Nỗi ám ảnh của người bên kia chiến tuyến
42 chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong trận chiến Bàu Chàm không tìm thấy thi thể. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ám ảnh vẫn còn đó khiến người cựu binh Australia nhiều lần trở lại Việt Nam để tìm hài cốt của người từng bên kia chiến tuyến. Đó là Brian Cleaver, cựu sĩ quan Trung đoàn số 3 quân đội Hoàng gia Australia, người trực tiếp tham gia trận chiến năm 1968 tại Bàu Hang (xã Bình Mỹ, huyện Tân Uyên, Bình Dương) và chứng kiến toàn bộ quá trình chôn thi thể 42 chiến sĩ Việt Nam.
Theo Brian Cleaver, 2h30’ sáng 28/5/1968, trung đoàn của ông bị đánh thức bằng một loạt đạn súng cối của các chiến sĩ Việt Nam. Sau đó từ hướng đông bắc và tây bắc, họ tiến về công sự binh lính Australia phòng thủ. Trung đoàn số 3 huy động hỏa lực rất mạnh để phản công gồm cả xe tăng, máy bay ném bom, bắn đạn rocket.
Trong cuộc chiến không cân sức này, nhiều người lính Việt Nam đã ngã xuống. Một anh bộ đội dù bị thương nhưng vẫn cố nhảy qua nhảy lại giữa hai hố bom gần kề tránh đạn và chiến đấu. Đến khi lính Australia dùng lựu đạn ném, anh mới ngã xuống hy sinh. Ngay sau đó, đơn vị của Brian Cleaver với sự hỗ trợ của xe tăng, trực thăng quay lại trận địa kiểm tra.
“Họ ghi nhận tổng cộng 42 bộ đội Việt Nam hy sinh. Tiến hành kiểm đếm và thực hiện các thủ tục thời chiến: Lấy tư trang, súng đạn rồi chôn toàn bộ chiến sĩ Việt Nam. Một xe ủi lấp đầy miệng hố bom như ngôi mộ chung cho 42 người”, Brian Cleaver nhớ lại.
Chứng kiến cảnh tượng thi thể 42 người lính Việt Nam được chôn lấp dưới hố bom sau trận đánh, Brian mang theo nỗi ám ảnh suốt quãng đời còn lại. Những trải nghiệm kinh hoàng từ cuộc chiến khiến ông bị rối loạn tâm thần (hội chứng PTSD). Brian không muốn gặp bất cứ ai, nhiều khi chỉ ngồi một mình lặng lẽ khóc. Ông quyết định dành dụm tiền, trở lại Việt Nam đối diện với quá khứ với hy vọng chữa lành những tổn thương tâm lý.
“Năm 2002, Brian đơn độc đến xã Bình Mỹ với tư cách là khách du lịch, nhưng thực chất ông ấy quay lại đó là để tìm nơi quân đội Australia đã chôn lấp 42 liệt sĩ Việt Nam vào tháng 5/1968.
Năm 2003, Brian trở lại và nói rõ ý định với chính quyền địa phương. UBND xã Bình Mỹ đã báo cáo cấp trên và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương cử tôi gặp ông để cùng phối hợp tìm kiếm. Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa khô, ông ấy lại về Bình Mỹ, trực tiếp đào tìm hố chôn các liệt sĩ”, Thượng tá Lê Hoàng Việt cho biết.
Năm 2005, Bộ Quốc phòng Australia, thông qua Đại sứ quán Australia tại Việt Nam gửi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương hai sơ đồ, tọa độ hai khu mộ tập thể bộ đội Việt Nam hy sinh trong trận đánh vào rạng sáng 26 và 28/5/1968 khi tấn công vào căn cứ quân sự Balmoral.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương sau đó đã tổ chức 8 đợt tìm kiếm trên diện tích khoảng 90ha thuộc 2 xã Bình Mỹ và Hội Nghĩa, huyện Bắc Tân Uyên, sử dụng nhiều phương thức như: đào bằng cuốc, xẻng, máy xúc, nghiên cứu bản đồ đến dò tìm bằng sóng radar kết hợp ảnh vệ tinh, tuy nhiên qua 8 lần tổ chức tìm kiếm, chỉ tìm thấy và quy tập được một bộ hài cốt liệt sĩ.
“Brian rất day dứt, ám ảnh về thi thể 42 người lính Việt Nam bị vùi lấp dưới hố bom trong nhiều năm mà không ai biết đến. Ông ấy muốn bằng mọi cách phải tìm ra hố chôn đó. Có lần, khi đào sâu đến 4m nhưng không thấy gì, chúng tôi phải dừng lại, Brian đã ngồi khóc. Năm 2019, ông ấy quyết định dừng cuộc tìm kiếm. Giây phút ấy, ông khóc và nói: Tôi xin lỗi vì tất cả…”, Thượng tá Lê Hoàng Việt kể.
