Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Người có công

Quê hương Mẹ Suốt - “viên kim cương màu xanh của châu Á”

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Miệt mài chèo lái những chuyến đò đưa quân sang sông, Mẹ Suốt - người mẹ anh hùng đã góp sức cùng quân dân tỉnh Quảng Bình và cả nước đi đến thắng lợi trong kháng chiến chống Mỹ.

Nay về quê Mẹ - Bảo Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình), bến đò xưa nơi in bóng hình Mẹ trở thành địa chỉ đỏ về một thời hoa lửa. Nằm nép mình bên dòng Nhật Lệ, bán đảo Bảo Ninh xinh đẹp - vùng đất từng oằn mình vì bom đạn chiến tranh, đang chuyển mình phát triển mạnh mẽ; những cây cầu và các dự án đầu tư hàng nghìn tỷ được triển khai đánh thức cả vùng bán đảo chuyển mình...

Quê hương Mẹ Suốt - “viên kim cương màu xanh của châu Á” - 1
Bán đảo Bảo Ninh đổi thay diện mạo, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch của tỉnh Quảng Bình.  

Từ vùng đất anh hùng thành trung tâm du lịch lớn

Ngay giữa trung tâm TP. Đồng Hới là tượng đài Mẹ Suốt  nơi ghi chiến công - “Một tay lái chiếc đò ngang/Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày” của mẹ (thơ Tố Hữu). Từ vị trí tượng đài nhìn sang bên kia sông là bến đò xưa nơi Mẹ Suốt ngày đêm lái đò đưa bộ đội, quân nhu và vũ khí kết nối hai bờ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. 

Chiều đầu thu tháng 8, chúng tôi qua sông Nhật Lệ tìm về bán đảo Bảo Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình. Men theo con đường lớn ven sông rồi đi lên con dốc nhỏ ở thôn Trung Bính thăm nhà mẹ Suốt. Bến đò xưa nơi Mẹ Suốt đưa bộ đội qua sông nay chỉ còn là chứng tích. Con đường đất đỏ cũng đã thay bằng tuyến đường nhựa hiện đại. Người dân trên bán đảo Bảo Ninh cho hay, mảnh đất này hơn chục năm về trước chỉ toàn cát, những con đường đất đỏ trải dài và bỏng rát gió Lào khi về hè.

“Nắng nóng đến độ bước chân lên cát là bỏng, lũ trẻ con chúng tôi - lúc bấy giờ phải lấy bẹ dừa làm dép, bỏ xuống đất mới giẫm lên rồi đi tiếp. Không thì men theo bờ đá bên sông khi nước xuống đi cho mát”, anh Nguyễn Anh Tuấn, người dân xã đảo Bảo Ninh cho biết. Cho đến đầu năm 2000, người dân Bảo Ninh muốn sang bên kia sông vẫn phải di chuyển bằng đò.

Năm 2004, cầu Nhật Lệ -  cây cầu đầu tiên bắc qua sông Nhật Lệ với thiết kế 1 làn xe chính thức nối TP. Đồng Hới với Bảo Ninh trở thành cột mốc mới cho sự phát triển nơi xã đảo. Tiếp đó, những cây cầu khác lần lượt được bắc qua hai bờ sông Nhật Lệ và các dự án đầu tư đã đánh thức vùng đất vốn chỉ có cát trắng, đất đỏ này thực sự chuyển mình.

Bảo Ninh hôm nay đã là một trong những trung tâm du lịch năng động của TP. Đồng Hới; là nơi tọa lạc các dự án đầu tư có quy mô và mang tầm nhìn đưa địa phương trở thành địa chỉ du lịch nghỉ dưỡng tại miền Trung.

Theo Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh Nguyễn Quang Vũ, địa phương đang dần tiến tới trở thành đơn vị hành chính cấp phường, với diện mạo đô thị rõ nét. Cùng với đó, kinh tế của vùng cũng được xác định sẽ chuyển dịch theo hướng tăng cơ cấu du lịch, dịch vụ (chiếm 55%), hướng đến trở thành trung tâm du lịch phát triển.

Riêng năm 2023, giá trị các ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch của Bảo Ninh ước đạt 410 tỷ đồng, không chỉ tạo việc làm cho lao động địa phương mà còn cho các địa phương lân cận. 

Lợi thế vàng phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Quê hương Mẹ Suốt - “viên kim cương màu xanh của châu Á” - 2
Tượng đài Mẹ Suốt bên dòng sông Nhật Lệ.

Bán đảo Bảo Ninh được ví như “dải đất vàng” của phố biển Đồng Hới, Quảng Bình. Sở hữu những lợi thế về vị trí địa lý, hệ sinh thái thiên nhiên đa dạng, bán đảo Bảo Ninh đang là tâm điểm thu hút nguồn vốn mạnh mẽ. Sự phát triển của dải đất vàng này được ví như sải cánh góp phần đưa du lịch Quảng Bình bứt phá lên tầm cao mới.

