Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Giám sát chặt chẽ nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động

Phóng viên
Phóng viên

(Dân sinh) - “Giám sát chặt chẽ nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động để phát hiện và phòng tránh những sự việc đáng tiếc…” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

thu truong le van thanh.jpg
Thứ trưởng Lê Văn Thanh và đoàn công tác kiểm tra công tác ATVSLĐ tại dây chuyền thu hồi kim loại từ linh kiện điện tử. (Ảnh: Molisa).

Thực hiện Công điện ngày 21/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), sáng ngày 28/5, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương cùng đoàn công tác đến kiểm tra, giám sát công tác ATVSLĐ tại tỉnh Thái Nguyên đối với Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên (huyện Đồng Hỷ) và Công ty CP môi trường Việt Xuân (Thành phố Phổ Yên).

Cùng tham gia đoàn công tác có: Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng; Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thị Quỳnh Hương; đại diện các ban, ngành có liên quan.

2.jpg
Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi làm việc với Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên. (Ảnh: Molisa).

Sản xuất an toàn chính là uy tín của doanh nghiệp

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, nhiều năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường xuyên chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quan tâm chú trọng về công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ và gần nhất là Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác ATVSLĐ.

“Công tác an toàn phải được đặt lên hàng đầu, an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn. Đơn vị, doanh nghiệp chấp hành an toàn tốt thì mọi thứ đều thuận lợi, trôi chảy, còn ngược lại thì công nhân, người lao động dù mức lương cao vẫn có tâm lý e dè, lo ngại.

"Thời gian qua, nhiều đơn vị chưa chú trọng đến công tác ATVSLĐ nên để xảy ra nhiều tai nạn lao động nghiêm trọng. Chính vì vậy, sản xuất an toàn chính là uy tín của doanh nghiệp”, ông Thanh nhấn mạnh thêm.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cũng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của hai đơn vị, Các doanh nghiệp đã nhanh chóng quán triệt Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ và tổ chức phát động Tháng hành động về ATVSLĐ tại đơn vị.

Thời gian tới, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị, các đơn vị, doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác huấn luyện, đảm bảo ATVSLĐ tại các nhà máy, phân xưởng sản xuất; duy trì tốt hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp để điều trị cho người lao động.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy hại, máy móc thiết bị an toàn và thực hiện tốt công tác quan sát môi trường. Đặc biệt, trước khi phân công, giao việc cho người lao động làm việc thì người lao động phải được huấn luyện về ATVSLĐ trong công việc được giao và phải được kiểm tra, huấn luyện bổ sung trong quá trình lao động.

3.jpg
Thứ trưởng Lê Văn Thanh và đoàn công tác kiểm tra thực tế công tác ATVSLĐ tại một số phân xưởng, nhà máy luyện kim (Ảnh: Molisa).

Giám sát chặt chẽ nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động 

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên, nhiều năm qua, đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức về đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho người lao động; tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề, huấn luyện thực hành, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động.

Hiện Công ty Luyện kim đen Thái Nguyên có 466 lao động, trong đó có 327 lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Công ty có 5 cán bộ làm công tác ATVSLĐ (2 cán bộ chuyên trách), 2 cán bộ làm công tác y tế; 38 an toàn vệ sinh viên. Việc trang bị phương tiện, thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân cấp phát cho người lao động đảm bảo số lượng, chủng loại và có chứng nhận hợp quy đối với những sản phẩm phương tiện bảo vệ cá nhân.

Đồng thời, hợp đồng với các đơn vị chức năng có đủ điều kiện thực hiện kiểm định, kiểm tra, thử nghiệm, bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân, thiết bị an toàn...

Về phía Công ty Cổ phần môi trường Việt Xuân, dù mới thành lập năm 2013 với ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chính là thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp, nhưng đã được coi là hình mẫu về thực hiện mô hình “kinh tế tuần hoàn” tại tỉnh Thái Nguyên.

Nhiều năm qua, Công ty luôn thực hiện trang cấp phương tiện tiện bảo vệ cá nhân đúng tiêu chuẩn theo từng khu vực làm việc cho người lao động, có quy định về định mức cấp phát, có kế hoạch và sổ theo dõi cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân...

Thứ trưởng chia sẻ: “Để đảm bảo ATVSLĐ thì phải có quy trình, quy định rõ ràng; phải yêu cầu người lao động chấp hành nghiêm về trang bị thiết bị bảo hộ cá nhân để hình thành ý thức. Đặc biệt, cần thường xuyên nhắc nhở trước giờ làm việc và xác định việc có nguy cơ cao thì phải đặt nhiều yêu cầu hơn".

Cùng với đó, ông Lê Văn Thanh yêu cầu tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác ATVSLĐ, lắp đặt thêm camera ở những nơi nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao để giám sát việc chấp hành quy trình, quy định về ATVSLĐ. 

"Đồng thời, giám sát chặt chẽ nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động để kịp thời phát hiện và phòng tránh những sự việc đáng tiếc”, Thứ trưởng nói.