Trong suốt tuổi trưởng thành, Connor, chàng trai 25 tuổi ở Ireland chứng kiến anh chị em lần lượt rời nhà vào những năm đầu tuổi 20 để sống tự lập. Đây là xu hướng phổ biến ở phương Tây khi con cái đến tuổi trưởng thành sẽ ra ngoài sống riêng.
Tuy nhiên, khi Connor đến độ tuổi đó, tình hình thay đổi đáng kể. Giờ đây tại Dublin, khu vực anh sinh sống, giá thuê nhà đã tăng gấp đôi kể từ năm 2013. Vì vậy, nhiều người trẻ không còn lựa chọn nào khác là tiếp tục sống với bố mẹ.

“Bạn bè thời đại học của tôi đều sống với bố mẹ hoặc họ hàng, không phải vì họ thiếu tham vọng mà vì quá đắt đỏ. Điều này dường như đã trở thành bình thường”, Connor nói. Dù đã chuyển khỏi nhà một thời gian ngắn vào năm ngoái nhưng do giá thuê quá cao, Connor nhanh chóng trở về nhà.
Anh và một số người bạn đang tiết kiệm tiền, song giá bất động sản cao đồng nghĩa có ít cơ hội để thuê hoặc mua nhà riêng. Nhiều người tỏ ra khá bi quan khi phải sống mãi với bố mẹ.
Ireland ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng thanh niên sống cùng cha mẹ do đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhà ở trở nên trầm trọng.
Theo phân tích của cơ quan Eurofound của EU, từ năm 2017 đến 2022, tỷ lệ người đi làm từ 25 đến 34 tuổi sống cùng cha mẹ đã tăng từ 27% lên 40%. Chính phủ Ireland đặt mục tiêu cung cấp trung bình 33.000 ngôi nhà mới mỗi năm cho đến năm 2030, mặc dù tổ chức phi chính phủ Housing Europe cho rằng con số trên chưa thể đáp ứng được nhu cầu.
Conno đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ, thường đưa cho bố mẹ 500 euro/tháng (13,8 triệu đồng) để góp chi phí sinh hoạt. Anh đang cân nhắc các lựa chọn để có thể sống riêng nhưng thừa nhận điều này rất khó khăn.
Châu Âu đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nhà ở ngày càng tăng. Rất nhiều câu chuyện tương tự như Connor diễn ra trên khắp châu Âu, ví dụ ở Tây Ban Nha. Laura, 30 tuổi, đã sống riêng 10 năm.
Tuy nhiên, khi hợp đồng cho thuê nhà của cô ở Barcelona bị chấm dứt vào năm 2023, cô phải dọn về ở cùng cha. Ban đầu, cô xem đây là giải pháp tình thế nhằm giúp cô có thời gian tìm một căn hộ mới. Tuy nhiên, nửa năm trôi qua cô vẫn chưa tìm được nơi ở mới.
“Tôi đã tìm suốt 6 tháng nay mà không thành công. Tôi muốn sống một mình với giá thuê 1.000 euro (27,6 triệu đồng). Hôm trước, tôi thấy quảng cáo về một căn hộ giá 990 euro/tháng không có cửa sổ. Trong quảng cáo ghi rằng, nó dành cho những người chỉ muốn có một nơi để ngủ và tiết kiệm tiền", Laura cho biết.
Laura cảm thấy thật hoang đường khi mình có điều kiện tốt, bằng cấp và công việc ổn định nhưng lại không thể tìm được một căn nhà đủ tốt để sống tự lập. “Bạn bè tôi cũng gặp phải tình cảnh như vậy”.
Barcelona đã thực hiện nhiều biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở kéo dài, bao gồm điều chỉnh việc cho thuê ngắn hạn, tăng thuế du lịch, trong khi Tây Ban Nha năm ngoái đã đưa ra luật nhằm củng cố hệ thống nhà ở xã hội và đưa ra các điều khoản để kiểm soát tiền thuê nhà.
Tại Bồ Đào Nha, nhiều người trẻ cũng gặp phải tình trạng tương tự như Laura hay Conor. Theo phân tích của Eurofound, tỷ lệ người Bồ Đào Nha có việc làm từ 25 đến 34 tuổi sống cùng cha mẹ đã tăng từ 41% năm 2017 lên 52% vào năm 2022.
Francisco, 28 tuổi, sống với bố mẹ từ năm 2020 sau khi đi du học về. Không như Laura, anh không muốn thuê nhà mà tiết kiệm tiền để mua căn hộ riêng. Anh cho hay, việc thuê nhà ở Thủ đô Lisbon gần như là không thể vì giá quá đắt do sự bùng nổ của khách du lịch.
Các chủ nhà có xu hướng cho thuê ngắn ngày phục vụ nhóm du khách vì có lợi hơn là cho thuê dài hạn. Điều đó khiến Francisco phải sống với cha mẹ để tiết kiệm tiền cho ước mơ "an cư lạc nghiệp". Anh cho biết mình may mắn khi có được mối quan hệ tốt với bố mẹ và cảm thấy hạnh phúc khi ở bên họ.
Croatia là quốc gia cũng đang chứng kiến cuộc khủng hoảng nhà đất, kéo theo việc nhiều người trẻ phải sống với bố mẹ. Những năm gần đây, Jelena Kalini, 25 tuổi, đã để mắt đến các địa điểm cho thuê nhà và cân nhắc việc sống tự lập.
Nhưng sau khi Croatia gia nhập cơ chế miễn thị thực Schengen và khu vực đồng tiền chung châu Âu vào tháng 1/2023, cô quyết định tiếp tục sống với cha mẹ và bà ngoại.
Giá bất động sản đã tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái là một lý do. Kalini làm việc toàn thời gian trong lĩnh vực bán hàng và tài chính cũng đang hoàn thành chương trình học. Cô cho biết chi phí tăng nghĩa là cô có thể sẽ ở nhà cho đến khi tiết kiệm đủ tiền để đặt cọc mua nhà riêng.
“Mức lương tối thiểu năm nay cũng tăng nhưng so với nhà ở thì không là bao. Giá căn hộ ở vùng ngoại ô cũng tăng lên. Với mức lương nhận được, chúng tôi không thể thuê nhà để ở một mình", cô nói.
Đức Hoàng (theo Guardian)
Báo Lao động Xã hội số 66