Sau khi Brian dừng việc tìm kiếm, cựu binh Australia John Bryant, người cùng đơn vị với Brian, người từng trực tiếp tham ra trận đánh ở Bình Mỹ, đã đi tiếp cuộc hành trình tìm mộ liệt sĩ.
Ông nỗ lực tìm kiếm thông tin từ các nhân chứng là cựu binh Australia, đề nghị sự hỗ trợ của Luke Johnston - con trai một cựu binh Australia từng trực tiếp tham gia trận đánh và kêu gọi ông Glen Hines - chuyên gia người Mỹ về tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh cùng tham gia giúp sức trong việc phân tích bằng phương pháp hiện đại để xác định chính xác vị trí hai khu mộ tập thể.
Và hành trình đưa các anh về “mái nhà chung”
Từ những hình ảnh của John Bryant cung cấp, Luke Johnston đã khảo sát, tìm kiếm, thăm dò, xác định vị trí các hố chôn. Cuối năm 2023, với sự giúp sức của Glen Hines đã xác định được chính xác khu mộ tập thể liệt sĩ.
Trên cơ sở hồ sơ dữ liệu của ông John Bryant, Brian Cleaver và anh Luke Johnston, Văn phòng Tùy viên Quốc phòng, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã liên hệ với Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng) và Bộ Ngoại giao nhờ hỗ trợ.
Ông Duncan Reid, Trợ lý Tùy viên Quốc phòng, Văn phòng Tùy viên Quốc phòng Australia cho biết: “Tôi rất vui vì được hỗ trợ cho các cựu binh Australia làm việc với các cơ quan gồm Cục Đối ngoại, Cục Chính sách của Bộ Quốc phòng, cũng như Ban chỉ đạo 515 tỉnh Bình Dương và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương với mong muốn các hài cốt liệt sĩ tại khu vực này được quy tập để họ sớm trở về với gia đình, với người thân”.
Trên cơ sở thông tin do những cựu binh Australia cung cấp, từ năm 2004 - 2019, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương đã 8 lần phối hợp khảo sát, tìm kiếm các hài cốt liệt sĩ của Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 hy sinh trong trận đánh Bàu Hang nhưng chưa có kết quả. Đại tá Nguyễn Đình Chuẩn, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, tròn 20 năm, với trách nhiệm trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp tục tham mưu Ban chỉ đạo 515 tỉnh tổ chức khảo sát, xác định vị trí tọa độ để tìm kiếm.
Theo xác định, vị trí hiện tại nằm trên khu đất trồng cây cao su của ông Huỳnh Văn Trung và các chủ hộ khác trên địa bàn xã, với diện tích khoảng 5.000m2. Ngày 13/3, Ban chỉ đạo 515 tỉnh phối hợp UBND huyện Bắc Tân Uyên tổ chức nghi thức dâng hương và động thổ tiến hành công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại nơi này. Đây là lần thứ 9, đơn vị tiến hành tìm kiếm tại khu vực này với mong muốn tìm thấy được hài cốt liệt sĩ.
Và sau gần 1 tháng tổ chức động thổ, tìm kiếm, lực lượng tìm kiếm của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương đã phát hiện, quy tập được 20 hài cốt liệt sĩ, 20 bình tông, 17 đôi dép cao su và nhiều di vật khác. Cảm xúc vỡ òa! Sau 56 năm, các anh đã được trở về với vòng tay đồng đội, với gia đình và người thân…
Thiếu tướng Trần Hữu Tài, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Dương xúc động nói: “Không biết nói gì hơn, với kết quả này, bản thân tôi rất xúc động. Thời điểm năm 2004, tôi là Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương, đã phối hợp với những cựu binh Australia khảo sát địa điểm này. Tính từ thời điểm lần đầu tiên tổ chức vào tháng 3/2005 thì đến năm 2019, đã 8 lần tổ chức tìm kiếm nhưng vẫn không có kết quả. Ở lần thứ 9 này, các anh đã được về với “mái nhà chung” có anh em đồng đội”.
Là một trong những người tâm huyết với công tác này, ông John Bryant, cựu binh Australia nói: “Cá nhân tôi rất xúc động khi có mặt tại hiện trường tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Việt Nam lần này. Với tôi, đây là kỷ niệm vô cùng đáng nhớ”.
Vậy là tròn 20 năm tìm kiếm (2004 - 2024), đã có 20 hài cốt liệt sĩ đầu tiên của các chiến sĩ Trung đoàn 141, Sư đoàn 7 anh dũng hy sinh trong trận đánh Bàu Hang ở ấp Chòi Dúng, xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên vào rạng sáng ngày 26/5/1968 đã được tìm thấy.
Sau 56 năm, các anh được trở về với “mái nhà chung” khang trang, ấm áp bên những đồng đội thân thương. Hiện, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương tiếp tục chỉ đạo lực lượng đào thăm dò, mở rộng khu vực xung quanh, tiến hành tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại các hố bom khác, để đưa các anh trở về…
Xuân Mai - Khánh Vân
Báo Lao động và Xã hội số kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