Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Lao động người nước ngoài gặp trở ngại trong vấn đề nhập cư

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Công dân nước ngoài chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong lực lượng lao động có tay nghề tại Hàn Quốc, nhưng vẫn còn nhiều rào cản để họ nhập cư và sinh sống lâu dài.

“Hàn Quốc nổi bật nhờ nền văn hóa cởi mở hơn các quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, cũng như cơ sở hạ tầng công nghệ phát triển và hệ thống y tế tốt. Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên được các nhân tài từ Mỹ và châu Âu quan tâm”, Cindy Park, Giám đốc nhân sự tại công ty phần mềm Seoul Robotics nhận định.

Hàn Quốc.jpg
Theo số liệu năm 2023, khoảng 41.000 chuyên gia nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc (Ảnh: Hankyoreh).

Các công ty khởi nghiệp Hàn Quốc nhắm tới thị trường toàn cầu đang ngày càng thu hút nhân tài từ nước ngoài. Lãnh đạo công ty và nhân viên người nước ngoài đang trở nên phố biến tại các công ty khởi nghiệp ở khu Gangnam của thủ đô Seoul.

Tại Seoul Robotics, 23 trong số 55 nhân viên là người nước ngoài. Đặc biệt, khoảng 40% trong số 30 kỹ sư của công ty là người ngoại quốc từng tốt nghiệp các trường từ Đại học Công nghệ ở Munich (Đức), Viện công nghệ liên bang Zurich (Thụy Sĩ) hay Viện công nghệ hoàng gia KTH (Thụy Điển). Thậm chí giám đốc nhân sự công ty cũng đến từ Đức.

Các nhân sự nước ngoài cũng là mũi nhọn tại Day 1, một công ty công nghệ giáo dục của Hàn Quốc đang tìm cách thâm nhập các thị trường nước ngoài. Andrew, người từng tốt nghiệp Đại học Gloucestershire (Anh), hiện điều hành hoạt động một nền tảng giáo dục của công ty tại Nhật Bản.

“Tôi lần đầu biết đến Hàn Quốc là đợt World Cup 2002. Tôi đến đây vào năm 2021 để dạy tiếng Anh nhưng sau đó nhận được lời mời công việc khác. Giờ đây, tôi tham gia quản lý phát triển kinh doanh”, anh nói.

Vào năm 2013, có khoảng 41.000 chuyên gia nước ngoài làm việc trong các lĩnh vực chuyên biệt tại Hàn Quốc. Đến năm 2023, con số này tăng lên 46.000 người. Để nhận được thị thực, những người này phải có các chứng chỉ, bằng cấp thạc sĩ hoặc cao hơn và kinh nghiệm làm việc.

Theo Bộ Tư pháp và Thống kê Hàn Quốc, 74,8% chuyên gia nước ngoài làm việc trong các lĩnh vực chuyên biệt có bằng cử nhân trở lên. Gần một nửa trong số đó ở độ tuổi 30. Trong số các lao động quốc tịch nước ngoài có mức lương khoảng 2.200 USD/tháng, 43% trong số họ làm việc trong các lĩnh vực chuyên biệt, trong khi 40,3% có giấy tờ cư trú lâu dài.

Tuy nhiên, người nước ngoài cũng gặp khó khăn trong việc xin thị thực làm việc lâu dài tại Hàn Quốc. Nhiều người ngoại quốc làm việc trong các công ty cho biết, việc giảm bớt các điều kiện cấp thị thực có thể giúp thu hút thêm lao động nước ngoài có tay nghề.

Janet Russell, người Mỹ làm công việc phát triển nội dung số cho nền tảng giáo dục Lemonade cho biết, không giống giáo sư hoặc sinh viên, những người ở vị trí của cô rất khó xin thị thực E-7 (loại thị thực dành cho lao động có tay nghề cao, hay còn gọi là thợ lành nghề, mong muốn được ở lại Hàn Quốc làm việc lâu dài) ngay từ đầu.

Cô cho hay, các công ty dường như phải đối mặt khó khăn mời nhân sự bắt đầu làm việc trong các vị trí toàn thời gian mà không có thời gian đào tạo. 

Định cư lâu dài vẫn là nhiệm vụ khó khăn với Miyuki Ikemoto, từ Seoul               Robotics. Ikemoto cho hay, cô phải chạy đôn chạy đáo để chuẩn bị xin thị thực F2 (thị thực cho phép công dân nước ngoài được định cư tại Hàn Quốc) trong khoảng thời gian dài trong khi vẫn phải hoàn thành các công việc ở công ty.

“Sau khi hoàn thành một khoảng thời gian nhất định, những người có thị thực lao động chuyên nghiệp sẽ được tính điểm dựa trên các yếu tố như độ tuổi, mức lương, trình độ học vấn, do thị thực cư trú chỉ được cấp cho một số ít người”, Ikemoto nói.

“Sẽ có lợi hơn nếu bạn lấy bằng thạc sĩ tại Hàn Quốc. Vì tôi tốt nghiệp tại Nhật Bản nên không đủ điểm và phải hoàn thành Chương trình nhập cư và hội nhập Hàn Quốc kéo dài 50 giờ. Tôi vẫn làm việc tại công ty, tham gia các lớp học đến tận tối thứ 7 và học để thi chứng chỉ tiếng Hàn”, cô nói thêm. 

Kyle Robinson, người Canada đang làm việc cho công ty khởi nghiệp công nghệ VoyagerX cho biết, anh đến Hàn Quốc vào năm 2020 với thị thực du lịch nhưng sau đó chuyển sang E-7 do nhận được lời mời làm việc vào năm 2021.

Tuy nhiên, Robinson cho hay một số người bạn của anh phải rời Hàn Quốc cho tới khi nhận được thị thực mới do khó khăn trong việc xin chữ ký trên giấy tờ miễn trừ khi họ chuyển sang một công việc khác.

Ngoài ra, người nước ngoài cũng gặp một số khác biệt về văn hóa khi sinh sống tại Hàn Quốc. Ikemoto cho biết: “Dễ dàng định cư nếu bạn nếu kết hôn với một người Hàn, nhưng nếu bạn độc thân thì không. Trong thời gian dịch bệnh, họ hỗ trợ thiên tai cho người nước ngoài có đóng thuế, nhưng họ nói tôi không đủ điều kiện vì sống một mình”.

Một số người nước ngoài chỉ ra tình trạng thiếu các lựa chọn thân thiện với tiếng Anh tại các bệnh viện và khi nộp thuế. “Họ nói tôi phải khai thuế trực tuyến, nhưng không thấy phương án kê khai tiếng Anh. Làm sao chúng tôi có thể làm được điều đó?”, một người nói. 

Thậm chí những điều nhỏ cũng có thể gây khó khăn cho người nước ngoài. “Đôi khi các trang web không nhận các tên nước ngoài, vì ô chữ chỉ được tạo cho tên tiếng Hàn, thường có 3 hoặc 4 ký tự”, một người nước ngoài cho biết.

Một số người nước ngoài cũng nhận thấy sự khác biệt trong văn hóa làm việc tại Hàn Quốc. 

“Tôi nghĩ bạn phải làm việc 24/7. Còn khi ở Anh, nếu kết thúc công việc, tôi không cần kiểm tra email. Nhưng ở Hàn Quốc, bạn luôn phải để ý điện thoại để đề phòng có chuyện gì xảy ra”, Kempster cho hay.

Ninh Trần (theo Hankyoreh)

Báo Lao động Xã hội số 71