Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Cần hơn 300.000 lao động tay nghề cao

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Theo tính toán của Viện Chiến lược và phát triển GTVT, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), quá trình xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao, cần nguồn lao động khoảng 263.700 - 332.300 người.

Trong đó, giai đoạn 2025-2030 cần khoảng 111.280-160.000 người; giai đoạn 2030 - 2040 cần khoảng 152.420 - 186.280 người và phần lớn phải có tay nghề cao.

Dự kiến trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8

Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (tháng 9/2024), Trung ương, Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị và ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện sớm.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Cần hơn 300.000 lao động tay nghề cao - 1
Dự kiến dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10.

Hiện Bộ GTVT và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, chuẩn bị trình tự, hồ sơ, thủ tục để trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, mục tiêu đầu tư dự án nhằm xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Mục tiêu cụ thể, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư trước năm 2025; giải phóng mặt bằng, khởi công trước năm 2030; hoàn thành toàn tuyến trước năm 2045.

Phạm vi đầu tư của dự án có điểm đầu tại TP Hà Nội: Tổ hợp ga Ngọc Hồi (đầu mối vận chuyển hành khách và hàng hóa phía nam của khu đầu mối đường sắt Hà Nội). Điểm cuối tại TPHCM: Ga Thủ Thiêm (đầu mối vận chuyển hành khách phía đông của khu đầu mối đường sắt TPHCM).

Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TPHCM.

Để tối ưu chi phí vận tải, phát huy ưu thế của từng phương thức, kinh nghiệm quốc tế, năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng hiện tại, kết quả dự báo nhu cầu vận tải, công năng của tuyến đường sắt trên trục Bắc - Nam, báo cáo nghiên cứu tiền khả khi đề xuất: Xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài khoảng 1.541km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết; đường sắt Bắc - Nam hiện hữu vận chuyển hàng hóa và khách du lịch chặng ngắn.

Trước đó, vào tháng 12/2023, Bộ GTVT trình Thường trực Chính phủ đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, với       3 kịch bản. Trong đó, Bộ GTVT đề xuất lựa chọn kịch bản 3. Cụ thể, đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tuyến đường sắt hiện hữu nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD.

Cũng theo kịch bản 3, nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác thêm tàu hàng chạy Bắc - Nam thì vốn đầu tư dự án sẽ tăng từ 68,98 tỷ USD lên 71,69 tỷ USD. Ưu điểm của kịch bản 3 là vận tải hành khách nên tốc độ cao, tiện nghi, an toàn, có khả năng cạnh tranh với phương tiện khác. Tuy nhiên, nhược điểm là chi phí đầu tư cao, nếu khai thác thêm cả tàu hàng thì chênh lệch tốc độ giữa tàu khách với tàu hàng càng lớn.

Theo tính toán của tổ tư vấn, với kịch bản 3 dự kiến tàu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) - Thủ Thiêm (TPHCM) dừng tại 6 ga trên hành trình Bắc - Nam sẽ mất 5 giờ 26 phút, nếu dừng ở 23 ga trên hành trình sẽ mất 7 giờ 54 phút. Các chặng ngắn như Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Thủ Thiêm sẽ mất từ 1 - 2 tiếng, tùy vào số lượng ga tàu dừng trên hành trình di chuyển.

Về nguồn lực, Bộ GTVT khẳng định Việt Nam đã hội đủ điều kiện để đầu tư đường sắt tốc độ cao. Chẳng hạn GDP hiện cao gấp 4 lần thời điểm năm 2010 (thời điểm Quốc hội quyết định chưa làm đường sắt cao tốc), tiềm lực tài chính tăng nhiều lần, nợ công chỉ khoảng 37%...

Cần hơn 300.000 lao động tay nghề cao

Cùng với quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án, Bộ GTVT giao các đơn vị liên quan chuẩn bị nguồn nhân lực và nâng cao năng lực ngành công nghiệp đường sắt để phục vụ nhu cầu phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đây được xem là yếu tố quyết định tới tính hiệu quả, bền vững và thành công của dự án này.

Theo tính toán của Viện Chiến lược và phát triển GTVT, trong quá trình xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao, cần nguồn lao động khoảng 263.700 - 332.300 người. Trong đó, giai đoạn 2025 - 2030 cần khoảng 111.280 - 160.020 người; giai đoạn 2030 - 2040 cần khoảng 152.420 - 186.280 người và phần lớn phải có tay nghề cao.

Giải pháp với nguồn lao động trên là tuyển dụng thông qua đào tạo trong nước, liên kết và đào tạo ở nước ngoài. Dự kiến kinh phí đào tạo khoảng 19.718 - 24.096 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, dự án cần khoảng 13.880 người để khai thác vận hành, trong đó lao động trực tiếp là 11.050 người, kỹ sư cần khoảng 2.349 người... “Để có đội ngũ trên cần phải chi khoảng 9.715 tỷ đồng cho công tác đào tạo”, Viện Chiến lược và phát triển GTVT dự báo.

Tuy nhiên, Viện Chiến lược và phát triển GTVT nhận định, nguồn nhân lực cho đầu tư xây dựng cơ bản trong nước đáp ứng được 80% nhu cầu để phục vụ cho công tác xây dựng như nền, móng, công trình… 20% nhân lực còn lại tập trung chủ yếu vào các chuyên ngành chuyên sâu của đường sắt tốc độ cao như hệ thống ray, thông tin tín hiệu... và cần có kế hoạch đào tạo chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu công việc.

Với số tiền và nhu cầu đào tạo nguồn lao động lớn như vậy, Viện Chiến lược và phát triển GTVT vừa đề xuất Bộ GTVT sớm xây dựng và hoàn thiện chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo cơ chế phù hợp để thu hút nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực.

Huy Linh

Báo Lao động và Xã hội số 117

Tin liên quan