Nằm phía đông sông Nhật Lệ, với diện tích hơn 1.600ha, là khu vực có địa thế thuận lợi, một mặt giáp sông, một mặt hướng biển, bán đảo Bảo Ninh được ví như hòn ngọc của TP Đồng Hới với kỳ vọng trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, thị trường bất động sản lớn của miền Trung. Nhiều dự án nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng được đầu tư hàng trăm và cả nghìn tỷ vào vùng đất này.

Trước đây, Bảo Ninh được xem như một khu vực biệt lập, phương tiện chủ yếu để người dân giao thương với bên ngoài là những chiếc đò ngang gắn máy. Nhìn nhận những thế mạnh của dải đất vàng ven biển, trên cơ sở quy hoạch của tỉnh, những cây cầu như Nhật Lệ I, II dần xuất hiện và tạo đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - du lịch của bán đảo Bảo Ninh.  

Bảo Ninh đã hình thành được một hệ thống giao thông hiện đại bao gồm đường Võ Nguyên Giáp, đường Nhật Lệ sát bờ sông và chuẩn bị khởi công tuyến đường 36m song song với đường Nguyễn Thị Định nối cầu Nhật Lệ I với cầu Nhật Lệ II… 

Từ đây, di chuyển qua cầu Nhật Lệ về phía tây sẽ là trung tâm thành phố với các cơ quan hành chính đông đúc, nơi các hoạt động kinh tế và giao thương diễn ra sôi động.

Nhờ mạng lưới kết nối thuận tiện: Cầu Nhật Lệ I -  đường Trần Hưng Đạo, cầu Nhật Lệ II - đường Võ Nguyên Giáp, bán đảo biệt lập năm nào giờ trở thành giao lộ sầm uất, đón trọn dòng du khách, dân cư đông vui, tấp nập.

Sức sống sôi động của quảng trường biển và dòng chảy phồn vinh từ trung tâm thành phố đã tạo tiền đề thuận lợi, thúc đẩy dòng vốn đầu tư bất động sản lớn rót vào bán đảo Bảo Ninh, góp phần biến nơi đây trở thành tâm điểm giải trí - nghỉ dưỡng của tỉnh Quảng Bình và khu vực miền Trung.

Quê hương Mẹ Suốt - “viên kim cương màu xanh của châu Á” - 3
Một góc bán đảo Bảo Ninh.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã quyết định đầu tư xây dựng Bảo Ninh trở thành trung tâm du lịch biển của tỉnh với số vốn đầu tư lên đến hơn ngàn tỷ đồng. Vùng du lịch biển Bảo Ninh sẽ được quy hoạch có diện tích 585ha. Không gian đô thị mới này sẽ được phát triển với chiều dài khoảng 5.000m, rộng 150 đến 200m, từ mép nước biển vào, tại khu du lịch này tỉnh Quảng Bình sẽ chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết: “Từ năm 2015, với việc xúc tiến đầu tư theo mô hình liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”, chính sách thu hút đầu tư của Quảng Bình đã thực sự tạo được dấu ấn khi chuyển sang chú trọng về chất, vừa bảo đảm tính khả thi của dự án, vừa có chọn lọc khi ưu tiên vào các lĩnh vực quan trọng. Với những thế mạnh về du lịch nghỉ dưỡng, khí hậu trong lành và nhiều bãi biển đẹp, nguyên sơ, Quảng Bình đã “kéo” các doanh nghiệp, tập đoàn đến nghiên cứu, đầu tư các dự án ngay tại vùng cát.

Sau Sun Spa Resort là khu biệt thự nghỉ dưỡng, sinh thái và sân golf Sunrise Bảo Ninh, dự án khách sạn 5 sao Pullman… Tất cả vừa tạo điểm nhấn về kiến trúc, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, thu hút khách du lịch, để Quảng Bình thực sự là “làn gió Đại Phong mới cho du lịch Việt Nam”, là “viên kim cương màu xanh của châu Á”.

Quả là vùng cát Bảo Ninh - quê hương của Mẹ Suốt anh hùng đang từng ngày “thay da, đổi thịt”, phát triển thành đô thị đa chức năng, trong đó đặc biệt là du lịch, giải trí và nghỉ dưỡng. Trong tương lai gần, đô thị Bảo Ninh sẽ là hạt nhân, là động lực trong phát triển du lịch không chỉ riêng TP. Đồng Hới mà của cả tỉnh Quảng Bình.

Ngày nay, du khách trong và ngoài nước đến Đồng Hới không thể bỏ qua địa điểm tham quan Khu Di tích tượng đài Mẹ Suốt cạnh bờ sông Nhật Lệ. Tượng đài Mẹ như một nhân chứng của lịch sử đau thương mà oai hùng, nhắc nhở thế hệ mai sau quyết tâm xây dựng bảo vệ Tổ quốc bền vững.

Thu Hương

Báo Lao động và Xã hội số Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, Ngày truyền thống ngành LĐ-TB&XH 28/8

Tin liên quan
Trong thắm xanh Vĩnh Cửu

Trong thắm xanh Vĩnh Cửu

(LĐXH) - Huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) là mảnh đất anh hùng, gắn với Chiến khu Đ và nhiều địa danh nổi tiếng. Điều đáng nói, mảnh đất này đang phát triển...