả”.
Sau này, bà Nguyệt vinh dự được gặp Bác một lần nữa. Cả hai lần gặp Bác, bà đều ấn tượng và mãi không bao giờ quên hình ảnh một vị cha già dân tộc gần gũi, trìu mến. Từ năm 1980 bà bắt đầu hành trình sưu tầm ảnh Bác. Hàng ngày bà đạp xe tìm tới các nhà sách trong thành phố. Cuốn sách nào có hình ảnh, câu chuyện về Bác, bà đều dành tiền lương ít ỏi của mình để mua về rồi sắp xếp theo từng chủ đề, mốc thời gian. Nghe ai có hình ảnh Bác, bà đến tận nơi để xin scan lại.
Trong số hơn 3.000 tấm ảnh về Bác mà bà sưu tầm được có tấm là các vị lãnh đạo cấp cao tặng, tấm thì bạn bè đồng nghiệp gửi đến nhưng cũng có tấm phải bỏ công tìm mấy tháng mới có được. Thậm chí khi sang Pháp thăm con gái, bà cũng dành thời gian tìm được hàng trăm tấm ảnh về Bác...
“Lúc đầu tôi chỉ lưu giữ những tư liệu, hình ảnh về Bác như một kỷ niệm cho con cháu. Khoảng năm 1990, tôi mới bắt đầu việc sưu tầm một cách có hệ thống và khoa học. Đằng sau mỗi bức ảnh, tôi đều ghi chú thời gian, địa điểm, sự kiện rồi ép nhựa, lồng vào album và bảo quản cẩn thận trong ngăn tủ”, bà Nguyệt kể.
Giáo dục truyền thống yêu nước, noi gương Bác Hồ

Qua quá trình làm việc, tôi còn được biết nhiều tấm gương khác thể hiện lòng kính yêu Bác Hồ, dày công sưu tầm hình ảnh và tư liệu về Người. Đó là cựu chiến binh Nguyễn Quang Huy (SN 1942) trú tại Khu phố 3, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình; ông Phan Bùi Tường, trú ở khối 16, phường Hà Huy Tập, TP Vinh, tỉnh Nghệ An; ông Nguyễn Hữu Đức, xã Phú Nghĩa, Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình; ông Nguyễn Văn Nhung, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng…
Mỗi phòng lưu niệm, phòng truyền thống đều thu hút nhiều người tham quan, tìm hiểu. Các lão nông, nhà sưu tầm có chung mục đích, với những tư liệu này có thể góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp trong cuộc sống đời thường, lao động và chiến đấu của Bác Hồ đến nhiều người. Qua đó, mỗi người sẽ rèn luyện, phấn đấu noi theo tấm gương sáng của Bác, cùng đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ở thời bình.
Trong quá trình làm việc, nhiều người còn có những cách sáng tạo để sự lan tỏa nhanh hơn, rộng hơn. Ông Nguyễn Quang Huy chủ động liên hệ với các xã, trường học trên địa bàn thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) để giới thiệu cho cán bộ, nhân dân, học sinh những bức ảnh, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chia sẻ về việc làm của ông Huy, ông Trần Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Ba Đồn nói: “Bộ sưu tầm trong phòng lưu niệm của ông Huy có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Thông qua bộ sưu tầm có thể hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về con đường cách mạng của Bác Hồ, sự gần gũi, đời thường của vị lãnh tụ dân tộc”.
Hay để kể những câu chuyện về Bác thật hay, sinh động và việc lan tỏa tình yêu nước nhanh hơn, ông Trần Văn Cao còn dày công sáng tác sử ca dài 1.456 câu thơ lục bát về cuộc đời và sự nghiệp của Bác từ khi rời bến cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước đến khi mất.
Ông Cao bày tỏ: “Tôi sáng tác bài sử ca này trong vòng 9 năm. Mỗi ngày tôi ngẫm 5 - 6 câu. Có lúc đang cấy ngoài đồng, nhớ về hình ảnh Bác xuống đồng cùng nông dân tôi ngẫm ra vài câu thơ. Sợ về nhà quên mất nên tôi bỏ mạ đó vội đạp xe về nhà để viết lại. Đến giờ thì 1.456 câu thơ tôi đã đọc thông vanh vách và dùng thơ để thuyết minh cho khách tham quan”.
Đánh giá về việc làm của ông Cao, lãnh đạo UBND xã Đại Yên cho biết, việc làm của ông Trần Văn Cao rất đặc biệt và ý nghĩa. Phòng lưu niệm Bác Hồ của ông Cao là địa chỉ hữu ích cho công tác giáo dục, tuyên truyền về tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc tới thế hệ trẻ ở xã Đại Yên nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Diên Khánh
Báo Lao động và Xã hội số Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, Ngày truyền thống ngành LĐ-TB&XH 28/8