Nhiều địa danh gắn liền với sự kiện Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 ở Hà Nội giờ trở thành “địa chỉ đỏ” giúp giới trẻ tìm hiểu về lịch sử dân tộc và là điểm đến của nhiều du khách khi thăm Thủ đô.
Quảng trường Cách mạng tháng Tám

Năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa “long trời lở đất” giành chính quyền trong cả nước. Ở Hà Nội, có một nơi vẫn còn lưu giữ vẹn nguyên hình ảnh của cuộc Tổng khởi nghĩa, đó là Quảng trường Cách mạng tháng Tám.
Quảng trường Cách mạng tháng Tám thời Pháp thuộc có tên gọi Quảng trường Nhà hát Lớn bởi vị trí nằm ở mặt trước Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhìn lại lịch sử, sáng 19/8/1945, hàng chục vạn người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận đã kéo về đây tạo ra cuộc mít tinh quy mô lớn.
Đại diện Việt Minh tuyên bố: Tổng khởi nghĩa! Dưới sự bảo vệ của Thanh niên tự vệ, tổ chức Việt Minh thành Hoàng Diệu, cuộc mít tinh đã nhanh chóng trở thành cuộc biểu dương lực lượng và hoạt động vũ trang cướp chính quyền, qua đường Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền) tỏa đi khắp các phố phường Hà Nội.
Sau sự kiện trọng đại ấy, Quảng trường Cách mạng tháng Tám còn là chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử khác, như: Đoàn quân giải phóng Việt Bắc về Hà Nội ra mắt ngày 29/8/1945; ngày 16/9/1945 diễn ra “Tuần lễ vàng” quyên góp ủng hộ Chính phủ lâm thời kháng chiến; đầu tháng 10/1945 tổ chức ngày Nam bộ kháng chiến; ngày 2/9/1946 mít tinh kỷ niệm một năm Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đó cũng là ngày Bác Hồ lần đầu tiên tới Quảng trường, vào Nhà hát Lớn Hà Nội...
Hiện nay Quảng trường Cách mạng tháng Tám là một quần thể với những công trình kiến trúc đẹp như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, khách sạn Hilton, phố Tràng Tiền… Đó cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của Thủ đô và đất nước, là bằng chứng lịch sử của sự phát triển văn hóa, xã hội của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung qua các thời kỳ cách mạng....
Bắc Bộ Phủ
Thời Pháp thuộc, tòa nhà này là Dinh Thống sứ Bắc Kỳ. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), tòa nhà được đổi thành Phủ Khâm sai Bắc Kỳ.
Vào ngày tổng khởi nghĩa ở Hà Nội (19/8/1945), sau cuộc mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn, nhân dân Thủ đô đánh chiếm Phủ Khâm sai Bắc Kỳ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc bộ. Lính bảo vệ phủ đã hạ vũ khí trước sức mạnh của quần chúng nhân dân.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về làm việc tại đây cho đến ngày toàn quốc kháng chiến. Trong thời gian này, tòa nhà được đổi tên thành Bắc Bộ phủ.
Mở đầu Toàn quốc kháng chiến, ngày 20/12/1946 tại đây đã nổ ra trận đánh giữa một đại đội Vệ quốc đoàn bảo vệ Bắc Bộ phủ và quân Pháp có xe tăng hỗ trợ. Đây là trận đánh ác liệt nhất và kéo dài nhất trong những ngày đầu của chiến tranh Đông Dương.
Sau năm 1954, Bắc Bộ phủ được tu sửa lại và trở thành Nhà khách Chính phủ. Năm 2005, nơi đây được gắn biển Di tích Lịch sử Cách mạng.
Ngôi nhà số 101 Trần Hưng Đạo
Trong cách mạng tháng Tám 1945, ngôi nhà số 101 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là trụ sở Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội.
Tại đây, sáng 18/8/1945, Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội đã họp phiên đầu tiên. Tại cuộc họp, Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội nhận thấy cần phải khẩn trương chớp thời cơ, khởi nghĩa giành chính quyền và đối phó với quân Nhật.
Hiện ngôi nhà số 101 Trần Hưng Đạo là điểm di tích quan trọng trong chuỗi những di tích cách mạng, kháng chiến ở Hà Nội. Tấm biển đá hình chữ nhật trước cửa tòa nhà 5 tầng ghi rõ nội dung “Ngày 18/8/1945, nơi đây là trụ sở Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội (Ủy ban khởi nghĩa)”.
Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang

Ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang nằm trong khu phố cổ của Thủ đô Hà Nội. Nơi đây, năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngôi nhà 48 Hàng Ngang vốn thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, một doanh nhân buôn tơ lụa nổi tiếng giàu có. Ngôi nhà có hình ống, nằm gần cuối phố Hàng Ngang, nơi buôn bán sầm uất của khu vực phố cổ. Nhà hai mặt phố, số 48 là mặt tiền phố Hàng Ngang, số 35 là mặt tiền phố Hàng Cân.
Trong những ngày đầu cách mạng tháng Tám 1945, ngôi nhà là nơi làm việc của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập, đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đây cũng là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở trong những ngày đầu trở về Hà Nội và ra những quyết định có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với dân tộc Việt Nam.
Năm tháng trôi qua, căn nhà 48 Hàng Ngang nay được mở cửa cho khách đến tham quan, tìm hiểu. Căn nhà mãi đi vào dòng chảy lịch sử của dân tộc, trở thành một di tích lịch sử thiêng liêng.
Cột cờ Hà Nội

Đây là một trong 5 di tích còn được bảo tồn nguyên vẹn trong quần thể khu di tích thành cổ.
Cột cờ Hà Nội cao 41m, gồm 3 tầng đế và 1 thân cột. Các tầng đế có hình vuông, nhỏ dần lên trên, chồng lên nhau, xung quanh ốp gạch. Cột cờ được khởi công xây dựng năm 1805 dưới thời nhà Nguyễn và mất 7 năm để hoàn thành. Từ đó tới nay, trải qua hơn 200 năm lịch sử, Cột cờ Hà Nội đã gắn liền với bao thăng trầm của Thủ đô.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Cột cờ Hà Nội được sử dụng như một đài quan sát khu vực nội, ngoại thành. Khi cách mạng tháng Tám thành công, năm 1945 là lần đầu tiên lá Quốc kỳ Việt Nam - cờ đỏ sao vàng được tung bay trên đỉnh Kỳ đài.
Quảng trường Ba Đình
Kể từ mùa Thu cách mạng năm 1945, Quảng trường Ba Đình đã trở thành địa danh gần gũi và thiêng liêng với người dân Hà Nội và cả nước.
Quảng trường Ba Đình là quảng trường lớn nhất Việt Nam, nằm trên đường Hùng Vương, trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây đã lưu giữ dấu ấn nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt, vào ngày 2/9/1945, tại Quảng trường này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thời điểm lịch sử ấy, khắp mọi nẻo đường, con phố trên Thủ đô Hà Nội đều tung bay cờ, hoa và khẩu hiệu chào đón sự kiện trọng đại có một không hai của dân tộc.
Một biển người đứng chật Quảng trường rạng rỡ, hân hoan, náo nức, hồi hộp chờ đợi giây phút vị lãnh tụ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.
Đúng 2 giờ chiều ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh bước lên lễ đài với tư cách là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời. Trước toàn thể quốc dân đồng bào và nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố: "Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".
Đã 79 năm trôi qua kể từ lễ Độc lập 2/9/1945, Quảng trường Ba Đình vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch sử, văn hóa. Quảng trường Ba Đình vẫn là trung tâm chính trị - văn hóa, là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của đất nước. Và đây cũng là nơi có quy hoạch, cảnh quan và quần thể kiến trúc đẹp nhất ở Hà Nội.
Nguyệt Hà
Báo Lao động và Xã hội số Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, Ngày truyền thống ngành LĐ-TB&XH 28/8