Trong video đăng trên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu, Lauren Dai, một người gốc Thượng Hải, kiên nhẫn giải thích bằng tiếng Quan Thoại cách gọi món ăn phổ biến của Malaysia như trà sữa, roti tisu và mì xào như người bản địa, khi cô đang ngồi trong một nhà hàng nhộn nhịp ngay trung tâm Kuala Lumpur.

Cô Dai đã sống trong khu vực tập trung nhiều người nước ngoài Mont Kiara từ năm 2019, sau khi có được thị thực "Malaysia, ngôi nhà thứ 2 của tôi" (MM2H), cho phép cô cư trú trong 10 năm. Giống nhiều đồng hương Trung Quốc bị thu hút bởi nhà ở giá cả phải chăng và lối sống thư giãn hơn của Đông Nam Á, Dai đã rời bỏ lối sống cạnh tranh khốc liệt không ngừng ở Trung Quốc.
“20 năm sống trong nhịp sống nhanh ở Thượng Hải và Hong Kong khiến tôi kiệt sức. Ở Trung Quốc, không có khái niệm kết thúc ngày làm việc. WeChat làm mờ ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Tôi không thể đăng ảnh du lịch mà không phải trả lời tin nhắn của khách hàng”, nữ giám đốc quảng cáo trực tuyến 38 tuổi chia sẻ với Straits Times.
“Nhưng ở Malaysia, WhatsApp không xâm phạm cuộc sống riêng tư của tôi. Email là phương thức giao tiếp công việc chính và tôi có thể tạm ngừng kiểm tra thư điện tử trong kỳ nghỉ", cô Dai nói. Hiện cô thành lập một công ty tư vấn quảng cáo tại Malaysia và làm việc chặt chẽ với một nhóm tại Thượng Hải.
Cô là một trong số 26.162 công dân Trung Quốc đại lục sở hữu thị thực MM2H tính đến tháng 12/2024. Người Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn nhất trong chương trình này, khoảng 45% trên tổng số 57.686 người tham gia, với mục đích nghỉ hưu, giáo dục và đầu tư. Số còn lại chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Bangladesh, cùng một số ít từ Đài Loan và Hong Kong.
Số lượng người Trung Quốc đại lục đăng ký MM2H đã tăng ổn định trong những năm qua, chiếm tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ nào kể từ năm 2013.
Theo dữ liệu của Chính phủ Malaysia, từ tháng 9/2024 đến tháng 1/2025, có 2.195 hồ sơ đăng ký MM2H, trong đó người Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất với 53%, tiếp theo là người Đài Loan (8%) và người Hong Kong (6%). Chương trình này đã tạo ra 152,8 triệu USD tiền gửi cố định và 155,4 triệu USD đầu tư bất động sản trong thời gian này.
Được giới thiệu vào năm 2002, MM2H cho phép người nước ngoài cư trú lâu dài tại Malaysia, ban đầu hướng đến các đối tượng nghỉ hưu giàu có. Chương trình này từng bị đình chỉ vào tháng 8/2020 và một lần nữa vào năm 2023 để Chính phủ xem xét lại các yêu cầu cư trú.
Từ năm 2002 đến 2019, chương trình đã đóng góp 2,7 tỷ USD vào nền kinh tế Malaysia thông qua phí thị thực, mua bất động sản, mua xe cá nhân, tiền gửi cố định và chi tiêu hộ gia đình hàng tháng.
Các điều chỉnh gần đây vào năm 2024 yêu cầu người nộp đơn phải có tối thiểu 150.000 USD tiền gửi cố định và mua bất động sản, đồng thời giữ bất động sản đó trong ít nhất 10 năm.
Tuy nhiên, không còn yêu cầu chứng minh thu nhập cố định hàng tháng. Tiêu chí nghiêm ngặt hơn không làm giảm sự quan tâm của người Trung Quốc đại lục đối với chương trình này, theo ông Anthony Liew (46 tuổi), Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn MM2H, người có 13 năm kinh nghiệm xử lý hồ sơ MM2H.
“Trung Quốc đang đối mặt với áp lực cuộc sống khắc nghiệt. Nếu học sinh không thể vào các trường trung học hàng đầu, họ buộc phải vào các trường dạy nghề.
Những gia đình có điều kiện lo ngại rằng con cái họ sẽ phải làm công việc lao động phổ thông và bị phân biệt đối xử. Vì vậy, họ thích gửi con đến Malaysia, đặc biệt là Kuala Lumpur để học trường quốc tế, hy vọng chúng có cơ hội tốt hơn để trở thành chuyên gia văn phòng", ông cho biết.
Tại Penang, nữ môi giới bất động sản Lisa Chan (51 tuổi) nhận thấy: “Khoảng 80% khách hàng của tôi trong năm 2025 đến từ khu vực Trung Quốc đại lục. Ngày càng có nhiều người Trung Quốc đến Penang để nghỉ hưu hoặc cho con đi học". Không phải tất cả những người có thị thực MM2H đều sinh sống ở khu vực Kuala Lumpur, nơi có tổng cộng 141 trường quốc tế.
Một ứng viên MM2H người Đài Loan, chỉ muốn được gọi là bà Huang vì lý do riêng tư, gần đây đã ghi danh con gái 9 tuổi của mình vào một trong 12 trường quốc tế ở Penang để tránh áp lực thi cử và có môi trường học tập bằng tiếng Anh.
Bà Huang (49 tuổi), chủ một công ty thương mại về hàng tiêu dùng, đã đến Malaysia cùng con vào tháng 12/2024. Bà dự định đăng ký MM2H trong thời gian tới, bất kể con bà có tiếp tục học tập tại Malaysia bao lâu đi nữa.
Trong khi những cư dân MM2H giàu có từ Trung Quốc đóng góp tích cực cho nền kinh tế Malaysia, một số thách thức cũng nảy sinh trong các lĩnh vực như giáo dục và kinh doanh do sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa.
Các trường quốc tế ở Penang đã áp dụng giới hạn 20% số học sinh Trung Quốc trong mỗi lớp để duy trì tính đa dạng và tránh tình trạng “toàn học sinh Trung Quốc”, theo bà Chan, nhân viên cấp cao của Chin Housing Realty, người đã hỗ trợ bà Huang định cư, từ việc đón sân bay đến thanh toán hóa đơn.
Dù có những thách thức, nhiều cư dân MM2H từ Trung Quốc đã thích nghi với văn hóa địa phương và chia sẻ bí quyết hòa nhập.
Dai cho biết: “Tôi thường xuyên đi chơi với người Malaysia vì chỉ khi trải nghiệm cuộc sống địa phương, bạn mới thực sự hiểu đất nước này. Họ thường đưa tôi đi ăn thử những món ăn địa phương”.
Đức Hoàng (theo Straits Times)
Báo Lao động và Xã hội số 25